Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Giải pháp môi trường thành vấn nạn môi trường

Giải pháp môi trường thành vấn nạn môi trường

Viết email In

Bức hình dưới là cánh đồng hoa ở Hà Lan? Không, đó là một “nghĩa địa xe đạp” ở Trung Quốc.  

Trung Quốc cổ đại có 4 phát minh lớn làm thay đổi đời sống của loài người: làm giấy, in ấn, thuốc súng, la bàn. Năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc điểm danh 4 phát minh lớn của họ thời hiện đại nhưng các độc giả khôn ngoan lập tức chỉ ra rằng tàu cao tốc, thanh toán bằng điện thoại, thương mại điện tử và chia sẻ xe đạp đã được ứng dụng ở nơi khác trước rồi. Họ chỉ nâng những phát minh này lên tầm rộng khắp chứ không phải họ phát minh, nhưng việc nâng tầm thái quá này đã đem tới tác dụng ngược. 

Lấy ví dụ như chia sẻ xe đạp, đã vượt tầm bão hòa từ rất lâu, quá nhiều xe so với số lượng người có nhu cầu dùng, biến nhiều nơi ở Trung Quốc thành những “nghĩa địa xe đạp”. Xe đạp ở khắp nơi, bỏ không ở công viên, khóa trong những ngõ hẻm, hỏng hóc, hư hại, gỉ sét. Giải pháp vì môi trường khi này lại trở thành một vấn nạn cho môi trường.

“Lần đầu tiên tôi thấy ‘nghĩa địa xe đạp’ trên tivi”, nhà nhiếp ảnh Wu Guoyong ở Thâm Quyến nói về quyết định thực hiện dự án chụp những núi xe đạp của anh, “Tôi hỏi các bạn tôi trên WeChat xem họ biết nơi nào xe đạp bỏ không, và họ đã chỉ cho tôi nhiều chỗ đến mức kinh ngạc”. 

“Nghĩa địa xe đạp” ở khu Phố Đông, Thượng Hải với hơn 100.000 được sắp xếp khá ngăn nắp, nhìn từ trên cao xuống giống như cánh đồng hoa đầy màu sắc. 


Xe đạp ở Thượng Hải. 


Xe đạp ở Thượng Hải.


Xe đạp ở Hàng Châu.

Ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, núi xe đạp cao hơn 10m. Ở Vũ Hán, mái một ngôi đền màu đỏ nổi lên khá ấn tượng giữa một rừng xe đạp. Ở Thiên Tân, Bắc Kinh, xe đạp được chất dưới gầm cầu vượt và các dự án xây dựng chưa thực hiện… 

Đầu tháng 7/2018, ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike mất 2 tuần để trục vớt hơn 1.000 chiếc xe từ các con sông ở thành phố Quảng Châu, 61% xe họ trục vớt là của họ. Tháng 4-2018, hãng Ofo cũng cho trục vớt hơn 2.000 chiếc xe từ dưới sông ở một số thành phố phía nam Trung Quốc. Hãng Mobike cho rằng những chiếc xe đậu bên bờ sông đã bị những kẻ phá hoại ném xuống sông. 

Để cạnh tranh, các hãng Ofo, Mobike, Hello Bike… hủy bỏ chế độ buộc người thuê xe phải đặt cọc tiền, nên người thuê xe càng ngày thiếu trách nhiệm trong việc đậu xe, trả xe đúng chỗ. Hạ tầng cho bến bãi đậu xe ở các thành phố yếu kém nhưng chính quyền cấp phép cho quá nhiều hãng hoạt động dẫn đến hiện trạng này. 


Xe đạp ở Vũ Hán.


Xe đạp ở Hợp Phì.

Từ khi “chia sẻ xe đạp” bùng nổ, đã có hơn 40 ứng dụng kiểu này ra đời ở Trung Quốc, dẫn tới tình trạng cung vượt xa cầu, không chỉ dẫn tới hiện tượng “nghĩa địa xe đạp”, mà còn khiến nhiều hãng phá sản. Như hãng Mingbike ở Quảng Châu vào tháng 11 năm ngoái đóng cửa hoạt động và xù luôn 199 yuan (30 đô la Mỹ) tiền đặt cọc của những người sử dụng ứng dụng. Wukong Bike ở Trùng Khánh đóng cửa sau 5 tháng hoạt động. Bluegogo ở Thiên Tân, ứng dụng lớn thứ ba sau Mobike và Ofo, cũng phá sản sau khi đốt hết 600 triệu yuan (120 triệu đô la Mỹ)… 

Xử lý các nghĩa địa xe đạp với hàng triệu chiếc ra sao đang là vấn đề khó khăn với các hãng và chính quyền các thành phố. 

Chính Phong 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo