Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long: Nhiều mảng sáng tối

Thứ tư, 25 Tháng 12 2013 16:59 Vietnam+
In

“Những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, đặc biệt là trong ba năm triển khai dự án UNESCO/Quỹ tín thác Nhật Bản Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội (2010-2013) đã giúp cho những hiểu biết về di sản Hoàng thành được nâng cao lên một cấp độ mới. Ở một số những lĩnh vực cụ thể, lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam đạt được những nhận thức mới, làm cơ sở vững chắc cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.”

Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) bày tỏ quan điểm như vậy khi nhìn lại quá trình nghiên cứu khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Thực tế đó cũng đặt ra một yêu cầu đối với những người làm công tác quản lý là cần công bố sâu rộng hơn những kết quả nghiên cứu, hiện vật thu thập được để đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Đồng thời kêu gọi, thu hút sự chung tay nghiên cứu của giới học giả trong nước và quốc tế.


Đôi rồng đá ở điện Kính Thiên-Khu di sản Hoàng thành Thăng Long
(Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN)

Những nhận thức mới về công tác khảo cổ

Theo giáo sư Phan Huy Lê, các kết quả nghiên cứu về khu di sản này ngày càng được cụ thể hóa, dựa trên những cơ sở khoa học chắc chắn.

Từ những dấu tích khảo cổ học đầu tiên phát lộ vào năm 2002 tại khu vực này, đến nay, giới khoa học đã xác định được sự xếp chồng liên tục của các tầng văn hóa, kiến trúc từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đến thời Nguyễn.

“Từ đó, hậu thế có thể hình dung về một Thăng Long-Hà Nội trong lòng đất,” giáo sư Phan Huy Lê chia sẻ.

Cụ thể, vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay, các nhà nghiên cứu đã tiến hành những đo đạc tỷ mỉ những di tích còn lại của mặt bằng kiến trúc thời Lý. Từ đó, họ tìm ra được thước đo của thời Lý là xấp xỉ 30 cm.

"Tôi đánh giá rất cao thành tựu này, bởi nếu giới chuyên môn không nắm được những thước đo của từng thời đại thì không thể hình dung và giải thích một cách thấu đáo, có cơ sở khoa học về những kiến trúc của thời kỳ này.

Chúng ta không thể lấy thước đo của thời đại này để nghiên cứu về những kiến trúc truyền thống của thời đại khác," giáo sư Phan Huy Lê phân tích.

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Phan Huy Lê, phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, thành tựu đó kết hợp với việc phát hiện ra hệ thống đường nước thời Lý, Trần tạo cơ sở cho việc tái hiện không gian các chính điện trong Hoàng thành Thăng Long.

Từ những kết quả nghiên cứu trong khoảng 10 năm qua tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, “các di tích đã phát hiện được chuẩn hóa, định vị cụ thể trên bản đồ,” giáo sư Phan Huy Lê cho hay.

"Lần đầu tiên, tại Việt Nam, các di tích khảo cổ học được sắp xếp trên một tọa độ mang tầm cỡ quốc gia. Tọa độ đó lấy trung tâm là nền điện Kính Thiên.

Phải có một tọa độ như vậy thì mới có thể xây dựng kế hoạch nghiên cứu lâu dài, tổng thể và sâu sắc những đặc trưng, giá trị của khu di sản văn hóa thế giới này," giáo sư Lê nhấn mạnh.

Các nhà khoa học cho rằng, không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng đã dần hé lộ với kết cấu hình vuông, rộng hơn 1ha (kích thước mỗi chiều khoảng 125m) và kiến trúc Giải vũ (nhà phụ) được xây thêm ở hai bên.

Tuy nhiên, bố cục kiến trúc thời Lý, Trần thì chưa thấy rõ.

Bên cạnh những dấu tích kiến trúc, qua các đợt khai quật khảo cổ học, nhiều di vật cũng được phát hiện như: Hình đầu phượng thời Trần rất giống với đầu phượng tìm thấy ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), đầu đao gắn nhiều lá đề, thể hiện đặc trưng của kiến trúc cung đình thời nhà Trần…


Hố khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long
(Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN)

Cần quảng bá di sản rộng rãi đến công chúng

Mặc dù việc nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long đạt được nhiều thành tựu mới trong thời gian qua nhưng theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Mai Hùng-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc quảng bá, giới thiệu những điều đó đến công chúng còn rất hạn chế.

Theo ông, điều này được thể hiện cụ thể, trực tiếp qua việc: Các cuộc trưng bày, triển lãm giới thiệu các di vật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được tổ chức rất thưa thớt.

Trong khi đó, đây là một di sản văn hóa thế giới, người dân-những chủ thể thực sự của các di sản có quyền được biết, tìm hiểu về nó.

Có cùng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Việc khai quật không chỉ để nghiên cứu và các nhà khoa học biết với nhau; mà phải công bố rộng rãi để người dân hiểu về giá trị của khu di sản này.

Từ đó, ý thức về di sản văn hóa của người dân sẽ được nâng cao và họ sẽ chủ động tham gia vào quá trình gìn giữ di sản. Đây mới là phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.”  

Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cho hay: Trước mắt, trung tâm sẽ lập kế hoạch giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ từ năm 2008 đến nay, trình cấp trên phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, mặc dù trung tâm là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản di vật nhưng người thực hiện việc khai quật lại là đơn vị khác.

Ví dụ, khu A và B thuộc khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu mới được chính thức bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội từ năm 2011.

Trong khi đó, khu C và D vẫn do Trung tâm Nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) quản lý. Tài liệu, hiện vật chưa bàn giao cho Thành phố Hà Nội.

"Chính bởi sự ‘ba bè bảy mối’ đó nên chúng ta chưa thể tiến hành tổng kiểm kê để biết chính xác số di vật, hiện vật thu được là bao nhiêu; mặc dù việc khai quật, nghiên cứu đã được tiến hành cả chục năm nay," ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, khi nào việc bàn giao toàn bộ hiện vật, hồ sơ hoàn thành, Trung tâm sẽ sớm lên kế hoạch trưng bày, giới thiệu đầy đủ tới công chúng./.

An Ngọc


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: