Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Đừng để phải trả giá vì quy hoạch nữa!

Đừng để phải trả giá vì quy hoạch nữa!

Viết email In

Có đến 40% dự án thủy điện nhỏ đã bị loại khỏi quy hoạch. Đó là kết quả sau cuộc rà soát quy hoạch phát triển thủy điện của Bộ Công Thương, được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch một ngành, một lĩnh vực cho phù hợp với những thay đổi của thị trường, của nền kinh tế, vốn dĩ là điều rất bình thường. Thế nhưng, việc có đến 40% số dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch vì các lý do khác nhau, chỉ sau một đợt rà soát, lại cho thấy một điều rất không bình thường.

Quy hoạch có vai trò như một công cụ quản lý của Nhà nước. Nó là cơ sở để định hướng phát triển cho một ngành, một lĩnh vực hoặc cả nền kinh tế. Xây dựng và quản lý quy hoạch tốt sẽ giúp khai thác mọi nguồn lực của nền kinh tế một cách hiệu quả. Bằng không, sẽ phải trả trả giá, thậm chí là trả giá rất đắt. Việt Nam đã có không ít kinh nghiệm đau xót liên quan đến vấn đề này. 

Bất cập trong quy hoạch thủy điện, dẫn đến phải loại bỏ 40% dự án thủy điện, dù sao cũng đã được sửa sai kịp thời và chưa để lại hậu quả gì đáng kể. Nhưng nhiều ngành khác thì không được may mắn như vậy. Chúng ta hãy nhìn vào các ngành thép, xi măng, cảng biển và quy hoạch các khu kinh tế ven biển... 

Ngành thép xây dựng là một ví dụ điển hình. Suốt nhiều năm qua, ngành này chỉ khai thác được khoảng 60% công suất thiết kế mà nguyên nhân chính vẫn là quản lý kém hiệu quả, dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ liên tục. Việc lãng phí công suất như vậy không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp trong ngành, mà còn góp phần làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Ngành xi măng và nhiều ngành công nghiệp khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Cả một ngành công nghiệp xi măng đang lao đao, đến mức nhiều công ty đã đứng trên bờ vực phá sản. Thoạt nhìn, đây có vẻ là hậu quả của suy giảm kinh tế, của thị trường địa ốc bị đóng băng, nhưng suy cho cùng cũng là do quy hoạch bị phá vỡ. 

Điều đáng lo nhất là bất cập về quy hoạch vẫn đang tiếp diễn ở nhiều ngành khác nhau. Hãy nhìn vào các ngành cao su, cà phê và gần đây là mía đường. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra diện tích trồng cao su, cà phê hiện nay đã vượt rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020. Và, cái giá trước mắt phải trả cho sự phát triển quá mức này là hàng trăm ngàn héc ta rừng đã biến mất, để lại những hậu quả khôn lường về kinh tế và môi trường. 

Công tác quy hoạch của Việt Nam đang thực sự có vấn đề, từ khâu xây dựng cho đến quá trình quản lý thực hiện. Trước hết, khâu lập quy hoạch đã không bảo đảm được tính độc lập, không hoàn toàn dựa vào các điều kiện về kinh tế, xã hội và thị trường, mà bị chi phối nhiều bởi mong muốn chủ quan của các địa phương. Tiếp đến, trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không kiểm soát được. Bất chấp quy hoạch, các địa phương, các ngành vẫn đẩy mạnh hoạt động đầu tư theo phong trào, với sự tiếp sức của nguồn vốn ngân sách, mà không lưu tâm hoặc bỏ qua các điều kiện đặc thù của địa phương, cũng như tín hiệu của thị trường. Đó là những gì đã diễn ra trong các ngành xi măng, cảng biển, khu kinh tế ven biển, khu nông nghiệp công nghệ cao, sân bay... 

Số liệu thống kê cho thấy, để có một điểm tăng trưởng GDP, số tiền Việt Nam phải chi ra để đầu tư hiện nay nhiều hơn gấp đôi so với giai đoạn 1991-1995. Đó là bằng chứng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đã sa sút mạnh, và những bất cập về quy hoạch đã đóng góp không ít vào sự sa sút đó. 

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo