Quyền Nhà Ở - Chiến lược Quy mô Toàn thành phố về Nâng Cấp và Nhà Ở dựa vào Cộng Đồng

Thứ ba, 13 Tháng 5 2014 22:23 Ashui.com
In

LTS: Ashui.com xin gửi đến bạn đọc quan tâm bài viết của Bà Somsook Boonyabancha (Tổng Thư ký Liên minh Quyền Nhà ở Châu Á - ACHR) về hoạt động của ACHR hơn 25 năm qua, tại cuộc Đối thoại chính sách: "Quyền có chỗ ở phù hợp: Vai trò của cộng đồng đô thị trong tiến trình phát triển nhà ở" diễn ra tại Hà Nội ngày 13/5/2014.  

Quyền Nhà ở là một trong những hoạt động trọng tâm của Liên minh Quyền Nhà ở Châu Á (viết tắt là ACHR) ngay từ thời gian đầu thành lập năm 1988 cho đến ngày hôm nay. Tất cả các cá nhân và các nhóm hình thành tổ chức liên minh đều khẳng định vần đề then chốt này: Rằng, mọi người dân ở các thành phố châu Á không nên bị tước quyền được sống trong các căn nhà thích hợp, cần phải chấp nhận sự bình đẳng cho mọi công dân của thành phố sống tại các khu định cư được hỗ trợ, được tiếp cận các dịch vụ cơ bản và các tiện ích công cộng. Quyền nhà ở không chỉ là vấn đề có được một ngôi nhà thích hợp và an toàn. Nhà ở thích hợp và an toàn chính là rào cản lớn nhất đối của người nghèo,làm cho họ bị loại trừ ra khỏi mọi tầng lớp khác trong thành phố. Và đó cũng chính là cách mạnh mẽ nhất đảm bảo an toàn, nhân phẩm, tính hợp pháp của một người và quyền công dân của họ. 

Trong hơn 25 năm qua, chúng tôi đã không ngừng hướng trọng tâm hoạt động của mình cho vấn đề này – mặc dù phương pháp mà chúng tôi thực hiện đã có nhiều thay đổi. Chiến lược nâng cấp quy mô toàn thành phố hiện đang thực hiện nhằm giúp cho người nghèo đô thị thực thi quyền nhà ở của mình – hoạt động này cũng đầy nhiệt huyết và sôi nổi không không kém hơn các hoạt động của liên minh trong giai đoạn trước đây - nhằm gây tiếng vang báo động các dự án trục xuất/giải tỏa trong khu vực. Sẽ rất hữu ích để giải thích tính logic vì sao phương thức thực hiện tự lực của cộng đồng và quy mô toàn thành phố mà ACHR đang hỗ trợ thông qua việc xem xét các giai đoạn thực hiện hoạt động của liên minh và các bài học của mỗi thời kỳ, cũng là các lý do vì sao chúng tôi đang ủng hộ thực hiện phương thức này. 

GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT: Đấu tranh chống trục xuất/giải tỏa. Lần đầu tiên đến chúng tôi cùng nhau có mặt tại thành phố Seoul, Korea - như một liên minh khu vực gồm các cá nhân và các nhóm. Tại thời điểm này ở đây đang diễn ra các dự án giải tỏa lớn nhằm chuẩn bị đăng cai Olympics Mùa Đông năm 1988. Đây là giai đoạn thứ nhất, các hoạt động của ACHR trong giai đoạn này bao gồm việc tổ chức các chuyến thị sát thu thập dữ liệu, giám sát việc giải tỏa, vận động chống giải tỏa, vận động chính sách, tổ chức hội thảo nhằm nối kết các nhà hoạt động, các nhóm nghèo đô thị, bắt đầu tổ chức các nhóm cộng đồng nghèo và cố vấn cho họ về luật pháp có liên quan đến quyền nhà ở.

GIAI ĐOẠN THỨ HAI: Khám phá các giải pháp (phòng ngừa) giải tỏa TRƯỚC KHI nó thực sự xảy ra. Tuy nhiên chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra cho dù cố gắng đến đâu để tranh đấu chống lại việc giải tỏa, chúng tôi không thể nào giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh rộng lớn này – và cũng không thể giành thắng lợi theo cách như vậy.

Đối với mỗi một cuộc trục xuất/giải tỏa, cách gây tiếng vang của chúng tôi chỉ giúp dừng lại hay làm trì hoãn nó, trong khi có đến hàng ngàn các khu ổ chuột, các khu định cư lấn chiếm, mà thời hạn bị giải tỏa của chúng đang đến gần, dù sớm hay muộn; hàng ngàn các kế hoạch phát triển thành phố đang được soạn thảo, là nguyên nhân tạo ra những đợt sóng mới của giải tỏa/trục xuất; hàng ngàn các chính sách khác của nhà nướcliên quan đến giải tỏa các khu ổ chuột đã và đang được thảo luận cũng có nghĩa nó đang khơi đợt sóng mới cho sự đối đầu về quyền nhà ở.. Dường như tiến trình phát triển đô thị hoành tráng nhưng rất sai lệch này đã và đang chạy trước chúng ta, và cái chúng ta có thể làm chỉ là chạy theo sau nó; cố gắng nhặt nhạnh với những mong mỏi tốt đẹp của mình cho một vài trường hợp riêng lẻ nhưng cũng chẳng thể nào ngay lập tức làm giảm sự bất công mà chúng gây ra.

Vì thế trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm một số phương thức khác nhau hướng tới giải quyết các mâu thuẫn về quyền nhà ở - trong vai trò một liên minh của khu vực – trước khi bất kỳ hành động trục xuất/giải tỏa nào thực hiện. Sự khám phá này bao gồm khởi động hoạt động tại một vài quốc gia nơi tiến trình đô thị hóa vẫn đang còn non nớt (như Cambodia, Việt Nam, Lao PDR và Nepal), tổ chức các hội thảo, các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm giúp cho các nhóm cộng đồng và các tổ chức NGOs từ nhiều thành phố và nhiều quốc gia được chia sẻ kinh nghiệm – về nâng cấp các khu ổ chuột, tiếp cận tài chính nhà ở, hợp tác với các đối tác địa phương khác nhau, thực hiện khảo sát và lập thông tin về các khu định cư bất hợp pháp trong thành phố, xây dựng mạng lưới cộng đồng, và hoạt động tiết kiệm tín dụng cộng đồng.

Giai đoạn này là một cách để khai thác trí tuệ to lớn và kinh nghiệm đã tồn tại trong các nhóm liên minh ở châu Á và sử dụng tài sản đó tạo ra một kho tàng kiến thức chung của sự hiểu biết, các lựa chọn và tập hợp các chuyên gia, từ đó có thể giúp trao đổi và chuyển giao lẫn nhau. Đối với các nhóm phải đối mặt với những tình huống nghiêm trọng có thể tìm thấy những cách thức mới để đối phó một cách chủ động hơn với các vấn đề về quyền nhà ở. Giai đoạn này công việc của ACHR chú trọng việc chia sẻ kiến thức, củng cố mạng lưới, hợp tác và mở rộng sự hỗ trợ và tư vấn cho các nhóm trong khu vực – trước khi sự giải tỏa thực sự diễn ra. Chương trình Tư vấn và Huấn luyện ( TAP) của ACHR đã được thực hiện trong giai đoạn này trở thành một trong những công cụ then chốt trong việc hỗ trợ và hiểu biết lẫn nhau. Đây là giai đoạn học hỏi và mở rộng các khả năng và là giai đoạn khởi động tìm kiếm một cơ chế rộng hơn các nguyên nhân dẫn đến giải tỏa từ ban đầu. 

GIAI ĐOẠN THỨ BA: Chứng minh làm thế nào các cộng đồng nghèo có thể tự lực tìm ra các giải pháp. Một trong những bài học lớn nhất mà chúng tôi đã tìm thấy trong giai đoạn thứ hai các hoạt động của ACHR là các hệ thống cung cấp chính quy – nhà ở thuộc khu vực công ít ỏi với các dự án khác nhau của chính phủ và thị trường nhà ở của khu vực tư nhân – đều không đáp ứng đủ sự an toàn, khả năng tài chính và sự tiếp cận cho dù chỉ một bộ phận rất nhỏ của nhu cầu thực tế về nhà ở.. Bên cạnh đó, rất nhiều các nhà hoạt động chống lại giải tỏa luôn đòi hỏi chính phủ của họ - lại chính là những người thực hiện trục xuất/giải tỏa – phải tìm ra những giải pháp, phải thay đổi chính sách và cung cấp các lựa chọn ! Thực tế cho thấy rằng chính phủ không thể cung cấp các lựa chọn/giải pháp, thành phần tư nhân cũng không thể cung cấp các lựa chọn và tất cả các hệ thống chính quy cung cấp các lựa chọn nhà ở cho người nghèo đều đang bò chậm chạp với tốc độ của những con ốc sên; so với tốc độ thay đổi rất nhanh của thực tế tại các thành phố Châu Á và xã hội Châu Á đã thức tỉnh chúng tôi. Đây cũng là thời điểm giá đất ở các thành phố trong khu vực bắt đầu tăng vọt, khi mà sự cách biệt giữa nhóm giàu và nhóm nghèo ngày càng mở rộng, khi mà hàng triệu người nghèo di dân đang đổ về các thành phố tìm kiếm cơ hội. Rất nhiều những thất bại của hệ thống chính quy không đáp ứng nhu cầu thực tế và không bắt kịp sự năng động của các thành phố Châu Á là do việc thực hiện do thiếu sự hiểu biết thật sự làm thế nào để giải quyết các vấn đề. Hầu hết các chính phủ ở châu Á đều không biết phải làm thế nào để giải quyết những vấn đề rất lớn của mình về nhà ở và đất đai, ngoài việc chạy theo những phương thức thực hiện cổ điển, những quan niệm cũ kỹ để nếm mùi thất bại thảm hại thêm một lần nữa. Kiểu như: chúng ta nên làm giống như Singapore xây dựng các cao ốc và các căn hộ cho tất cả mọi người. Hoặc là chúng ta nên thu gom tất cả người nghèo và chất lên xe tải chở họ trả về ngôi làng của họ.

Từ nhiều năm, chúng ta thường nghe những điều cũ kỹ: rằng chính phủ không có đất cho nhà ở cho người nghèo, họ không có tiền để cho người nghèo vay, người nghèo không có khả năng để làm bất cứ điều gì. Thật ra, các chính quyền thành phố đã thiếu hiểu biết về một sự thực đơn giản là người nghèo có khả năng thực hiện. Vì lẽ đó, vì sao chúng ta lại cần phải luôn theo lối mòn đi tìm các giải pháp, vì sao lại chỉ chờ đợi câu trả lời từ cái góc nhỏ mà ở đó luôn chỉ là sự sao nhãng và trì trệ? Bên cạnh đó, chúng ta vẫn luôn chứng kiến xung quanh ta, thậm chí không có đất, không có sự hỗ trợ, không có kinh phí và dù không có bất kỳ nguồn hỗ trợ nào khác, người nghèo tại các thành phố Châu Á đang tự vận động để tồn tại, để tìm kiếm chỗ ở, để nuôi sống gia đình mình, dẫu cho tất cả sự sinh tồn kỳ diệu này đã và đang được diễn ra trong những điều kiện vô nhân đạo như vậy. Đây chính là điều thú vị nhất trong công việc của hầu hết các nhóm trong Liên minh ACHR – sự sáng tạo to lớn, nguồn năng lượng và năng lực dồi dào cho sự tồn tại của người nghèo đô thị. Và càng nhìn chúng ta càng thấy rõ hơn, chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng tất cả những lộn xộn, hòa trộn sống còn đang diễn ra (mà chính quyền thường xem là hành vi bất hợp pháp và tìm cách trừng phạt) không còn là vấn đề nữa mà thực sự là một tiềm lực phát triển rất lớn, một lực lượng tiềm năng có thể được chuyển hướng để giải quyết những vấn đề này to lớn với quy mô thực tế. 

Vì vậy trong giai đoạn thứ ba, công việc của ACHR đã bắt đầu xem xét quy mô rộng lớn này của người dân như một giải pháp, chứ không phải là một vấn đề. Và bởi vì rõ ràng chúng ta đã không tìm thấy bất kỳ giải pháp nào được cung cấp bởi chính phủ, chúng tôi quyết định xem làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ các cộng đồng nghèo để cung cấp các giải pháp riêng của họ, và sau đó chứng minh các giải pháp của họ đến chính phủ cũng như xã hội bên ngoài. Rất nhiều các hoạt động của ACHR đã hỗ trợ trong giai đoạn này nhằm tăng cường năng lực của các cộng đồng nghèo phát triển các giải pháp bao gồm khuyến khích tiết kiệm và tín dụng cộng đồng (nhằm xây dựng các quỹ vốn tự lực của người dân và khả năng quản lý tài chính cùng nhau), xây dựng mạng lưới liên kết các cộng đồng nghèo trong các thành phố và trong các quốc gia (nhằm tăng cường mối quan hệ và sự học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời xây dựng khả năng thương lượng tập thể của họ). Hỗ trợ một số các dự án đầu tiên theo phương thức nhà ở dựa vào cộng đồng và các hoạt động nâng cấp. Từ kết quả của tất cả các hoạt động này, một số dự án nhà ở và nâng cấp cộng đồng mang tính đột phá được thực hiện bởi chính cộng đồng nghèo ở các nước khác nhau, và các dự án bắt đầu cho thấy những khả năng mới và các loại giải pháp mới của chính người dân. Đây là những dự án thí điểm về tiến trình của người dân tuy vẫn còn khá phân tán, nhưng mối liên hệ ngày càng tăng giữa các nhóm và các quốc gia, qua đó ACHR tiếp tục tạo điều kiện, giúp cho việc học tập trao đổi từ các dự án phân tán này được nhân rộng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ trong khu vực.

GIAI ĐOẠN THỨ TƯ: Chuyển từ các dự án thí điểm phân tán đến Nâng cấp khu ổ chuột dựa vào cộng đồng với quy mô toàn thành phố. Như thế chúng tôi bước vào giai đoạn thứ tư các hoạt động của ACHR, các dự án thí điểm phân tán được nhân rộng trên quy mô lớn hơn thông qua việc thúc đẩy xu hướng nâng cấp khu ổ chuột dựa vào cộng đồng có quy mô toàn thành phố tại Châu Á. Tiến trình nâng cấp các khu ổ chuột quy mô toàn thành phố đang được thực thi rất tốt và thực hiện trên quy mô rộng thực sự tại một số quốc gia – đặc biệt tại Thái lan, Ấn độ, Cambodia và một vài quốc gia khác. Trong tiến trình quy mô toàn thành phố, các cộng đồng nghèo được liên kết cùng nhau ở cấp thành phố, khảo sát toàn bộ các khu định cư nghèo/khu ổ chuột trong thành phố, thu thập thông tin trên quy mô toàn thành phố; xây dựng và quản lý quỹ tiết kiệm của họ ở cấp thành phố, thiết lập các kế hoạch nâng cấp tất cả các khu ổ chuột trên quy mô toàn thành phố, tiến hành thương lượng về đất đai và hạ tầng cơ sở trên quy mô toàn thành phố, phát triển các quy hoạch kế hoạch và thiết kế các loại nhà ở giá rẻ của họ với quy mô toàn thành phố. Hiện nay phương thức nâng cấp toàn thành phố này đã trở thành một khái niệm và một chiến lược thực hiện mới - đang được mở rộng sang nhiều nước châu Á khác, với sự hỗ trợ của Chương trình ACHR mới - Liên minh Châu Á vì hành động cộng đồng ( ACCA), hỗ trợ các nhóm trong khoảng 225 thành phố ở 19 quốc gia tiến đến xây dựng tiến trình riêng của họ theo phương thức dựa vào cộng đồng và quy mô toàn thành phố có sự phối hợp hợp tác với chính quyền địa phương. 

Phương thức mới nâng cấp khu ổ chuột quy mô toàn thành phố rất quan trọng đã làm cho các vấn đề quyền nhà ở trở thành một vấn đề thật sự thuộc về người nghèo - không chỉ thuộc một vài nhà hoạt động cao thượng hoặc các nhóm nhân quyền. Một khi các cộng đồng nghèo, những người chưa có quyền nhà ở trong một thành phố cùng tập hợp lại, cùng nhau khảo sát tất cả người nghèo trong thành phố của mình; cùng thảo luận về các vấn đề mà họ đang gặp phải, bắt đầu thiết lập các kế hoạch và thực hiện các dự án để giải quyết các vấn đề - chính là họ đang nắm quyền và sở hữu chủ một vấn đề - điều mà đã từ lâu họ không có. Thật tuyệt vời khi mà khái niệm quyền nhà ở được mở rộng hơn và thực chất hơn khi chính người nghèo thực hiện việc đo đếm. Tại nhiều thành phố Châu Á, các khảo sát quy mô toàn thành phố bao gồm không chỉ các cộng đồng lấn chiếm hay các khu ổ chuột, mà còn cả nhóm vô gia cư, các nhóm lấn chiếm phân tán, nhóm thuê phòng trọ, chủ thuê đất và các hộ tạm cư sống chen chúc chia sẻ, những nhóm mà quyền nhà ở của họ mang rất nhiều sắc thái khác nhau và nhiều mức độ không chính thống hay bất hợp pháp. Một khi chính người nghèo thu thập số liệu và hiểu biết các thông tin này, với quy mô và chính họ là người thực hiện các cuộc khảo sát cùng với sự hợp tác của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan (đang có rất nhiều), chính là người nghèo đang tiến đến bước đầu tiên trong một sự thay đổi chính trị sâu sắc từ việc bị nhìn nhận như một vấn đề của thành phố, họ trở thành là một phần của một đội quân và lần đầu tiên có được sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề mang tính quy mô thực sự.

Bước kế tiếp là bắt đầu cùng nhau giải quyết các vấn đề thông qua các dự án nâng cấp và nhà ở - có thể bắt đầu trước với các cộng đồng đã sẵn sàng thực hiện. Mặc dù đa số sẽ chưa có nguồn tài chính đủ để giải quyết ngay lập tức tất cả mọi vấn đề của thành phố ( sự thiếu hụt tài chính luôn là một trở ngại chính) điều quan trọng là con mắt của tất cả mọi người cùng được mở rộng khắp thành phố. Đây là sự mở rộng quan trọng về khái niệm, từ các " dự án thí điểm " lẻ tẻ được thực hiện trong sự cô lập cùng với một nguồn hỗ trợ lớn, chuyển sang quan niệm rằng mục tiêu ngay từ ban đầu là nâng cấp tất cả các khu nhà ổ chuột trong thành phố, và mời gọi sự tham gia của tất cả các cộng đồng trong thành phố. Một khi tất cả các cộng đồng nghèo và chính quyền địa phương cùng suy nghĩ theo chiến lược này, phương thức thực hiện sẽ thay đổi hoàn toàn, mở rộng thu thập thông tin toàn thành phố, liên kết mạng lưới các cộng đồng cấp thành phố, kế hoạch nâng cấp toàn thành phố, các mối quan hệ hợp tác quy mô thành phố, chiến lược cấp thành phố. Với sự tin tưởng mạnh mẽ rằng phương thức/tiến trình toàn thành phố này sẽ giúp cho tất cả các vấn đề quyền nhà ở trong thành phố có thể được giải quyết. 

Trong chiến lược thực hiện mới này, người dân những người chưa có quyền nhà ở sẽ là những người thực thi tích cực và là người tạo ra các giải pháp. Với quy mô này, sẽ không còn chỉ có một vài nhà hoạt động hoặc vài báo cáo về quyền nhà ở (được viết bởi các chuyên gia ngồi nửa vòng bên kia thế giới), đang độc quyền về thông tin về tình hình quyền nhà ở tại các thành phố châu Á. Đây là một quy mô lớn, một tiến trình dân chủ, trong đó những người nghèo, cùng với nhiều nhân tố khác tại địa phương có thể chạm vào những vấn đề thực sự là, bởi vì thành phố là của họ, và họ sinh sống ở đó và họ là người trực tiếp bị ảnh hưởng và chịu đựng tất cả những vấn đề này một cách trực tiếp nhất. Với phương thức toàn thành phố, họ nhìn thấy thành phố của mình, họ lập kế hoạch và thực hiện theo giải pháp tốt nhất. Hơn nữa với các mối liên kết giữa các thành phố và các quốc gia mà ACHR đã và đang xây dựng và củng cố, các nhóm không thực hiện một cách cô lập mà cùng với sự hỗ trợ và tiếp cận các kiến thức chung trong khu vực, đa dạng kinh nghiệm và các lựa chọn khác nhau,

Đây cũng chính là sự thay đổi chuyển từ xu hướng phát triển dựa vào bên cung, dựa vào nhà nước và các tổ chức phát triển – họ là người quyết định các nhu cầu và là người thiết kế các giải pháp/lựa chọn; chuyển sang hướng phát triển dựa vào phía cầu. Trong xu hướng mới dựa vào phía cầu, người dân chính là người phải đối mặt với các vấn đề về quyền nhà ở , chính họ quyết định nhu cầu gì và thiết kế các giải pháp cho chính họ; cũng như cụ thể hơn hoạt động hỗ trợ nào mà họ cần để thực thi công việc. Sau nhiều thập kỷ với sự thất bại và sự vụng về của xu hướng phát triển dựa vào bên cung, cho thấy rẳng phương pháp thực hiện này đã không thể đáp ứng được quy mô thực tế của nhu cầu, hoặc không thể theo kịp với tốc độ thay đổi thực tế . Chúng ta vẫn đang phải đương đầu với những vấn đề rất lớn về trục xuất/giải tỏa, vấn đề bất hợp pháp, về nhà ở dưới mức quy chuẩn và sự thiếu tiếp cận các dịch vụ. Tuy nhiên nếu kiến thức và quyền lực ra quyết định và thực hiện được chuyển giao vào tay của hàng triệu người nghèo – như nó đang được thực hiện – chúng ta đang bắt đầu tìm thấy các giải pháp. Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của Chương trình ACCA do Liên Minh ACHR thực hiện đã và đang cung cấp một bộ công cụ và một thể chế mới với hệ thống cung cấp của chính người dân - điều mà từ lâu đã bị bỏ qua. 

Quyền Nhà Ở và Phát triển Nhà Ở cần có sự song hành 

Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức mới và sự thay đổi lớn mà ACHR đang thực hiện nhằm giải quyết vấn đề quyền nhà ở tại Châu Á theo cách toàn diện và bền vững hơn. Không còn chỉ là sự đối phó với các dự án/trường hợp trục xuất/giải tỏa nóng như kiểu “chữa cháy”. Trong thực tế, tất cả các khu ổ chuột và các khu định cư bất hợp pháp hay các khu vực nghèo rải rác trong thành phố đều trong tình trạng bị đe dọa giải tỏa/trục xuất, dù sớm hay muộn. Quyền Nhà ở của tất cả người dân sống trong các khu vực dễ bị tổn thương và điều kiện tồi tàn này đều đang bị đe dọa. Vì vậy, dù bất kỳ phương thức tiếp cận quyền nhà ở nào có giá trị bằng văn bản cần giải quyết các hành vi vi phạm này và cần phải tìm kiếm các giải pháp cho tất cả mọi hình thức khác nhau của sự tổn thương – không nên chỉ bằng sự đe dọa của xe ủi đất của thành phố như hiện nay. Tiến trình mới sử dụng thông tin cấp thành phố và nâng cấp nhà ở quy mô toàn thành phố do người dân thực hiện đảm bảo quyền nhà ở cho mọi cư dân đô thị đang khẳng định rằng Quyền Nhà ở và Phát triển Nhà ở là 2 mặt của một vấn đề - không nên có sự tách rời . Một tiến trình phát triển nhà ở phù hợp chính là cách tốt nhất để cung cấp quyền nhà ở cho người nghèo trên quy mô rộng. 

Somsook Boonyabancha - Tổng Thư ký Liên minh Quyền Nhà ở Châu Á - ACHR 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: