Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Nguy cơ “mất đất sống” của phương tiện đi lại giá rẻ ở Đông Nam Á

Nguy cơ “mất đất sống” của phương tiện đi lại giá rẻ ở Đông Nam Á

Viết email In

Thủ đô của các nước Đông Nam Á đang mở chiến dịch loại bỏ khỏi đường phố những phương tiện giao thông gây ô nhiễm và kẹt xe, khiến các hình thức đi lại giá rẻ từ những chiếc xe jeepney chở khách đặc trưng ở Manila (Philippines) cho đến những chiếc xe ôm ở Kuala Lumpur (Malaysia) đứng trước nguy cơ không còn đất sống.  

“Vua đường phố” sẽ được thay thế bằng xe điện


Những chiếc xe jeepney sặc sỡ chạy rên đường phố ở TP Quezon thuộc vùng thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters

Trong nhiều thập kỷ qua, xe đò chở khách jeepney, còn được gọi mệnh danh là “vua của đường phố”, là sự lựa chọn đi lại giá rẻ ở Philippines, nơi hàng triệu người không có khả năng tiếp cận đầy đủ hệ thống vận tải công cộng. 

Có nguồn gốc ban đầu là những xe jeep bỏ lại của quân đội Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giờ đây, những chiếc xe jeepney với những hình vẽ logo, biểu tượng tôn giáo, khẩu hiệu trang trí sặc sỡ ở bên ngoài, đã trở thành những biểu tượng văn hóa.

Với mức phí chỉ 8 peso (3.500 đồng VN) cho chặng đường 4 km ở Manila, ngay cả những cư dân nghèo khổ nhất cũng có thể sử dụng phương tiện này.

Theo hãng tin Reuters, trong năm nay, chính phủ Philippines bắt đầu triển khai các xe chở khách chạy bằng động cơ điện với mục đích dần thay thế cho những chiếc xe jeepney chạy bằng dầu diesel có tuổi đời hơn 15 vào năm 2020 theo một chương trình hiện đại hóa xe jeepney.

Tuy nhiên, chương trình này vấp phải sự phản đối của các công ty và tài xế của 270.000 xe jeepney đang vận hành trên các đường phố tắc nghẽn ở Philippines. Họ nói rằng các điều kiện hoạt động nghiêm ngặt và chi phí cao để mua sắm các xe chạy bằng động cơ điện sẽ khiến họ không thể duy trì hoạt động và điều này sẽ làm tăng chi phí đi lại của người dân.

“Chương trình này chắc chắn đẩy người lao động trong ngành vận tải và gia đình của họ vào cảnh nghèo khổ và sự tuyệt vọng. Hiện đại hóa là điều có thể chấp nhận chỉ khi các quyền lợi và phúc lợi được đặt ở trung tâm của chương trình”, Daisy Arago, Giám đốc điều hành của Trung tâm Công đoàn và nhân quyền ở thủ đô Manila, Philippines, nói.

Chính phủ Philippines muốn loại bỏ dần 2/3 tổng số xe jeepney hiện nay nhưng bác bỏ các chỉ trích nói rằng chính phủ đang đối xử bất công với các tài xế và các công ty vận hành xe jeepney.

Tại vùng thủ đô Manila, một trong những đô thị có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới với 13 triệu dân, jeepney là phương tiện đi lại được yêu thích, phục vụ nhu cầu di chuyển của hàng triệu người mỗi ngày. Mỗi chiếc xe có thể chở 15-20 người, ngồi sát nhau trên các băng ghế không có dây thắt an toàn hay điều hòa nhiệt độ.

Các tài xế jeepney thường chạy nhanh và dừng lại đột ngột để đón và trả khách. Họ kiếm được mức thu nhập từ 200-400 peso (85.000-170.000 đồng VN)/ngày.

Hầu hết xe jeepney chạy bằng dầu diesel vì thế, chúng xả khí thải gây ô nhiễm nặng nề. Đây là lý do chính khiến chính phủ Philippines muốn thay thế chúng bằng những chiếc xe chạy bằng động cơ Euro 4 hoặc động cơ điện. Chính phủ cũng muốn đặt ra những tuyến đường mới dành riêng cho xe jeepney với các điểm trả khách và đón khách cố định, sát nhập các công ty vận hành xe jeepney để cải thiện hoạt động và lợi nhuận. 

Song giới tài xế nói rằng chi phí để mua xe mới có thể lên đến 1,8 triệu peso (780 triệu đồng VN) là quá đắt nhưng chính phủ chỉ hỗ trợ quá ít, chỉ 80.000 peso (35 triệu đồng VN).

Tương lai bấp bênh của xe ôm

Ở những nước khác của khu vực Đông Nam Á, di chuyển bằng phương tiện xe ôm là cách nhanh nhất để có thể luồn lách qua các đường phố kẹt cứng, đặc biệt là vào các giờ cao điểm. Song tương lai của hình thức đi lại này cũng đang bấp bênh.

Năm ngoái, Bộ Giao thông Malaysia đã cấm dịch vụ xe ôm sau khi công ty khởi nghiệp Dego Ride (Malaysia) ra mắt dịch dịch vụ gọi xe ôm công nghệ ở Thung lũng Klang, sát thủ đô Kuala Lumpur.

Lúc đó, Thứ trưởng Giao thông Maylaysia Datuk Ab Aziz Kaprawi nói rằng cho phép dịch vụ xe ôm giống như ở Thái Lan và Indonesia là một bước tụt hậu, gây cản trở cho kế hoạch hiện đại hóa hệ thống vận chuyển công cộng. Ông nói Malaysia phải đi theo mô hình vận chuyển ở các nước như Singapore, Anh, Mỹ, những nơi không có xe ôm.

Song nhiều ý kiến cho rằng việc cấm dịch vụ xe ôm là phủ nhận hiện thực. Họ nói Malaysia vẫn là nước đang phát triển nên di chuyển bằng phương tiện xe ôm giá rẻ là cách tốt nhất để những người thu nhập thấp tiết kiệm tiền và thời gian để di chuyển trên những đường phố đông đúc.

Tại thủ đô Bangkok, giới tài xế xe ôm cũng đang đối mặt với các quy định quản lý hoạt động nghiêm ngặt bao gồm cấm đậu trên các vỉa hè. Các quan chức thành phố Bangkok nói rằng việc các tài xế xe ôm làm tắc nghẽn lối đi trên các vỉa hè và gây tai nạn vì cách chạy xe ẩu của họ.

Hồi tháng 1-2018, tòa án tối cao Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm dịch vụ xe ôm trên một số tuyến phố chính của thủ đô Jakarta để giải quyết đơn kiện của hai tài xế xe ôm.

Ông Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama, cựu thống đốc Jakarta, người đã ban hành lệnh cấm này với mục đích làm đẹp và bảo đảm an toàn hơn cho các tuyến đường nơi mà đại sứ quán các nước và cơ quan chính phủ đặt trụ sở. Tuy nhiên, tòa án tối cao Indonesia cho rằng lệnh cấm này vi phạm Luật nhân quyền năm 1999, bảo đảm mọi người dân đều có thể sử dụng đường xá.

Rene Santiago, một chuyên gia quy hoạch giao thông ở Hội Khoa học giao thông Philippines, nhận định các động thái hạn chế, ngăn cấm các phương tiện đi lại giá rẻ ở Đông Nam Á bị định hướng sai vì các hệ thống vận chuyển công cộng trong khu vực vẫn còn thiếu.

Ông cho rằng thay vì áp đặt những rào cản, các chính phủ nên làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ họ hoạt động hiệu quả hơn, giúp giải quyết các vấn đề đi lại ở đô thị.

Ông nói: “Những chiếc xe jeepney được nhìn nhận như là mối hiểm họa giao thông nhưng thực tế, chúng ta phải ghi nhận chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động di chuyển ở đô thị”. 

Lê Linh 

(TBKTSG) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo