Đà Lạt, phố và người...

Thứ năm, 26 Tháng 12 2013 22:33 SGGP
In

Chuyện phố, chuyện người Đà Lạt không còn mới mẻ khi vùng đất này đã bước sang tuổi 120. Vậy nhưng, ở dấu mốc quan trọng này, vấn đề bản sắc của phố và phong cách người Đà Lạt đang được nhắc đến nhiều, bởi đó là những yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu Đà Lạt.

Phố trong rừng

Lâu nay, người ta vẫn dùng thuật ngữ “phố trong rừng, rừng trong phố” để nói về đặc trưng của Đà Lạt. Quả thật, ngay sau khi khám phá, người Pháp đã quyết định xây dựng vùng đất này thành đô thị nghỉ dưỡng trong rừng. Do ở độ cao trên 1.500m và được rừng thông bao bọc nên Đà Lạt giữ được không khí mát lạnh, trong lành quanh năm. Cùng với đó, những tòa biệt thự phong cách Pháp được mọc lên hài hòa dưới tán thông, ven theo các triền đồi rất tự nhiên, đã hình thành diện mạo một đô thị bản sắc.

Trải qua thời gian, Đà Lạt ngày một phát triển, khang trang hơn, hiện đại hơn nhưng cũng chính điều đó đang tác động, bào mòn giá trị đặc trưng của Đà Lạt. Theo GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam), Đà Lạt sở hữu hai thứ tài nguyên hiếm hoi, không đâu sánh bằng, đó là sự mát lạnh và không khí trong lành, nhưng cả hai thứ ấy lại bị thách thức thẳng thừng từ phía đô thị.

Còn theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt đang ngày càng xa rời với những giá trị từng đem lại sự độc đáo để thu hút du khách. Chính vì vậy, cần phục hồi không gian nghỉ dưỡng lãng mạn cho Đà Lạt càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cần bảo vệ, kế thừa và tiếp nối các di sản quy hoạch kiến trúc Pháp.

Giữ nét hiền hòa

Trải qua 120 năm phát triển, Đà Lạt đã từng bước khẳng định vị thế và định hình phong cách riêng của mình. Nhưng quá trình phát triển cũng đặt ra cho Đà Lạt những thách thức không nhỏ. Bảo tồn, phát huy những giá trị riêng của mình và hạn chế những mặt trái trong quá trình phát triển là cơ hội để Đà Lạt tiến lên phía trước.

Là cộng đồng cư dân hình thành trên cơ sở giao thoa, tích hợp đến từ nhiều vùng đất, vùng văn hóa, nhưng con người Đà Lạt không xô bồ, mà rất hiền hòa. Trong một số diễn đàn về phong cách người Đà Lạt, nhiều ý kiến lý giải nét hiền hòa, thanh lịch của người Đà Lạt hình thành bởi không gian sống tĩnh lặng, mát mẻ.

Gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, dân số tăng nhanh, nhất là tăng cơ học nên phong cách người Đà Lạt nói chung cũng có phần nhạt phai. Kiểu buôn bán chụp giật, cò kéo, đội giá để “chặt chém” khách trong mùa cao điểm… đang làm xấu hình ảnh con người Đà Lạt. Làm gì để giữ gìn phong cách hiền hòa, thanh lịch của người Đà Lạt, vùng đất du lịch nổi tiếng trong lành này? Nhiều cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này đã được tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà quản lý bàn thảo, những giải pháp về tuyên truyền vận động, giáo dục được đưa ra. Song cũng không ít ý kiến cho rằng chính quyền, các cơ quan chức năng cần phải kiên quyết hơn trong việc xử phạt các vi phạm, công khai trên mạng thông tin, để cộng đồng lên án, tẩy chay những hành vi xấu, làm ảnh hưởng hình ảnh Đà Lạt./.

Nam Viên


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: