Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Những khu ở chất lượng sống tốt tại Thượng Hải

Những khu ở chất lượng sống tốt tại Thượng Hải

Viết email In

Thượng Hải là thành phố có nền kinh tế phát triển nhất tại Trung Quốc đại lục, nơi tập trung của dòng tư bản, kỹ thuật và dòng người. Với dân số thường trú lên tới 24 triệu dân cùng với tốc độ đô thị hoá cao, nhà ở tại Thượng Hải luôn là nhu cầu không thể thiếu của người dân bản xứ và một bộ phận lớn người nhập cư. Trong những thập niên trở lại đây, các khu ở của Thượng Hải không ngừng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại đô thị này. Hầu hết các khu ở đều mang dáng dấp giống nhau về phong cách kiến trúc, mẫu căn hộ, không gian sống và loại hình kinh doanh. Điều làm nên sự khác biệt có chăng chỉ là câu thần chú cửa miệng của giới bất động sản: “vị trí ,vị trí và vị trí”. Tuy vậy, trong một thị trường rộng lớn ắt sẽ xuất hiện những trường hợp đặc biệt. Trong bài viết này, dưới góc độ của thiết kế đô thị, người viết trích dẫn một vài án lệ các khu ở có chất lượng sống tốt tại Thượng Hải, trong đó hài hoà mối quan hệ giữa không gian thiết kế và nhu cầu sinh hoạt của con người, đi gần hơn tới khái niệm “đô thị vị nhân sinh”.  

ZhongYing Forest – Khu ở toạ lạc trong rừng cây 

Dưới góc nhìn của những nhà kinh doanh bất động sản tại Thượng Hải thì chủ tịch của tập đoàn ZhongYing là một nhà đầu tư dị biệt, bởi lẽ tập đoàn này trong vòng 10 năm (từ 2006 đến nay) chỉ dốc toàn lực để hoàn thành một hạng mục. Mặc kệ thị trường bên ngoài thế nào, mặc kệ chính sách nhà ở thay đổi ra sao, dự án ZhongYing Forest cứ từng bước triển khai, hoàn thiện tới đâu bán tới đó, không gấp gáp, bán vội để xoay vòng chu kỳ như các nhà đầu tư khác. 

Ngược lại với giới đầu tư, khu ở ZhongYing Forest nhận được đánh giá cao từ giới kiến trúc và quy hoạch, đó là sản phẩm nhà ở với chất lượng không gian sống rất cao, là một đơn vị ở không bị đồng hoá giữa những sản phẩm bất động sản thương mại mang đậm tính kinh doanh trong lòng Thượng Hải.

 



Xuất phát từ khái niệm Forest (rừng rậm), chủ đầu tư muốn mang thiên nhiên đến gần hơn với lối sống tấp nập vội vàng ở thành phố Thượng Hải, xây dựng hình ảnh khu ở nằm lọt thỏm trong rừng rậm, nơi con người tìm được trạng thái yên tĩnh, thư thái và tách biệt với phần còn lại ồn ào của thành phố. Trong rừng thì không thể thiếu cây cối, toàn bộ dự án bao gồm 11.000 cây xanh, tuổi đời của cây trồng đều từ 20 năm trở lên, độ cao đạt tới 5 tầng nhà và được tự do sinh sôi phát triển. Do vậy, nhiệt độ trung bình trong khu ở giảm 3-5 độ C so với nhiệt độ thành phố vào mùa hè, tạo ra không gian mát mẻ và tránh được bụi bẩn, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng tại thành phố.

Điểm đáng nói là khu ở ZhongYing Forest có mật độ cây xanh phủ kín 100%, bởi lẽ toàn bộ đường dành cho xe cơ giới được xây dựng ngầm, diện tích trên bề mặt đất chỉ dành cho người đi bộ, quảng trường, vườn hoa cây xanh. Bên cạnh đó, toàn bộ mái nhà cũng được phủ xanh bởi bởi kỹ thuật mái xanh tiên tiến. Kỹ thuật này giúp mái nhà có lượng phủ xanh dày nhưng không tích nước vào mùa mưa, giảm nhiệt độ vào mùa hè. Miêu tả thì rất đơn giản , tuy nhiên đây lại là điều mà các chủ đầu tư không thường làm bởi lẽ giá thành cao và chi phí bảo dưỡng hậu kỳ tốn kém.

Dự án KIC (Knowledge & Innovation Community) – phong cách sống hiện đại năng động trong đô thị 

Khu ở KIC nằm trong quần thể phức hợp đa công năng bao gồm văn phòng, dịch vụ giải trí, cửa hàng buôn bán và nhà ở, toạ lạc tại quận Dương Phổ (Yang Pu district) ở trung tâm thành phố Thượng Hải. Đây là khu vực tập trung lực lượng kinh tế tri thức và năng động nhất tại thành phố, bao bọc bởi những trường đại học lớn như Fudan hay Tongji, tập trung những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các công ty Start-ups. Trên cơ sở đó, KIC project mang đến khái niệm “Soho+Living”, kết hợp chung cư và văn phòng, các căn hộ không những có thể liên kết, mở rộng theo chiều ngang mà còn kết nối được theo chiều đứng để tạo thành những studio khi cần. 

 

Tổ hợp KIC project có sự tham gia của nhiều đơn vị thiết kế nổi tiếng như Charpentier Architecture hay Terry Farrell & Partners. Trước tiên, các kiến trúc sư và nhà thiết kế đô thị đã thoát ly khỏi mô hình những khu ở quy mô lớn khép kín, kích thước đường phố rộng (400~500m), ngăn cách bởi tường rào như vẫn thường thấy ở Thượng Hải. Thay vào đó là không gian đường phố tuyến tính, được giới hạn bởi hình thái kiến trúc, hai bên đường là những cửa hàng, quán xá, không gian mở với những công năng đa dạng phong phú. Những nhà thiết kế KIC rất thành công trong việc hài hoà mối tương quan giữa không gian công cộng (đường phố, quảng trường) và không gian cá nhân (khu ở, văn phòng). Những hình ảnh về những khu ở tập thể, chung cư khép kín và được bảo vệ nghiêm ngặt với tường rào, bảo vệ và camera ở Thượng hải đã không còn hiện hữu trong khu vực này. Thay vào đó là tuyến bộ hành mở, kiến trúc hỗn hợp đa công năng và những không gian quảng trường với những chủ đề khác nhau, dễ làm ta liên tưởng tới những tuyến phố trong đô thị hiện đại, năng động ở châu Âu.

Shanghai Gold City Road—Tuyến bộ hành kết hợp khu ở, phục hưng không gian đô thị 

Trong những thước phim cổ trang về đất nước Trung Quốc, chúng ta vẫn thường thấy những con phố kinh thành náo nhiệt, cùng với những tửu lầu, trà quán ven đường tạo thành một không gian đô thị phồn hoa mà đậm văn hoá Á đông. Gold City Road mang lạị cảm giác của không gian bộ hành nằm giữa lòng của đô thị hiện đại, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa không gian thương mại, nhà ở, tuyến đi bộ và quảng trường công cộng. Dự án Gold City Road được thiết kế bởi công ty tư vấn SWA Group, các kiến trúc sư đã tạo dựng không gian bộ hành lọt thỏm giữa lòng khu ở, mang lại sức sống và sự năng động cho cư dân trong khu vực. Tuyến đi bộ có độ dài vươn qua ba ô phố, hai bên là những dãy chung cư cao tầng (20 tầng), tầng trệt của kiến trúc được thiết kế là những gian thương mại trải dọc liên tục theo tuyến phố, gắn với những công năng đa dạng, gần gũi với đời sống của người dân nhưng vẫn đậm chất văn hoá như hiệu sách, quán cà phê, cửa hàng, phòng tranh, phòng trà, tiệm hoa, rạp chiếu phim,… Những công năng này hoà quyện với không gian mở và quảng trường tạo thành khu vực dân cư sôi động. 

 

Điểm đặc biệt làm nên thành công của dự án là ở tính chi tiết trong từng xử lý về cảnh quan và kiến trúc của SWA. Các kiến trúc sư sử dụng những biện pháp cảnh quan linh hoạt với những chi tiết, vật liệu rất tinh tế. Bên cạnh đó không thể tách rời yếu tố cây xanh với cảnh quan của khu ở, SWA thiết kế những hàng cây hạnh ngân dọc theo tuyến phố, góp phần tạo nên một cảnh quan lãng mạn và đầy thơ mộng bên những quán cà phê quảng trường nhạc nước, khiến khách bộ hành chìm đắm trong cảnh quan và quên đi những toà nhà chung cư bê tông cao tầng ngay bên cạnh.


Lời kết:

Nhà ở là nhu cầu cơ bản của con người trong thành phố, khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mức sống của người dân cao hơn, nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở việc “có chỗ ở” mà còn chú trọng hơn đến chất lượng sống và phong cách sống. Ba dự án nêu trên tuy không cùng chủ đầu tư, quy mô và phong cách thiết kế khác nhau, nhưng cùng có điểm chung là tạo dựng được một môi trường sống lành mạnh và chất lượng dành cho con người. Bên cạnh đó cũng thấy được những đóng góp của những dự án trên với không gian chung của đô thị và cuộc sống của người dân ở các khu vực lân cận. Đây là những án lệ tốt về thiết kế khu ở chia sẻ cùng các kiến trúc sư Việt Nam. 

Hoàng Linh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo