Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Xây dựng chính quyền đô thị: người dân cũng phải có vai trò

Xây dựng chính quyền đô thị: người dân cũng phải có vai trò

Viết email In

Khi nói đến chủ thể quản lý đô thị người ta nghĩ ngay đến các định chế quản lý nhà nước, trong phạm vi thành phố đó là các cơ sở ban ngành các cấp. Từ đó, khi nói đến cải tiến quản lý người ta chỉ tập trung bàn về chức năng, nhiệm vụ, sự phân công phân cấp và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, bởi theo cách nghĩ thông thường, các định chế nhà nước mới có thể (và có quyền) để quản lý đô thị.  

Thực tế và kinh nghiệm của nhiều quốc gia và đô thị đã vận hành và quản lý theo kiểu chính quyền đô thị (CQĐT) cho thấy, có nhiều nhân tố khác tham gia trực tiếp hay gián tiếp có ảnh hưởng nhất định đến tiến trình quản lý đô thị như các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là chính các tầng lớp dân cư trong đô thị ấy. Kinh nghiệm còn cho thấy, nếu chỉ “đóng khung” cho việc cải tiến quản lý đô thị bằng những định chế nhà nước thì rất khó lòng có được một cơ chế quản lý tối ưu. 

Hơn thế nữa, các nguồn lực nhà nước là có hạn và ngày càng không đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị, nên sự tham gia của các nhân tố khác ngoài định chế nhà nước trở nên cần thiết, đặc biệt là các nguồn lực trong nhân dân theo phương thức xã hội hoá. Một khía cạnh nào đó mà nói, phát huy vai trò của nhân dân trong việc quản lý đô thị là cách làm đúng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và thể hiện vai trò, quyền của người dân vào công tác xây dựng quản lý đô thị nói riêng, trong việc phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội nói chung. Trong quá trình xây dựng mô hình thí điểm CQĐT, thiết nghĩ TP.HCM cần phải tính toán cân nhắc vấn đề này. 

Rõ ràng, các tầng lớp dân cư trong đô thị vừa là đối tượng chịu sự quản lý của công tác quản lý đô thị, nhưng lại vừa là chủ thể tham gia vào công tác quản lý đô thị. Nếu có định hướng đúng và khuyến khích được sự tham gia tích cực của các bộ phận dân cư thì công tác quản lý đô thị sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Muốn làm được, điều trước hết, đòi hỏi những người có trách nhiệm về quản lý xây dựng đô thị phải “nhìn thấy” được nguồn lực này, thấy được sự tham gia của người dân vào công tác quản lý đô thị là cần thiết và tất yếu. Và kế đến là có những động thái tích cực và thiết thực để “kéo” người dân vào công tác quản lý đô thị, mà cụ thể là tiến hành nghiên cứu nhu cầu của người dân để làm cơ sở cho các chính sách quản lý đô thị. Nói khác đi, chúng ta cần phải đặt vấn đề, xây dựng CQĐT thì ngoài vấn đề “người dân được lợi gì?”, cần phải tính đến “người dân có quyền và nghĩa vụ gì?” 

Công bằng mà nói, trong thời gian qua, trong công tác quản lý nói chung, xây dựng và quy hoạch đô thị nói riêng, chúng ta đã chưa chú trọng đúng mức về vai trò của các tầng lớp nhân dân, chưa phát huy được hết tiềm năng của họ và chưa đặt họ đúng vào vai trò, vị trí cần thiết, chưa thật sự đưa chủ trương xã hội hoá các hoạt động xã hội của Nhà nước vào trong quản lý đô thị. Nói khác đi, chưa thiết lập được mối quan hệ giữa người dân trong công tác quản lý đô thị, chính lẽ đó sự tham gia của người dân vào công tác quản lý đô thị còn mờ nhạt, mà biểu hiện dễ thấy là người dân thờ ơ với những sai phạm trong xây dựng trái phép, trong quản lý vệ sinh công cộng... 

TS Phạm Đi - Học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo