Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Hà Lan, đất nước xe đạp nhiều hơn người

Hà Lan, đất nước xe đạp nhiều hơn người

Viết email In

Với 17 triệu dân và 23 triệu chiếc xe đạp, Hà Lan là đất nước hiếm hoi có số lượng xe đạp nhiều hơn người. Chính phủ mong muốn sẽ tăng số tuyến đường cao tốc dùng cho xe đạp cũng như khuyến khích nhiều người dân sử dụng xe đạp đi làm.


Xe đạp sẽ là một phương tiện thân thiện môi trường giúp giảm tình trạng ô nhiễm hiện nay
(Ảnh: gettyimages)

Đài CNN ngày 21/12 cho biết Chính phủ Hà Lan gần đây công bố sẽ đầu tư 390 triệu USD vào cơ sở hạ tầng xe đạp để khuyến khích 200.000 người đi làm bằng xe đạp trong 3 năm tới.

Theo Bộ Quản lý nước và hạ tầng Hà Lan, 15 tuyến đường sẽ được phát triển thành "đường cao tốc xe đạp" (đường chỉ dành cho xe đạp), 25.000 bãi đậu xe đạp sẽ được dựng lên, và hơn 60 cơ sở chứa xe đạp sẽ được nâng cấp để thực hiện mục tiêu trên.

"Khao khát của tôi là đảm bảo mọi người có thể đi học và làm việc dễ dàng, cũng như thuận tiện khi muốn thăm gia đình và bạn bè", bà Stientje van Veldhoven, người đứng đầu bộ trên, cho biết.

Nhiều người dân Hà Lan vốn đã yêu thích sử dụng xe đạp cho hoạt động hằng ngày. Theo Viện phân tích chính sách Hà Lan, năm 2016, hơn 1/4 chuyến đi của người dân Hà Lan được thực hiện bằng xe đạp. Hiện nước này muốn nhiều xe đạp hơn xuất hiện trên đường phố và sẽ trả tiền để người dân dùng xe đạp thường xuyên.

Trong đó, 25% chuyến đi bằng xe đạp nhằm phục vụ công việc, trong khi 37% chuyến đi là để thư giãn. Các chuyến đi còn lại là để đến trường, đi mua sắm cùng các hoạt động khác.


Chính phủ Hà Lan khuyến khích dùng xe đạp để đi làm, đi học và phục vụ nhiều hoạt động khác hằng ngày
 (Ảnh: gettyimages)

Theo bà Stientje van Veldhoven, hơn 50% dân số Hà Lan sống cách nơi làm việc chưa tới 15km, và hơn 1/2 chuyến đi bằng xe hơi để di chuyển tới nơi làm việc được thực hiện dưới 7,5km. Đây là một khoảng cách "có thể dễ dàng được thay thế bằng xe đạp".

Nhằm khuyến khích người dân giảm dùng xe hơi, Chính phủ Hà Lan cũng chi tiền cho kế hoạch lý tưởng này. Theo đó, Hà Lan hiện có chính sách thưởng cho những người đạp xe đi làm bằng khoản tín dụng thuế 0,22 USD/km.

Các công ty và nhân viên của công ty đó sẽ là người xác nhận khoảng cách mà một nhân viên đã đạp xe để đi làm. Tuy nhiên, lợi ích này hiện ít được nhiều người biết tới và không được nhiều công ty ủng hộ.


Một bãi đỗ xe đạp ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan
 (Ảnh: gettyimages)


Những bãi đậu xe đạp công cộng khá phổ biến ở Hà Lan (Ảnh: gettyimages)

Chính phủ Hà Lan hi vọng sẽ thay đổi thực trạng này bằng cách quảng bá chương trình hiệu quả hơn và thúc đẩy nhiều công ty hợp tác. Hiện có một số công ty lớn ở Hà Lan cam kết thực hiện các biện pháp, chẳng hạn tài trợ xe đạp cho nhân viên…

Văn hóa đạp xe mà Hà Lan có được hiện nay là một quá trình kéo dài nhiều thập niên. "Trong thập niên 1960 và 1970, các thành phố Hà Lan sắp xếp nhiều chỗ hơn để đậu xe hơi và thói quen đạp xe luôn ở mức thấp", Meredith Glaser, một nhà nghiên cứu tại Viện đạp xe thành thị của Đại học Amsterdam, cho biết.

Mãi tới cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, các chính sách ưu tiên đạp xe và đi bộ mới được thực hiện.

Trong số những nhân tố đóng góp cho sự thay đổi này là cuộc khủng hoảng dầu vào thập niên 1970, các phong trào xã hội vào thập niên 1960-1970 để chống lại việc quy hoạch các con phố nhằm xây dựng đường cao tốc.

Bà Glaser cho biết Hà Lan hiện là "một trong số ít quốc gia đánh giá nghiêm túc đạp xe là một hình thức vận chuyển".

Trong số những tuyến đường cao tốc mới dùng cho xe đạp, có một tuyến đường nằm giữa Amsterdam và Amstelveen (ngoại ô của thủ đô). Một tuyến đường khác nối thị trấn Groningen với Assen - một thành phố ở tỉnh Drenthe mà vốn được biết tới là "tỉnh đạp xe" của Hà Lan.


Tuyến cao tốc xe đạp RijnWaalpad dài 17km nối Arnhem với Nijmegen. Tuyến đường này được mở vào tháng 7/2015, trở thành tuyến cao tốc xe đạp đầu tiên trong khu vực (Ảnh: gettyimages)


Trẻ em đạp xe ở Volendam, Hà Lan
 (Ảnh: gettyimages)


Chính phủ Hà Lan lên kế hoạch mở nhiều tuyến cao tốc dành cho xe đạp
 (Ảnh: gettyimages)


Amsterdam được xem là một trong những thành phố thân thiện với môi trường nhất thế giới (Ảnh: gettyimages) 

Bình An

(Tuổi Trẻ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo