Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Ngôi nhà “chống bão táp công nghệ”

Ngôi nhà “chống bão táp công nghệ”

Viết email In

Trong suốt quãng đời hơn 50 năm sống của mình tôi đã nhiều lần được chứng kiến ngôi nhà Việt thay đổi theo sự thay đổi của công nghệ. Từ thời đầu những năm 60 của thế kỷ trước khi lối sống thị tứ từ tự nhiên hiền hoà đột ngột phải đón nhận sự xuất hiện dồn dập những công nghệ mới, căn nhà Việt phải vội vã căng mình thích ứng: chiếc tivi, dàn âm thanh băng cối Akai, cái tủ lạnh (phổ biến cũng hồi năm 1967), chiếc bếp dầu hôi, rồi bếp gas, cái toalet kiểu mới, máy điều hoà…, rồi đầu video (xuất hiện năm 1980), dàn karaoke (xuất hiện năm 1990), chiếc máy tính đa phương tiện, chiếc laptop, chiếc điện thoại di động, iPad, iPhone, máy tính bảng…


Có một thời, tủ thờ, nơi thờ phượng được đặt nơi trang trọng nhất, đó là phòng khách. 

Sau một áp lực kéo dài cả 40 năm và ngày càng mạnh hơn của tiến bộ công nghệ, căn nhà Việt dù có chuyển biến thì cũng chỉ dừng ở mức tìm cách thích ứng nhiều hơn là “tái định nghĩa” triệt để về mình trong thời đại công nghệ mới. Do đó, có lẽ đã đến lúc thử ngẫm nghĩ lại và hình dung xem, ngôi nhà thời mới ấy sẽ “còn gì, mất gì”. 

Sự “biến mất” của cái phòng khách 

Chỉ nói riêng về cái phòng khách, trước những năm 1967 khi tivi và dàn âm thanh chưa phổ biến thì cái phòng quan trọng nhất của ngôi nhà thường tập trung vào bàn thờ gia tiên, rồi đến bộ tràng kỷ hay bộ xalông nghiêm trang (salon là từ tiếng Pháp chỉ phòng khách, từ đó bộ bàn ghế quan trọng nhất ở đây được gọi luôn là bộ xalông), một chiếc tủ kính gọi là tủ búpphê để chưng các thứ quý giá, kỷ niệm… Phòng khách lúc đó chỉ dùng để tiếp khách, hoặc ngày lễ tết gia đình sum họp hàn huyên, hay ông bà ngồi xem báo đàm đạo. Nơi đó tôn quý lắm nên không thể dùng để sinh hoạt gia đình được, con cháu không thể ngồi gác cẳng xem tivi, ăn “snack” đùa giỡn được! 

Sau năm 1967, tivi Mỹ, Nhật được nhập vào rất nhiều; đài truyền hình, ngoài đài Sài Gòn người xem còn được xem cả đài Mỹ (phát sóng cho quân đội Mỹ đồn trú và cộng đồng người Mỹ đang sống ở Việt Nam) với các bộ phim nổi tiếng vẫn được nối tập đến tận giờ như: Batman (Người dơi), Mission imposible (Nhiệm vụ bất khả thi), Star Treck (còn gọi là phim Lỗ tai lừa vì vai chính là diễn viên có chiếc lỗ tai nhọn…). Lúc này, cái truyền hình trở thành trung tâm của phòng khách (truyền hình thuở đó thường có vỏ bọc gỗ, bốn chân cao và cửa kéo bằng gỗ xếp trông như một chiếc tủ xinh xắn và đúng là một sản phẩm trang trí nội thất). Từ đó, bộ xalông của tất cả phòng khách đều hướng về chiếc truyền hình và cũng từ đó bộ bàn ghế này bắt đầu được thiết kế “thả lỏng” hơn, chỗ dựa thoải mái, ghế gác chân, bàn nhỏ để ly thức uống và đồ snack… bắt đầu xuất hiện, phòng khách lúc này trở thành nơi thư giãn, hưởng thụ cuộc sống, bắt đầu “Mỹ hoá” hơn (người Mỹ gọi phòng khách là “living room”: phòng để sống, sinh hoạt, tiếp khách chỉ là… phụ).

Khi khái niệm salon nghiêm trang của Pháp kết hợp với khái niệm “living room” thoải mái của người Mỹ (cộng với sự giàu có của xã hội tăng lên) thì căn phòng có chức năng trang trọng của người Việt dần dần tách ra thành hai nơi: phòng để tiếp khách khác với phòng để sinh hoạt gia đình, lúc này chiếc tivi, dàn máy hát, bộ xalông thoải mái chuyển hẳn qua căn phòng mới để gia đình chủ nhân có thể xem phim, nghe nhạc, nằm nghiêng, ngồi ngửa… thoải mái.

Từ phòng khách tách ra “phòng sinh hoạt gia đình”, rồi giờ đây khi kỷ nguyên công nghệ mới ập tới, ta nhận ra cái “phòng sinh hoạt” này cũng dần tan biến vào các “góc sinh hoạt” nhỏ hơn, cá nhân hơn. Vì sao vậy? Lý do để có cái “phòng sinh hoạt” này là cùng xem phim, cùng nghe nhạc, cùng chuyện trò, thì nay phòng nào cũng có tivi, máy hát, người nào cũng có iPad để xem phim nghe nhạc, smartphone để check mail vào Facebook, ai cũng bị hút hết thì giờ để “tương tác” với công nghệ mới nên đâu còn có giờ để cùng tương tác với nhau nữa… Vậy thì việc gì phải tề tựu về cái góc sinh hoạt đó để làm gì nữa?

Rồi cái phòng khách tự nó cũng đang bị đe doạ vì người ta ít tiếp khách dần đi và gặp gỡ ở bên ngoài hoặc qua mạng nhiều hơn. Đến thăm mấy ngôi nhà của lớp người trung niên, ở Sài Gòn cũng như ở Melbourne – Úc, nhà lớn toạ lạc trên mảnh đất cả ngàn mét vuông, gồm hai tầng, với bốn phòng ngủ… tôi nhận ra có hai căn phòng luôn để “bám bụi” là… phòng khách và phòng ăn.

Cho nên, có lẽ thời của chiếc phòng khách và phó sản của nó là “phòng sinh hoạt gia đình” có thể đang cần phải được định nghĩa lại.


Khái niệm salon của Pháp kết hợp với khái niệm livingroom của người Mỹ khiến cho căn phòng có chức năng trang trọng của người Việt đã biến đổi. 

Khuynh hướng “kho hoá” ngôi nhà 

Trong trào lưu “sang” hoá ngôi nhà Việt mười năm vừa rồi, ngoài việc xuất hiện “phòng sinh hoạt gia đình”, ta cũng thấy xuất hiện một loại phòng chức năng chưa hề có trước kia: đó là phòng closet nằm kề phòng ngủ chính (master bedroom). Đó là phòng để quần áo, giày dép, túi xách… của chủ nhân căn phòng ngủ. Phòng này ra đời để giải quyết vấn nạn: phòng ngủ trước thường gồm luôn tủ kệ nơi để quần áo, túi xách rồi giày dép khắp nơi, vấn nạn này càng thêm nặng khi người ta giàu có mua sắm quá nhiều đồ… Giờ đây, ngoài phòng tắm kết nối trực tiếp với phòng ngủ đã xuất hiện thêm phòng closet này. Nơi đó có tủ quần áo, kệ để giày, giá để túi xách, vali…, được sắp xếp gọn gàng, và phòng ngủ được giải phóng thật thoáng đãng tạo một “chất lượng ngủ” hoàn hảo.

Nhưng, dù gọi hoa mỹ bằng tên gì thì đây cũng chỉ là một biến dạng nâng cấp của loại phòng chứa đồ, hay một loại nhà kho cao cấp. Nói nôm na như vậy để thấy rằng vấn nạn thật của ngôi nhà chính là khuynh hướng ngôi nhà bị “kho hoá”. Đồ đạc ngày càng quá nhiều để phục vụ cho những nhu cầu vừa thật vừa ảo của con người hiện đại.

Chẳng hạn, sắp tới chắc hẳn phải có một nơi giải quyết các vấn nạn cho sự bùng phát các thứ linh tinh từ đồ chơi công nghệ, có phải không khi căn nhà chúng ta hiện đang bối rối với hai thứ rất đơn giản: các cục sạc pin và các điều khiển từ xa. Bạn sẽ gặp ở mỗi gia đình hiện nay có không dưới vài chục các loại “cục” như vậy: nhà bốn người sẽ có ít nhất tám cục sạc di động (mỗi người thường có hai di động), cả chục cục sạc khác cho iPad, Kindle, laptop, camera… Còn điều khiển từ xa: nào là cho mấy các tivi trong nhà, mấy đầu phát truyền hình cáp, mấy máy điều hoà, mấy cái quạt, mấy cái máy hát…

Ở Đức, các ngôi nhà lớn ở ngoại ô luôn phải dành một tầng áp mái để làm kho, chỉ cần kéo trần nhà xuống là có một chiếc thang tự động trượt xuống để ta lên mái… cất đồ linh tinh. Ngoài ra, họ còn phải có một kho đựng thức ăn, vì nhà xa, mỗi tuần đi chợ một lần, nên nhà nào cũng có một closet nhỏ chứa hằng hà đồ ăn đóng hộp, tủ cấp đông đầy ứ gà, bò, rau ướp lạnh…

Xã hội tiêu dùng đang dần tiến đến nước ta, người ta sẽ “shopping for fun”, mua sắm cho vui nhiều hơn là nhu cầu cần dùng, nên đồ dư thừa càng nhiều và nhu cầu kho chứa đủ thứ khác sẽ phát sinh. Cho nên, thiết kế một căn nhà tương lai là phải tận dụng mọi ngóc ngách để làm “chỗ kho” nếu không đủ lớn cho “nhà kho”. Khuynh hướng cần chỗ cất giữ các đồ đạc dư thừa sẽ trở thành một yêu cầu không thể thiếu khi chọn mua nhà trong tương lai rất gần. 

Dĩ nhiên, các chuyên gia về “cái chốn đi về” này sẽ phải suy tư nhiều để tái định nghĩa những điều còn mất mai đây. Và chỉ có thế họ mới có hy vọng làm ra những “sản phẩm nhà thật” để tồn tại được trong thời đại mà “sản phẩm nhà ảo”, “nhà mua để đó”, để đầu tư, để bán… không còn chỗ tồn tại sau những cơn mơ ảo vừa tan tành hôm qua. 

Lưu Vĩ Lân / Ảnh: Nguyên Lam 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo