Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Giải pháp cho một thế giới khát nước

Giải pháp cho một thế giới khát nước

Viết email In

Israel từng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước cùng cực kể từ khi thành lập nhà nước vào năm 1948. Nằm ở khu vực khô hạn tự nhiên, hơn 60% diện tích là sa mạc, không có nhiều mưa hay nhiều nguồn tài nguyên nước ngầm, đất nước này đã trải qua những căng thẳng về nguồn cung nước, nguyên do là nhiều năm liên tiếp xảy ra hạn hán, tốc độ tăng trưởng dân số nhanh. Ấy vậy và rồi Israel đã dần trở nên dư thừa nước. Thậm chí hiện nay, Israel là đất nước xuất khẩu nước cho những quốc gia láng giềng như Palestine, Jordan và một số quốc gia khác. Ngành công nghiệp nước đã trở thành ngành kinh doanh toàn cầu và là đòn bẩy kinh tế giúp Israel phát triển trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Do đâu mà có sự kỳ diệu ấy? Tất cả đều là do những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ.  

Bắt đầu từ một nền văn hóa tôn trọng nước. Mưa, mưa, từ trên trời/Suốt ngày dài mưa rơi/Lộp độp, lộp độp/Chúng mình cùng vỗ tay (bài đồng dao của trẻ em Israel). Không chỉ hoan hỉ chào đón mưa, mỗi người Israel, từ nhỏ đã được dạy tiết kiệm nước. Aya Mironi, 30 tuổi, nhớ lại hồi bé mỗi lần đi tắm, ngay lúc cô vừa lau người và mặc bộ đồ ở nhà vào, mẹ liền mang xô nhựa đến múc nước thừa trong bồn tắm. Bà xách xô nước tắm vẫn còn lẫn xà phòng này ra sân tưới hoa và cây cối quanh nhà. Mặc dù là một gia đình trên mức trung lưu, có nước dẫn khắp nhà, nhưng mẹ của Aya vẫn xem nước như một tài sản quý giá không thể lãng phí. Theo thời gian, qua hành động trân quý nước của mẹ, Aya và hai anh chị em của cô cảm nhận được sự quý giá của từng giọt nước. Niềm tin ấy ăn sâu vào tiềm thức của họ. 

Ngành công nghiệp nước đã trở thành ngành kinh doanh toàn cầu và là đòn bẩy kinh tế giúp Israel phát triển trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Do đâu mà có sự kỳ diệu ấy? Tất cả đều là do những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ. 

Sự khan hiếm nước cũng luôn đẩy từng người Israel vào thế phải sáng tạo. Khoảng giữa năm 1930, một hôm chàng kỹ sư ngành nước Simcha Blass đến một nông trại để giám sát việc khoan giếng, đi ngang qua một hàng rào, thấy một cái cây cao đến 10 mét, cao hơn mọi cây khác trồng dọc theo hàng rào ấy rất nhiều. Đi vòng quanh cái cây, anh phát hiện một lỗ thủng nhỏ trên đường ống nước kim loại ngay gần gốc cây. Ngờ rằng chính những giọt nước nhỏ nhưng đều đặn ngấm vào rễ đã giúp cây phát triển mạnh mẽ. Thế là Blass mày mò nghiên cứu và chế tạo ra hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm được trung bình từ 50-60% so với các phương pháp tưới phun, tưới ngập... Cứ như vậy, nỗi ám ảnh nước ngày qua ngày làm người Israel nỗ lực biến nước thải thành nước sạch, sản xuất nước ngọt bằng cách khử mặn nước biển, biến nước thành ngành kinh doanh toàn cầu (công nghệ và sản phẩm về nước của Israel đã có mặt ở 150 quốc gia trên thế giới), thậm chí có hẳn một nền ngoại giao nước.

Tất cả thành tựu ấy của đất nước Israel đã được Seth M. Siegel, tác giả người Mỹ, mô tả sinh động và cuốn hút qua cuốn sách Con đường thoát hạn(*). Tác giả đã nghiên cứu tỉ mỉ với việc phỏng vấn hơn 220 người để xâu chuỗi thành câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt qua khó khăn khủng hoảng nước của dân tộc Israel, biến bất lợi thành lợi thế, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nguồn nước.

Ông Shimon Peres (1923-2016), giải Nobel hòa bình năm 1994, Tổng thống Israel (2007-2014), cho rằng: “Seth M. Siegel đã làm nên điều tưởng như không thể. Những gì ông viết về cuộc chiến quyết liệt với nạn khan hiếm nước gieo trong ta niềm hy vọng về một tương lai thịnh vượng và hứa hẹn hơn. Tác phẩm phi thường này sẽ còn mãi được nghiền ngẫm bởi những người dân đang vật lộn với cuộc chiến thiếu nước cùng những thách thức không thể vượt qua khác”. 

Đỗ Quang Tuấn Hoàng 
(TBKTSG) 

(*) Con đường thoát hạn của Seth M Siegel do Công ty cổ phần Sách Alpha - NXB Thế giới ấn hành năm 2016 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo