Al Zubarah - Đi tìm thời gian đã mất

Chủ nhật, 22 Tháng 7 2018 17:38 Nhân Dân
In

Một thị trấn cảng vùng Vịnh được bảo tồn nguyên vẹn đến mức đáng ngạc nhiên dưới lớp cát nóng sa mạc. Một di chỉ khảo cổ vô giá. Một địa danh hiếm hoi của Qatar được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Đến với phế tích Al Zubarah là được quay ngược chiều kim đồng hồ, được lên chuyến tàu tốc hành “đi tìm thời gian đã mất”. 

Zubarah là điểm đến xa nhất mà tôi từng chiêm ngưỡng, trong hành trình khám phá Qatar. Nằm cách thủ đô Doha khoảng 105km, chặng đường dài xuyên qua bạt ngàn cát trắng, hiếm hoi màu xanh, dư thừa nắng nóng của miền sa mạc cằn khô rất dễ làm nản lòng những du khách coi chụp ảnh check – in là cái đích duy nhất. Nhưng hãy mạnh dạn lên đường nhé, bởi những gì đang chờ đợi chắc chắn là phần thưởng vô giá, cho những người không ngại xê dịch, giống tôi.  


Pháo đài Al Zubarah mang dáng dấp kiến trúc đặc trưng của các pháo đài truyền thống trên bán đảo Arab. 

Khám phá phế tích bị chôn vùi trong cát

Những trang sử Qatar ghi lại thời cực thịnh của một quốc gia sống nhờ vào nghề lặn tìm và buôn bán ngọc trai thiên nhiên, trước khi may mắn phát hiện trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên khổng lồ được thiên nhiên ban tặng, trong lòng đất cũng như ngoài biển khơi. Nằm bên bờ biển phía Tây Bắc của bán đảo Qatar, thị trấn Al Zubarah đã từng là một thương cảng giao dịch ngọc trai trù phú và thịnh vượng, là nơi sinh sống của từ sáu đến chín nghìn cư dân vào những năm cuối TK 18 vắt sang ít năm đầu TK 19. Được những thương gia Kuwait đặt viên gạch đầu tiên, nơi đây cũng từng là một đầu mối thương mại hàng hải vô cùng quan trọng liên kết cả khu vực Ấn Độ Dương, Ả Rập cũng như vùng Tây Á. 

Năm 1811, cả thị trấn bị quân Ai Cập phá huỷ nặng nề, để rồi chính thức bị bỏ rơi hoàn toàn trong nhiều thập niên sau đó. Rất may là nhờ những cơn bão cát hoành hành dữ dội trên vùng sa mạc nắng lửa, cả di tích này đã nhanh chóng bị vùi lấp hoàn toàn. Hàng triệu tấn cát đã trở thành lớp áo giáp vững chắc, giúp những phần còn lại của các công trình như nhà cửa, bến cảng, thánh đường Hồi giáo, đền đài, bến cảng, nghĩa trang… được bảo tồn một cách hoàn hảo, thay vì bị nhân tai cùng thiên tai phá huỷ theo quy luật thông thường.


Một số di vật phát lộ tại Di chỉ khảo cổ Al Zubarah, hiện đang được lưu giữ trong phòng trưng bày nằm kế bên pháo đài.

Phải chờ tới TK 20, Al Zubarah mới phát lộ một phần rất nhỏ, sau nhiều nỗ lực của các chuyên gia khảo cổ. Một thị trấn được quy hoạch khá quy củ với nhiều đường phố chạy vuông góc, những khu dân cư được bố trí theo mô hình lưới khoa học và chặt chẽ. Một thị trấn từng xây dựng cả một bức tường thành lớn bao quanh vòng cung dài tới 2,5km và có tới 22 ngọn tháp với mặt cắt hình bán nguyệt phân bổ đều đặn dọc theo các bức tường để bảo vệ cư dân sinh sống bên trong. Cách biệt phế tích kể trên một quãng ngắn là những gì còn lại của pháo đài Qal’at Murair, nơi từng tích trữ và cung cấp nguồn nước ngọt vô giá cho cả thị trấn, Nước ngầm được dự trữ tại các giếng cạn và bơm đẩy tới từng hộ dân, nhờ một hệ thống đường ống được phân bố khá phức tạp.

Đó là những hình dung rõ nét của lớp hậu sinh về một địa danh đã phản ánh sinh động sự phát triển của xã hội thương mại trong khu vực và sự tương tác mật thiết với cảnh quan sa mạc xung quanh. Những điều này đã giúp duy trì nhịp sống sôi động cho các thị trấn Hồi giáo ven biển thời kỳ đầu, từ đó dẫn đến sự phát triển của các quốc gia độc lập nở rộ bên ngoài dưới sự kiểm soát của đế chế Ottoman cũng như đế quốc Ba Tư để rồi cuối cùng xuất hiện vùng Vịnh như ngày nay. 

Độc đáo pháo đài Al Zubarah

Lịch sử thị trấn bị cát trắng chôn vùi được kể lại, trực quan và sinh động nhờ những hiện vật được nâng niu trong phòng trưng bày nằm kế bên pháo đài tròn 80 tuổi Al Zubarah. Ở nơi đây, người ta đã ghi lại hải trình đầu tiên, khi những thương nhân Kuwait đầu tiên quyết định rời xứ sở Grain, giong buồm ra khơi và cập bến Qatar để tìm nguồn ngọc trai. Dự án khảo cổ QNHER đã phát hiện tới hơn 200 mảnh vỡ của đồ gia dụng bằng sứ thời Ubaid và hơn 1500 dụng cụ bằng đá từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng trong phòng trưng bày, chúng tôi được ngắm nhìn rất nhiều hiện vật quý, được cát bỏng sa mạc gìn giữ suốt vài thế kỷ như tiền xu, đồ trang sức bằng ngà voi Ba Tư, đồ gốm sứ Trung Hoa, ngọc trai, vỏ ốc…Tất cả mang lại những hình dung rõ nét, về một thương cảng giao thương tấp nập, “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp của thời quá khứ xa xưa.

Cùng với cảng biển được xây dựng theo lệnh của Sheikh Abdulah bin Jassim Al Thani nhằm bảo vệ bờ biển phía Tây Bắc của Qatar, pháo đài Al Zubarah cũng nhanh chóng được hoàn tất vào năm 1938. Một công trình hình vuông, với những bức tường nghiêng vào bên trong với ba tháp canh hình tròn và một tháp phía Đông Nam có hình chữ nhật. Là một công trình quân sự nổi tiếng thuộc khu vực Trung Đông, nó mang thiết kế đặc trưng của các pháo đài truyền thống trên bán đảo Arab. Được xây dựng trên nền móng bê tông theo kỹ thuật hiện đại, mặc cho thị trấn cổ bị lãng quên hoàn toàn kế bên, pháo đài vẫn được lực lượng phòng vệ Qatar sử dụng như một tiền đồn bảo vệ bờ biển cho đến đầu những năm 1980. Được khôi phục kiến trúc nguyên bản vào năm 1987, giờ đây pháo đài vẫn sừng sững giữa sa mạc mênh mông, tồn tại như một bảo tàng địa phương hấp dẫn và nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu tại quốc gia này. Lang thang trong khuôn viên pháo đài, có thể nghe tiếng thì thầm của thời gian vọng về, rất khẽ. Trong những bức hình, những thông tin, những video clip được trình bày ngắn gọn nhưng không kém phần hấp dẫn tại mỗi căn phòng. Với người say mê lịch sử, đam mê tìm hiểu những kiến thức khoa học, Al Zubarah là một điểm đến không thể bỏ qua, bởi những vốn cổ vô giá mà nó đang cất giữ trong lòng.

Trước khi lên xe để trở lại Doha sang chảnh và hào nhoáng, đừng quên lưu giữ hình ảnh toàn cảnh Al Zubarar. Lấy khẩu pháo cổ phía trước pháo đài, lấy những tháp canh màu nâu vàng khoẻ khoắn in bóng trên nền trời xanh ngắt cùng mây trắng bồng bềnh làm nền, du khách sẽ có những tấm hình ấn tượng khó phai.

Al Zubarah - nơi thời gian đồng hiện, nơi quá khứ dội về. Rất khẽ, trong tôi! 

Hồ Cúc Phương 

(Nhân Dân) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: