Đầu tư hợp tác công - tư nên làm từ dự án nhỏ

Thứ bảy, 07 Tháng 9 2013 01:47 TBKTSG Online
In

Các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư công cho rằng để hình thức hợp tác công - tư (PPP) có hiệu quả, cần làm dần từng bước và nên chọn những dự án nhỏ làm trước rồi từ đó xây dựng một khung pháp lý chung cho các dự án. 

Tại bàn tròn trong khuôn khổ hội thảo về hợp tác công - tư được tổ chức tại TPHCM ngày 4/9, các chuyên gia đã phân tích những vấn đề liên quan đến hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam.  


Các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên chọn những dự án nhỏ để đầu tư theo mô hình PPP. Khi thành công mới áp dụng tại các dự án lớn
(Ảnh: Anh Quân) 

Bà Claire Phillips, Giám đốc phụ trách hợp tác công - tư, Bộ Ngân khố Vương quốc Anh chia sẻ, kinh nghiệm ở nước Anh đã đem áp dụng hình thức PPP ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng thành công, có lĩnh vực khi áp dụng có thể nói là thảm họa. 

Đơn cử như lĩnh vực công nghệ thông tin, ở lĩnh vực này công nghệ biến động rất nhanh theo từng năm dẫn đến phải chỉnh sửa hợp đồng nhiều lần nên không có được sự đồng thuận giữa khu vực công và tư. Trong khi đầu tư theo PPP là mô hình dài hạn, do vậy nó phù hợp nhất với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường và một số lĩnh vực có sự ổn định lâu dài.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu đem mô hình PPP ở Anh áp dụng vào Việt Nam liệu có thành công hay không, ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng, hiện nay PPP tại Việt Nam chỉ có sự tham gia của nhà nước ở khâu chuẩn bị dự án chứ chưa tham gia vào quá trình hoạt động kinh doanh của công trình. Việc này thích hợp trong giai đoạn hiện nay, bởi tạo được sự yên tâm nhất định ngay từ đầu cho nhà đầu tư.

Ông cho rằng nếu sau này học theo mô hình của Anh, có nghĩa là nhà nước tham gia vào cả giai đoạn cung cấp dịch vụ và vận hành của dự án thì ở môi trường Việt Nam sẽ không tạo sự an tâm cần thiết cho nhà đầu tư.

Theo ông Lý, Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên nên cần có một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch từ đấu thầu, thanh toán, xử lý trách nhiệm khi xảy ra vi phạm hợp đồng. Và cần phải có một nghị định về đầu tư PPP chứ không phải là là một quyết định như hiện nay.

Còn ông Vũ Ngọc Nam, Phó trưởng phòng văn bản pháp quy, Sở Tư pháp TPHCM, cho rằng hiện nay Việt Nam chưa có dự án PPP nào được vận hành nên khó phân tích được rằng mô hình của Anh có phù hợp tại Việt Nam hay không.

Nếu đem so sánh môi trường đầu tư ở hai nước có những sự khác biệt nhất định, ở Anh họ áp dụng đầu tư PPP từ năm 1987, đến năm 1990 họ mới có 2 dự án tiếp theo. Họ cũng làm từ từ chứ không làm ồ ạt theo phong trào.

Ông Nam cũng cho rằng, chúng ta cũng nên đi dần từng bước xem có phù hợp với các dự án tại Việt Nam hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là có một khung pháp lý đủ vững chắc thì mới có cơ sở thực hiện.

Từ kinh nghiệm của nước Anh, bà Claire Phillips cho rằng, Việt Nam nên chọn những dự án nhỏ và đơn giản để thực hiện thí điểm trước nhằm tạo được khung pháp lý đầu tiên, chứ không nên chọn các dự án lớn. Khi làm thành công ở dự án nhỏ sẽ tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư thì việc thực hiện ở các dự án lớn sẽ dễ dàng hơn.

“Ở Anh cách đây 15 năm cũng vậy, chúng tôi chỉ chọn những dự án nhỏ để làm trước sau đó thành công mới làm đến các dự án lớn”, bà nói. 

Bà cũng cho biết, hiện nay trên website của nhiều sở ngành của Việt Nam, có nhiều dự án lớn được mời gọi đầu tư theo hình thức PPP, mặc dù chưa làm gì nhưng quảng cáo thông tin rầm rộ, trong khi dự án chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên liên quan, dẫn đến sự trì trệ.

Việt Nam hiện đang thực hiện thí điểm đầu tư một số dự án theo mô hình PPP, trong đó có dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, vào ngày 19/9, hội nghị tiền sơ tuyển để chọn nhà đầu tư thứ 2 sẽ diễn ra. 

Anh Quân 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: