PHÁP: Việc đi lại hàng ngày của người lao động - một vấn đề xã hội và đô thị

Thứ bảy, 23 Tháng 5 2009 00:19 T/c Urbanisme, IMV-Hanoi
In

Tại những vùng dân cư đô thị, nơi mà khoảng cách di chuyển hàng ngày của mỗi cá nhân đều đang tăng lên thì khu vực hoạt động của doanh nghiệp không nhất thiết trùng khớp với phạm vi thu hút việc làm. Những vấn đề liên quan đến việc đi lại vốn chịu tác động một phần từ tình trạng không gian đô thị ngày càng phình to đang trở thành một lực cản đối với khả năng tìm được một việc làm. Đó chính là trường hợp của những người lao động tay nghề thấp, những người ít được đảm bảo tìm được một việc làm hơn so với những cán bộ công chức trong cùng một phạm vi gần nơi sinh sống của mình. Sự phụ thuộc vào xe hơi khi mà không phải ai trong số họ cũng có thể mua được vì giá cả đắt đỏ hiện đang ngày càng tăng hơn, nhất là khi mạng lưới giao thông công cộng tại các đô thị lớn hiện nay phần lớn đều có dạng hình vòng tròn đồng tâm nên khiến cho một số lượng lớn người lao động ở cách xa các tuyến giao thông đó không thể sử dụng loại hình phương tiện này.



Khó khăn trong việc tìm được một việc làm phù hợp có liên quan đến vấn đề cung không đủ cầu. Nghịch lý này liên quan đến nhiều lĩnh vực như xây dựng, cung ứng, phân phối, khách sạn – nhà hàng, các dịch vụ chăm sóc cá nhân. Tóm lại, đó là những lĩnh vực chủ yếu sử dụng nhân công không đòi hỏi trình độ học vấn cao. Điều này không chỉ bắt nguồn từ những vấn đề liên quan đến thể diện (công việc không thú vị hoặc quá vất vả) hay trình độ đào tạo (nhiều việc làm không cần đòi hỏi trình độ, do đó người lao động trình độ thấp là những người đầu tiên chấp nhận làm các công việc đó) mà còn bởi một thực tế là khi thành phố càng mở rộng thì phạm vi tìm kiếm việc làm cũng mở rộng theo. Sự phức tạp về thời gian làm việc (làm bán thời gian, làm tạm thời, giờ làm thay đổi theo thời gian, làm đêm) khiến cho việc di chuyển càng trở nên phức tạp, giống như kết quả của một nghiên cứu mới đây có tiêu đề «Những việc khó tìm người và các doanh nghiệp tuyển dụng» do Trung tâm nghiên cứu thuộc Cơ quan quốc gia giới thiệu việc làm (ANPE) tiến hành tại 14.000 doanh nghiệp. Một phần ba số công ty không muốn tuyển nhân viên – có nghĩa là từ chối tiếp tục duy trì chiến lược phát triển – với lý do chủ yếu liên quan đến những khó khăn trong việc tiếp cận nơi làm việc, trong khi những vị trí tuyển dụng đó thường thuộc diện hợp đồng vô thời hạn (CDI) với mức lương theo thị trường cộng thêm các khoản tiền thưởng. Những trường hợp xin học nghề – đào tạo kết hợp thực tập tại doanh nghiệp – cũng bị giảm sút do người xin việc không thể di chuyển xa. Tương tự như vậy đối với các dạng công việc tại gia đình, nơi có thể tạo thêm được nhiều công ăn việc làm mới về chăm sóc cá nhân.

Trước tình hình như vậy, một số tổ chức hỗ trợ hoà nhập xã hội đề xuất các dịnh vụ cho thuê ô tô giá rẻ dành cho những người đang đi tìm việc. Dịch vụ hỗ trợ đi lại cá nhân này thực hiện tại khu vực sân bay Roissy do hiệp hội Papa Charlie tiến hành (là sáng kiến chung của Hiệp hội các sân bay Paris (ADP), hội đồng tỉnh và một hiệp hội các doanh nghiệp phải thuê địa điểm) nhằm giúp cho việc tuyển dụng những trường hợp sống không quá xa nơi làm việc song vẫn gặp khó khăn đối với việc đi lại hàng ngày từ nhà đến chỗ làm. Cũng cần nói rằng Roissy là một trong những trọng điểm kinh tế lớn nhất của vùng Paris và liên quan đến hai tỉnh (Seine-Saint-Denis và Val-de-Marne) là nơi mà tình trạng thất nghiệp đặc biệt cao. Phần lớn những sáng kiến nhằm tạo sự hoà nhập kết hợp với vấn đề đi lại đều xuất phát từ những hiệp hội có thời gian hoạt động không lâu dài nên việc duy trì những sáng kiến đó đều phải dựa vào một số nguồn trợ cấp và nguồn tài chính khác mà hàng năm đều phải cân đối lại.



Nếu cho rằng khoản hỗ trợ cho việc đi lại hàng ngày của nhân viên có thể ngang với những chi phí rất cao để giải quyết vấn đề thất nghiệp, phải chăng các doanh nghiệp không thể tham gia nhiều hơn vào những nỗ lực giải quyết vấn đề đi lại hàng ngày của nhân viên vốn chỉ dựa vào những nguồn hỗ trợ của chính quyền bởi họ cho rằng điều đó sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh? Điều này càng thể hiện rõ hơn khi ngày càng có nhiều người phải chấp nhận phạm vi di chuyển và khung thời gian làm việc bị chia vụn ra: không chỉ đối với những người được trả lương thấp và làm những công việc với hợp đồng ngắn hạn mà ngay cả những cán bộ cao cấp cũng phải đi lại nhiều và với thời gian không thống nhất. Khả năng tìm được công ăn việc làm có liên quan chặt chẽ đến sự đa dạng về lối sống chứ không chỉ đơn thuần về hình thức đi lại. Vấn đề này có thể liên quan đến quyết định thay đổi chỗ ở, chẳng hạn một người lao động dù ở xa chỗ làm mới cũng không muốn chuyển nơi ở ngay bởi mỗi lần chuyển nhà là một lần đánh cược với tương lai nếu chẳng có gì đảm bảo chắc chắn họ sẽ giữ vị trí việc làm đó suốt đời.



Bên cạnh vấn đề lựa chọn nơi ở, người lao động còn phải tính đến việc chọn trường cho con em, tiếp theo đó là những căng thẳng trong việc tìm người giữ trẻ. Điều này khiến một số doanh nghiệp phải kiêm thêm nhiều dịch vụ nhằm giúp giản hoá cuộc sống của cán bộ nhân viên bằng cách kết hợp cung cấp tất cả các dịch vụ thiết yếu cho họ. Các hiệu giặt là và xưởng sửa chữa bảo dưỡng ôtô có thể được bố trí ngay trong khu vực văn phòng. Thậm chí doanh nghiệp còn lo giải quyết một số vấn đề phiền hà phát sinh trong cuộc sống gia đình (tìm người giữ trẻ hoặc tìm luật sư trong trường hợp ly hôn) và bố trí xe đưa đón cán bộ… nhằm thu hút những cán bộ có bằng cấp trình độ cao. Bởi đối với đội ngũ lao động này thì chất lượng cuộc sống mà họ được hưởng sau thời gian làm việc mới là quan trọng nhất.

>> "Đại Paris" và tầm nhìn quy hoạch đến 2030 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: