Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Giấc mơ xanh

Giấc mơ xanh

Viết email In

Mới đó mà gần nửa đầu thập kỷ 2010 sắp trôi qua. Sóng gió trong những ngày đầu thập kỷ do dư chấn cơn bão khủng hoảng tài chính dữ dội cuối thập kỷ trước cũng dịu dần. Cả trái đất dù chao đảo với bão tài chính, với sóng thị trường năng lượng và lương thực, với lốc biến đổi khí hậu, với những chấn động chính trị – xã hội hay thách thức an ninh ở khu vực này, khu vực khác, đang dần lấy lại thăng bằng. Vậy ta có thể chờ đợi gì ở nửa sau của thập kỷ 2010?  

Kỳ vọng lớn nhất, tha thiết nhất của tôi cho nửa sau của thập kỷ 2010 này là con người trên khắp hành tinh sẽ thực sự chung tay cùng nhau lấy lại màu xanh cho trái đất. Một trái đất xanh hơn sẽ giúp người dân ở khắp nơi, từ những nước còn nghèo như Việt Nam, Bangladesh, Philippines hay châu Phi tới những nước giàu có như Nhật Bản, Hoa Kỳ… đỡ phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Một trái đất xanh hơn mới có thể trường tồn trong vũ trụ bao la và nuôi dưỡng loài người dù với dân số 7 tỉ hay hơn nữa, để họ có thể cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đồng thời có thể chung sống an lành với muôn loài khác do trời đất sinh ra hay chính con người tạo ra từ trước tới nay và cả trong tương lai. Một trái đất xanh hơn cũng đồng nghĩa với sự phát triển thông minh hơn, hiệu quả hơn, nhân văn hơn, có trách nhiệm hơn của con người đối với nhau và với vũ trụ của mình. 

Phát triển xanh tất nhiên đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của con người ở mọi quốc gia, trên mọi vị trí, nhưng trước hết là ở những người lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp. Lòng tham “phát triển bằng mọi giá” – mà thực chất là cái giá mà đông đảo người dân thường phải trả – cần phải bị kiểm soát, bị dẹp bỏ bằng những công cụ giám sát và trừng trị hiệu quả. Trình độ phát triển của khoa học, công nghệ và năng lực quản lý của con người đã cho phép chúng ta có thể đạt được tăng trưởng xanh ngay trong nửa cuối thập kỷ này. Cũng đừng nói rằng không có tiền để làm việc đó. Rũ bớt đi những thứ đầu tư hoang phí, chỉ phục vụ lợi ích của số ít, thay đổi đi cách phân bổ và sử dụng các nguồn lực, chắc chắn chúng ta sẽ có được những nguồn lực cần thiết để thực hiện tăng trưởng xanh. 

Phát triển xanh phải bắt đầu ngay từ bây giờ ở Việt Nam, nếu không sẽ quá trễ. Chỉ cần nhìn vào những gì vừa xảy ra trong năm 2013 thôi, cũng đủ thấy chúng ta không thể để việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã công bố bị chậm thêm, bị lui lại để nhường cho khát vọng tăng trưởng cao được nữa. Quá đủ rồi những trận lũ kinh hoàng giáng tai hoạ xuống hàng triệu người dân suốt dọc cột xương sống của cơ thể hình chữ S này. Quá đủ rồi những quả bom nước kiểu Sông Tranh 2 treo lơ lửng, những hố chất thải đủ loại có thể bục ra bất cứ lúc nào, những cánh rừng bị chặt trơ trụi, những sông hồ bị đầu độc, những đồng ruộng không còn phù sa, những vùng đất trở thành “làng ung thư”, những thành phố ngổn ngang đầy khói bụi. Quá đủ rồi những công trình khai thác tài nguyên chỉ giúp bọn trục lợi vơ vét cho đầy túi tham và để lại những di hoạ cho cả thế hệ đang sống và những thế hệ mai sau, những quy hoạch phát triển chỉ tính đến bao nhiêu đất sẽ lấy được, bao nhiêu tiền sẽ đổ vào, còn thì bỏ mặc số phận những người dân mất đất, mất nguồn sống lâu dài. 

Người dân Việt Nam có quyền và hoàn toàn có khả năng tạo nên sự thay đổi trong cách thức phát triển để làm cho cuộc sống của mình và con cháu mình ngày càng giàu có hơn về vật chất và tinh thần, an toàn, thân thiện hơn với thiên nhiên và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu khoa học khác nhau đã cho thấy nông nghiệp Việt Nam – ngành nuôi sống 90 triệu người Việt và tạo việc làm cho hơn 50% lao động – có hai hướng đi với kết quả hoàn toàn trái ngược. Nếu không làm gì để thay đổi thì sẽ liên tục đi xuống với tốc độ ngày càng nhanh trong nửa cuối thập kỷ này và xuyên suốt thập kỷ 2020. Còn nếu thực hiện các giải pháp cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cải cách mạnh cách thức phát triển của nông nghiệp, thì sẽ có nhịp độ tăng trưởng ngày càng cao trên tất cả các sản phẩm quan trọng trong nửa cuối thập kỷ này và đặc biệt trong thập kỷ 2020. 

Tất cả trong tay ta. Chúng ta có quyền mơ một Việt Nam xanh trong thế giới xanh vào cuối thập kỷ này lắm chứ. 

Tại sao không? 

Phạm Chi Lan 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo