Moskva: Hao dần di sản kiến trúc quý

Thứ ba, 01 Tháng 9 2009 00:03 TT&VH
In

Theo báo cáo mới đây của một nhóm các nhà hoạt động xã hội Nga và quốc tế, di sản kiến trúc của Moskva sắp bị phá hủy vĩnh viễn vì những cuộc tu bổ kém chất lượng và những dự án “bỏ cũ xây mới” thiếu thận trọng.  

Không có một thành phố thủ đô nào ở châu Âu trong thời bình lại phá hủy tầm cỡ như vậy”, Hiệp hội Bảo tồn Kiến trúc Moskva nhận định. Các tác giả của bản báo cáo còn cho biết hàng trăm tòa nhà quan trọng - từ những cung điện thế kỷ 19 đến những kiệt tác kiến trúc thời Stalin - đều bị bỏ mặc hoặc phá hủy. 

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ xảy ra thực trạng trên là do chẳng có khung pháp lý nào để khép tội những người phá bỏ các công trình đã được xếp hạng để xây các tòa nhà hiện đại hoặc trùng tu mà chẳng khác gì xây mới. Các nhà phê bình nói rằng các kế hoạch phát triển không rõ ràng khiến dư luận bị bịt mắt, che tai cho đến khi mọi sự đã trở nên quá muộn. Và trong khi sự khủng hoảng kinh tế đã kìm hãm sự hăng hái của những người chủ trương “đập phá (di sản) để phát triển” thì tình trạng cạn kiệt về tài chính cũng làm giảm chất lượng việc trùng tu các công trình quý hiếm.

Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm bảo vệ các công trình lịch sử hoặc xây dựng công trình mới phù hợp với khung cảnh kiến trúc xung quanh, song kết cục vẫn rất tồi tệ. Các công trình cổ kính đạt đỉnh cao về mọi mặt được thay thế bằng những “bản sao” vừa dối vừa vụng.

Cách đây hai năm, một bản báo cáo về tình trạng xâm hại các di tích kiến trúc đã được công bố khiến việc hủy hoại các công trình được xếp hạng phải ngừng lại và chính quyền đã bắt đầu lắng nghe những lời phàn nàn của công chúng. Nhưng giờ đây bệnh cũ lại tái phát. “Không có một sự tiến triển nào trong hai năm qua, mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Đây có lẽ là một cuộc chiến mà chúng ta không bao giờ chiến thắng, nhưng chúng ta không có quyền được buông súng”, ông David Sarkisyan, Giám đốc Bảo tàng Kiến trúc Quốc gia Shchusev ở Moskva, nói.


Nhà hát Bolshoi, niềm kiêu hãnh của kiến trúc Moskva, đang được trùng tu vì xuống cấp nghiêm trọng

Bản báo cáo đã liệt kê tám công trình có giá trị lịch sử, trong đó có một tòa nhà gỗ lâu đời đã bị dỡ bỏ từ năm ngoái. Hàng chục công trình đang có nguy cơ bị bỏ mặc hoặc trùng tu một cách cẩu thả, trong đó có một số di tích kiến trúc nổi tiếng thế giới.

Ngay gần điện Kremlin, Nhà hát Bolshoi đang bị phủ bằng những tấm vải nhựa, bên trong thì nhiều phần đã bị phá hủy và toàn bộ cấu trúc đã bị rạn nứt. Đóng cửa từ năm 2005 để trùng tu và theo kế hoạch nhà hát phải được mở cửa lại từ năm ngoái, nhưng cho đến nay công trường vẫn ngổn ngang và kinh phí thì đội lên rất nhiều.

Nhiều người cho rằng sự hỗn loạn kiến trúc thời hậu Xôviết nảy sinh dưới triều đại của Yury Luzhkov, vị thị trưởng đầy uy lực nắm quyền từ năm 1992. Theo cách nhìn nhận của ông Luzhkov thì Moskva đã biến chuyển từ một thủ đô xám xịt thành một trung tâm thịnh vượng.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Moskva có cái giá rất đắt: Khắp nơi mọc lên bừa bãi nhiều công trình có chất lượng thấp, kiểu cách lai căng, các công trình lịch sử thì lại bỏ mặc. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ giới hạn ở thủ đô của nước Nga. Các sử gia và nhà hoạt động xã hội nói rằng “tấm gương méo” của Moskva đã được lặp lại ở khắp xứ sở bạch dương. Điều đáng lo lắng nhất là St. Petersburg, kinh đô thời Nga hoàng, may mắn không bị tái quy hoạch để xây lên những khối nhà bê tông nặng nề trong thời bao cấp, nhưng giờ đây tình hình đang thay đổi.

Ngay cạnh các công trình lịch sử là những tòa nhà kệch cỡm, chướng mắt mà chúng tôi đã phản đối nhưng không lay chuyển được. Nếu hiện trạng này tiếp diễn trong 1-2 năm tới thì chẳng còn một St. Petersburg như chúng ta từng biết”, bà Elena Minchyonok, một nhà hoạt động xã hội, buồn bã nói.

Lương Tuấn Vĩ

>> Kiến trúc Matxcơva biến mất vì tiền 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: