Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Singapore xưa dưới góc nhìn của Yip Cheong-Fun

Singapore xưa dưới góc nhìn của Yip Cheong-Fun

Viết email In

Các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Yip Cheong-Fun phản ánh một thời kỳ lịch sử quan trọng của Singapore. 

Tọa lạc trong một căn hộ nhỏ giữa lòng khu Chinatown (Singapore) là ServiceWorld Hostel Gallery, vốn là văn phòng điều hành nhà nghỉ dành cho dân du lịch bụi, vừa là nơi trưng bày các tác phẩm của cố nhiếp ảnh gia Yip Cheong-Fun.  


Sông Singapore - 1960 

Tiếp đón tôi là con trai út của Yip, Andrew Yip, một nhà tâm lý học và nhà giáo đã nghỉ hưu. Lần giở từng trang báo viết về cha mình, ánh mắt ông lấp lánh niềm tự hào. Tuổi thơ của Andrew là những tháng ngày rong ruổi khắp nẻo đường cùng cha đi chụp ảnh. Những ký ức đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm thơ văn sau này của ông. Đối với Andrew, tài sản quý giá nhất là những tác phẩm của cha và tâm nguyện lớn nhất của ông là chia sẻ những tác phẩm đó đến với nhiều người hơn nữa. 

Yip Cheong-Fun (1903-1989 / ảnh bên) sinh ra ở Hồng Kông, là con trai duy nhất của gia đình người Hoa nhập cư. Mồ côi cha từ sớm, năm 7 tuổi, ông theo mẹ di cư sang Singapore đến số 47 đường Kreta Ayer, khu Chinatown. Căn nhà vừa là cửa hàng, vừa là chỗ ở của cả gia đình và cũng là nơi Yip sống hết phần đời còn lại của mình. 

Niềm đam mê nhiếp ảnh bắt đầu từ khi Yip mua chiếc máy ảnh đầu tiên, một chiếc Rolleiflex vào năm 1936. Trong 6 thập kỷ sau đó, nhiếp ảnh đã trở thành niềm đam mê lớn nhất cho đến khi ông qua đời vào tháng 9.1989 sau một cơn đau tim. 

Các tác phẩm của Yip Cheong-Fun không những mang tính nghệ thuật cao mà còn phản ánh một thời kỳ lịch sử quan trọng của Singapore, mô tả sự thay đổi trong đời sống văn hóa xã, hội và sự chuyển mình về kinh tế của Singapore dưới sự lãnh đạo của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ðó là hình ảnh về một Singapore rất khác, hầu như chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người lớn tuổi, như những cánh buồm Tanjong Rhu, làng Malay bình dị dân dã ở khu Geylang hay đời sống thường nhật ở khu Chinatown. 


Những ngôi nhà Kampong - 1940 

Lòng say mê cuộc sống và tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết cũng đã đưa Yip đến với những phong cảnh bãi biển Bedok và Changi, nơi ông cho ra đời những tác phẩm nên thơ và thành công nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh. Ngoài các giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế, năm 1980, ông được Hiệp hội Nhiếp ảnh gia New York bình chọn là “Nhiếp ảnh gia nổi bật của thế kỷ XX”. Năm 1984, chính phủ Singapore đã trao tặng huân chương văn hóa vinh danh những cống hiến của Yip Cheong-Fun cho nghệ thuật và văn hóa. 

Theo lời kể của Andrew, cha ông có thể bỏ ra nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trời chụp đi chụp lại một địa điểm để tìm kiếm cái ông gọi là “khoảnh khắc quyết định”. Ðây vốn là phong cách mà nhiếp ảnh gia huyền thoại người Pháp Henri Cartier-Bresson hay nhắc đến. 


Mưa - 1960 

Rất nhiều người không biết rằng nhiếp ảnh không phải chỉ là chụp một tấm ảnh. Cha tôi thường kiên trì chụp đi chụp lại một địa điểm, một cảnh quan cho đến khi ông thực sự ưng ý. Mọi thứ phải thật hoàn hảo từ số người trong bức ảnh, ánh sáng phải đúng, môi trường xung quanh phải thật khớp với văn cảnh của bức ảnh... Bởi vậy, cha tôi thường có nhiều phiên bản khác nhau tại cũng một địa điểm nhưng thời điểm khác nhau, thậm chí là nhiều năm”, Andrew kể. 

Còn theo Kevin Tan, Chủ tịch Hiệp hội Di sản Singapore, thì nhiếp ảnh gia vĩ đại Yip Cheong-Fun lại là một người rất bình dị. “Cả cuộc đời, ông chỉ tận tuỵ vì niềm đam mê nghệ thuật. Người đàn ông này cảm thấy thoải mái với quần cộc và dép lê hơn là đắm chìm trong danh tiếng của nghề nhiếp ảnh”, ông Kevin viết trong lời tựa cho cuốn sách “An Ingenious Reverie: The Photography of Yip Cheong-Fun”. 

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo