Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM: Ngoại thành ngày càng ngập nhiều hơn

TPHCM: Ngoại thành ngày càng ngập nhiều hơn

Viết email In

Số lượng điểm ngập khu vực nội thành TPHCM đã giảm song nhiều khu vực ngoại thành như Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè xuất hiện thêm điểm ngập mới. Thậm chí ở huyện Củ Chi lâu nay ít bị ngập thì nay cũng xuất hiện điểm ngập. 

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM, tại huyện Bình Chánh, Thủ Đức, qua đợt triều cường kết hợp mưa lớn từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều khu vực bị nước tràn qua bờ rạch, làm ngập hẻm, nhà dân và đường sá.


Trong ảnh là một đoạn ngập đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TPHCM. Ngập lụt đô thị hiện đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của mọi người dân
(Ảnh: Anh Quân)  

Nhiều khu vực quận 12, huyện Hóc Môn cũng xuất hiện điểm ngập mới. Nguyên nhân ngập xuất hiện ở ngoại thành nhiều hơn, theo ông Long, là do tốc độ đô thị hóa nhanh, đất ruộng bị san lấp, nhà cửa xây dựng và nhiều khu dân cư tự phát mọc lên làm giảm khả năng thoát nước. 

Thực tế cho thấy mưa lớn kết hợp triều cường riêng trong ngày 7/11 vừa qua đã gây ngập 90 điểm, trong đó có 64 điểm ngập nặng và 26 điểm ngập nhẹ. Đáng chú ý thì khu vực quận 1 chỉ còn 3 điểm ngập gồm đường Calmette, Cô Bắc, Cô Giang, còn lại rất nhiều điểm ngập dịch chuyển ra ngoại thành. 

Một số khu vực ngập nặng nhất trong ngày 7/11 vừa qua ở ngoại thành như đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức), quốc lộ 50 (Bình Chánh)... Ông Nguyễn Đàn Dân, một người dân huyện Củ Chi cho biết ngay như nhiều tuyến đường ở xã Hòa Phú (Củ Chi) lâu nay rất ít khi bị ngập úng thì gần đây thường xuyên bị ngập úng sau những trận mưa lớn.

Ông Long cho biết, sắp tới trung tâm chống ngập sẽ họp với UBND các quận huyện ngoại thành thống kê lại chi tiết số điểm ngập mới ngoại thành để cùng có giải pháp khắc phục.


Những gì xảy ra trên đường phố tại TPHCM sau những cơn mưa, đợt triều cường gần đây khiến người ta đặt câu hỏi: Không biết đến khi nào số điểm ngập ở đô thị hiện đại như TPHCM mới được kéo giảm về con số 0? (Ảnh: Anh Quân) 

Tại hội thảo về giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức ngày 13/11, đại diện Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM cho biết hiện tại có 154 xã phường của thành phố thường xuyên bị ngập úng. Đến năm 2050, dự báo con số này sẽ tăng lên 177 xã phường, chiếm 61% diện tích thành phố. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Thạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường Việt Nam, cho biết ở tầm quốc gia, 50 năm qua nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng 0,5 độ C, mưa phùn phía Bắc giảm, mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn. 

Theo ông Thạnh, thống kên cho thấy mực nước trung bình ven biển Việt Nam tăng 2,8 mm mỗi năm. Biến đổi khí hậu cũng làm thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày càng khắc nghiệt hơn, khu vực đổ bộ của bão có xu hướng lùi về phía Nam nhiều hơn.

Ông Thạnh trích số liệu của một báo cáo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam cho thấy nếu nước biển dâng 1 mét, 21% diện tích TPHCM sẽ bị ngập, ảnh hưởng đời sống 7% dân số, thiệt hại về kinh tế theo đó cũng sẽ vô cùng lớn.

“Biến đổi khí hậu là do chính con người gây ra, chính con người cũng có thể tác động làm chậm hoặc giảm bớt quá trình biến đổi khí hậu”, ông Thạnh nói.

Theo các chuyên gia môi trường, hiện tượng đô thị hóa nhanh và tràn lan trong thời gian gần đây khiến hàng ngàn héc ta đất chứa nước thành phố đã biến mất. Kênh rạch, ao hồ bị san lấp để xây dựng nhà cửa ồ ạt. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây có đến 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 héc ta bị biến mất. Từ năm 2002 đến 2009, khả năng chứa nước của hệ thống ao hồ và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần. 

Văn Nam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo