Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn Lay lắt sống trên đất dự án “treo”

Lay lắt sống trên đất dự án “treo”

Viết email In

Cùng với hàng vạn dân TP.HCM, 70.000 dân ở cả xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) hơn 20 năm qua sống vất vưởng “không ra hồn, ra xác”, mọi quyền lợi, nhu cầu bức thiết bị “treo”, trên vùng đất đã quy hoạch cho những “dự án rùa”. 

Năm này qua năm khác, dân ngửa cổ chờ giải quyết, trong khi xã, huyện thì thở dài thườn thượt: “Chúng tôi cũng chẳng sung sướng gì đâu, suốt ngày nghe người dân kêu ca, đó là chưa kể bị chửi vào mặt vì cái lỗi không hẳn là của mình”.  
 

Bị đẩy ra khỏi ruộng đồng 

Xã Bình Hưng có 1.372ha đất dự án, chiếm gần hết diện tích đất của xã. Từ khi có quyết định quy hoạch khu Bắc Nhà Bè và Nam Bình Chánh của UBND thành phố Hồ Chí Minh, đến nay gần 20 năm, là cũng chừng ấy năm, mọi hoạt động liên quan đến nhà đất đều phải tạm dừng như xây cất nhà, mua bán chuyển nhượng, hoạt động sản xuất... nhường chỗ cho 54 dự án. 

Ông Trần Thanh Cần - Chủ tịch UBND xã Bình Hưng - cho biết: Mấy chục ngàn dân ở Bình Hưng - trước đây sống bằng nghề nông, nhưng khi đất bị quy hoạch, ruộng đồng không canh tác được nữa, người dân phải chuyển sang buôn bán, dịch vụ... Hỏi buôn gì, bán gì khi họ vốn là những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, khi mà muốn làm dịch vụ cũng phải có một cái chỗ chui ra, chui vào cho đàng hoàng, thì đằng này họ lại không có quyền xây dựng?

Ông Cần đáp “thì cũng phải sống thôi, họ làm công nhân, buôn bán, chạy xe ôm, một số hộ vẫn còn nuôi được cá...”. Lại hỏi ông Cần, xã có ước tính nổi thiệt hại không? Ông Cần trầm ngâm: “Cái này tui chưa làm thống kê, không biết chính xác, không biết nói thế nào”.

Ông Nghệ - một người dân Bình Hưng - chua chát: “Nhà tui đầy ruộng, nhưng lâu rồi tui không làm ruộng nữa, mà chạy xe ôm. Người ta xếp tui vào thành phần làm dịch vụ đấy, nghe sang trọng không?”. Ông Nghệ (có nhà ở đường Liên ấp 3B, thuộc ấp 3) kể, không chỉ nhà ông, mà hầu hết đất đai hai bên đường Liên ấp 3B đều nằm trong khu quy hoạch dự án Khu dân cư Tiến Phước, chủ đầu tư là Cty TNHH Tiến Phước, Q.5, TPHCM. Dự án này nhận được quyết định giao đất từ năm 2004 đến nay.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Bình Chánh, gần 10 năm qua Cty TNHH Tiến Phước đã tự thỏa thuận bồi thường được khoảng 73% trong tổng số gần 20ha đất dự án. “Đi thì tôi cũng đi chứ cố bám làm gì, nhưng nếu cứ theo cái giá đền bù hiện nay thì 3 thước đất ở đây chỉ mua được 1 thước đất ở chỗ khác. Ruộng đồng cũng đã mất hết, có người nhận tiền đền bù, đi rồi coi như bỏ xứ, qua Long An mua đất cất nhà, chồng chạy xe ôm, vợ buôn gánh bán bưng bữa no bữa đói, khốn khổ chứ chẳng sung sướng gì” - ông Nghệ nói.

Hôm tôi về Bình Hưng trời chuyển mưa, những người dân hai bên đường thuộc ấp 1 đề nghị tôi ráng ở lại chờ mưa xuống để xem dân ở đây khốn khổ tát nước từ nhà ra đường. Nguyên là con đường Bình Hưng vốn nằm trong vùng đất quy hoạch nên không được đầu tư nâng cấp, làm mới, mùa nắng thì bụi, mùa mưa nước dâng tới gối, lầy lội không tài nào đi được. Chịu hết nổi, trước tết âm lịch vừa rồi, mỗi hộ dân góp 500.000 đồng nâng cấp, tráng nhựa con đường.

“Nhưng có đường rồi thì những hộ dân hai bên đường sống khổ, sống sở với nó. Mặt đường cao hơn nền nhà mưa xuống nước tràn vô nhà, rác rưởi bẩn thỉu cũng theo đó vào nhà. Mỗi khi trời mưa, tôi vắng nhà một cái là y như rằng đồ đạc để dưới nền nhà hỏng hết vì ngập nước. Mình xin nâng cái nền nhà lên thì bị cấm, không có con đường cũng khổ, có rồi càng khổ hơn” - chị Vân (sống bên đường Bình Hưng) tố khổ.

Nói về chuyện xây, sửa nhà, một phụ nữ chán nản nói: “Khổ nhục lắm. Ai mà có nhà từ trước năm 1990 thì còn có cái chui ra, chui vô, từ sau năm 90 đến nay, nhà dù có sập cũng không được xây mới. Có bà chị tôi, căn nhà “chuồng heo” dột trước, sập sau, chị không ở được nữa, bao năm tằn tiện được 20 triệu đồng, chị định xây một cái nhà tôn, mới vừa đổ đống gạch xuống đất thì đã thấy thanh tra xây dựng lù lù trước mặt. Chị khóc, chạy vạy gửi “tiền nước non” mới êm xuôi...”. 
 

“Địa phương cũng chẳng sướng gì!” 

Trong báo cáo khẩn số 349 gửi Sở TNMT thành phố, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị không gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, có tiến độ tự thỏa thuận bồi thường dưới 50% diện tích dự án. Những dự án có tiến độ thỏa thuận từ 50% diện tích dự án, nếu cho gia hạn với thời gian nhất định, trên cơ sở chủ đầu tư phải báo cáo và cam kết đảm bảo năng lực thực hiện và tiến độ thực hiện.

Trong phạm vi các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai, bồi thường, kiến nghị UBND TP cho phép người sử dụng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngắn hạn, xây tạm các công trình dịch vụ như sân bóng mini, nhà hàng sân vườn... nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khi không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp, do thuộc khu vực phải thu hồi đất. 

  • Ảnh bên: Một góc đường Bình Hưng, ấp 1, xã Bình Hưng. 

Đến nay ở xã Bình Hưng có tới 46 dự án có quyết định thu hồi, 8 dự án có văn bản chấp thuận. Trong số những dự án Sở Tài nguyên Môi trường đã có công văn quyết định không gia hạn, có những dự án có văn bản chấp thuận giao đất hơn 5 năm, nhưng đến nay thì ngay cả việc triển khai bồi thường đất, các chủ đầu tư cũng chưa thực hiện, như dự án Khu dân cư của Cty CPPT Nam Sài Gòn diện tích 12ha, dự án Khu dân cư 8ha của Cty TNHH IBO, dự án Khu dân cư 8ha của Cty TNHH Đại Ban...

"Ngân hàng siết không cho vay vốn, bất động sản đóng băng, nhà xây xong không bán được, công ty cũng hết vốn. Một khi đã đầu tư vào, ai chẳng muốn làm cho nhanh, nhưng cố cũng không được. Hơn 13ha đất dự án khu dân cư, hơn 5 năm qua dù cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ đền bù được hơn 30%. Thời gian đầu, việc thỏa thuận giá cả đền bù với người dân còn dễ, giờ khó lắm, người dân so sánh giá đất với những nơi khác, thỏa thuận năm lần bảy lượt không xong, nay Sở Tài nguyên Môi trường đã có công văn không gia hạn dự án nữa, chúng tôi cũng phải chấp nhận”- một chủ đầu tư có dự án bị thu hồi ở xã Bình Hưng tỏ vẻ buông xuôi khi tôi hỏi chuyện.

Nói về việc 80-90% dân số của xã sống lay lắt bao nhiêu năm qua, ông Trần Thanh Cần thở dài: “Từ khi triển khai đến nay, mới có khoảng chục dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng, số còn lại vẫn “treo” vì không thỏa thuận được giá bồi thường cho người dân. Trong 1.372ha đất dự án, có đến 900ha thuộc Ban quản lý Khu Nam, địa phương chỉ quản được một số ít, cho nên chỉ có Ban quản lý Khu Nam mới có thể tác động đến các chủ đầu tư, đằng này Ban quản lý Khu Nam giao nhưng không đôn đốc. Địa phương thấy chậm quá thì chỉ có thể đề xuất lên trên xem xét không gia hạn, thu hồi hoặc “thúc” các nhà đầu tư làm cho nhanh”. 

Theo ông Cần, những “dự án rùa” khiến cho những công trình công cộng ở xã như trường học, hệ thống nước sạch, quản lý dân cư ở địa phương cũng “treo” theo. “Công ty cấp nước sạch không dám đầu tư vào đây, vì sợ mai này dự án xây lên tài sản của họ cũng đổ xuống sông, cho nên trong 70.000 dân ở Bình Hưng chỉ có 40% dân cư được dùng nước sạch, số còn lại phải dùng nước giếng. Con em của xã phải đi học “ké” ở nơi khác, không làm được sổ hộ khẩu cho người dân, xuất hiện nhiều khu dân cư tự phát cũng là một mối lo cho việc quản lý an ninh trật tự.

“Ở khu dân cư hiện hữu, có người sinh sống thì chúng tôi kiến nghị cho chỉnh trang lại, nhà cửa tồi tàn thì người dân được sửa chữa, nhưng không làm thay đổi cấu trúc, hình dáng bên ngoài... làm sao để người dân có thể sống được? Đối với trường học, trong năm nay xã sẽ vay vốn thành phố để xây dựng 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, không thể để con em lặn lội học “ké” khắp nơi” - ông Cần cho hay.

Sẽ xem xét xóa “treo” thêm 90 dự án của toàn TPHCM. Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường, toàn TPHCM có 471 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, 304 dự án được tiếp tục thực hiện, xóa “treo” 77 dự án, còn 90 dự án sẽ xem xét trong thời gian tới. Trong 785 dự án có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên toàn thành phố, có 660 dự án đã được bồi thường từ 50-100% diện tích đất, 125 dự án bồi thường được dưới 50% diện tích đất thuộc diện phải xử lý (Nhà nước mới thu hồi được 35 trong 125 dự án). Theo một lãnh đạo Ban quản lý Khu Nam, hiện ban quản lý đã báo cáo lên Sở Tài nguyên Môi trường TP để xử lý, thu hồi những dự án có tỉ lệ bồi thường dưới 50% ở Bình Hưng. 

Lê Tuyết (Lao Động) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo