Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Chùa Cò nay về đâu...

Chùa Cò nay về đâu...

Viết email In

Đã 2 năm không về thăm quê. Hôm nay về lại, thấy mà ngỡ ngàng... 

Từ lâu trong tâm khảm, mỗi khi nhắc tới quê hương, chúng tôi thường nói: "Quê tôi có Chùa Cò, một ngôi chùa cổ của người Khơ me đã có hơn 300 năm tuổi, với những rừng cây sao, cây dầu, rặng tre xanh mướt ken dày luôn trắng những cánh cò bay, đậu vào mỗi buổi chiều quê êm đềm...” 

Vậy mà chiều nay, đưa người bạn từ phương xa tới thăm Chùa Cò, chúng tôi đã thật thất vọng và buồn lòng. Ngôi chùa cổ êm đềm đã thật sự biến mất, thay vào đó là một ngôi chùa mới màu sắc sặc sỡ, dáng dấp như một ngôi chùa của Thái Lan với mặt sân tráng nền bê tông hắt nóng hầm hập, với lối kiến trúc nửa hiện đại, nửa lai căng, với các cầu thang cuốn bằng inox sáng lóa. Rặng tre xanh mướt bị bạt đi hết một nửa mất chỗ cho cò bay về làm tổ...  


Mặt bên Chùa Cò, 2009 


Mặt bên Chùa Cò, 2012 
(ảnh: phatgiaovnn.com) 

Nhưng điều đáng buồn nhất đó là nơi mặt tiền chính diện chùa, vị trí thường chỉ dành để áp các tranh của Phật để người từ xa trước khi bước vào chùa có thể chiêm bái và lạy Phật, lại là một bức hình thật khổng lồ của gia đình ông Trầm Bê, người đã đóng góp tiền của để xây chùa. Mặt hậu chùa lại là một tấm biển cũng khổng lồ không kém ghi công gia đình ông Trầm Bê đã phát tâm xây dựng chùa với một cách viết tắt cực kỳ cẩu thả... Hai bên hông chùa là các bức phù điêu hình bán nguyệt với hình chân dung của ... không phải là các ông lục tiền bối đã có công xây đắp và gìn giữ chùa trong hơn 300 năm qua... mà là chân dung của những người có họ Trầm... Chúng tôi đã nhìn nhau mà hỏi" Đây có còn là ngôi Chùa Cò của ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú , tỉnh Trà Vinh, một ngôi chùa nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần đạo Phật Tiểu Thừa của đồng bào Khơme và cả người Việt từ mấy trăm năm nay nữa hay không?? 


Cổng vào khuôn viên Chùa Cò, 2009 

 
Sân Chùa Cò nhìn từ cổng, 2009 

 

Hành lang Chùa Cò, 2009 (trái) / Hành lang Chùa Cò, 2012 (phải) (ảnh: phatgiaovnn.com)


Mặt bên Chùa Cò, 2009

 
Mặt bên Chùa Cò, 2009 
(trái) / Mặt bên Chùa Cò, 2012 (phải) (ảnh: phatgiaovnn.com) 

Không ai có thể phủ nhận công sức đóng góp cho quê hương của ông Trầm Bê. Nói tới ông thì không chỉ huyện Trà Cú mà cả tỉnh Trà Vinh cũng phải ghi công một người con đã xây trường học, bệnh viện, nhà máy... cho tỉnh nhà. Ở thành phố Hồ chí Minh cũng nhiều người biết ông với sức mạnh tài chính khổng lồ. Ông là chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện Triều an, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Phương Nam, có mặt trong Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank... Thiết nghĩ về tiền bạc và danh vọng, ông và gia đình không thiếu... 

Thế nhưng, khi bước chân vào chùa, bước vào chốn tín ngưỡng thờ cúng của đạo Phật, đi vào thế giới tâm linh... ít nhất, người ta cũng phải hiểu đó là nơi cả cộng đồng đều có thể tới để hành đạo, nơi mà mọi người dù già hay trẻ, nam hay nữ, đau khổ hay hạnh phúc, giàu hay nghèo đều ngang bằng nhau trước cõi niết bàn. Vậy thì việc phát tâm làm việc thiện nguyện ở chùa - cũng là việc tích đức cho chính bản thân và gia đình - trong thâm tâm của mỗi người là ngang bằng nhau cho dù đó chỉ là việc cầm chổi quét chùa hay đóng góp hàng tỉ đồng... 

Tôi vẫn nhớ một câu châm ngôn: “Làm việc thiện mà muốn cho mọi người cùng biêt thì đó không phải là việc thiện nữa rồi”. Vậy thì treo lên một tấm hình gia đình ngay tại chính diện chùa, áp một bảng công đức ngay mặt hậu chùa để làm gì? Để mỗi người dân khi tới đây lễ Phật đều phải lễ cả gia đình vợ chồng con cái ông Trầm Bê hay sao? Tất cả họ đã trở thành Phật, thành Tôn Giả hết rồi, hay tri thức văn hóa tối thiểu của mỗi người con đất Việt nơi thờ phượng tôn nghiêm ở họ vẫn chưa đủ đầy để tới nỗi họ phải kiếm chút công đức nơi đất Phật bằng cách đó? 

Chùa Nodol hay còn gọi Chùa Giồng Lớn hoặc Chùa Cò (là 1 trong 44 chùa Phật giáo Nam tông Khmer của huyện Trà Cú), có niên đại trên 100 năm. Khuôn viên chùa rộng với cảnh quan đẹp, có nhiều loài cò, chim hoang dã sinh sống, trú ngụ. Chùa tọa lạc tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An. [ wikipedia.org ] 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà vinh - nơi đã làm nên niềm tự hào là đã giữ được hàng cây xanh từ thời Pháp, giữ được nét cổ kính thanh bình cho thành phố Trà Vinh-, Sở Thông tin Văn hóa - Du lịch tỉnh Trà vinh có hay biết gì về việc làm này không? Họ có biết là trong tâm hồn của mỗi người dân người Khơme và người Việt, Chùa Cò là một nơi thờ phượng, một địa điểm du lịch sinh thái đặc sắc chẳng dễ gì có được, nay chỉ còn nằm trong cõi hoài niệm xót xa của bao người không? Trách nhiệm bảo tồn di tích, bảo tồn văn hóa của họ đi đâu cả rồi? 

Chữ ĐỨC, và chữ CÔNG, có lẽ con người ta phải học cả đời cũng chưa hết, vậy nên phải hãy hành xử cho KHIÊM NHƯỜNG trước đã, nhất là khiêm nhường nơi cõi Phật. Lại có một câu châm ngôn nữa đây: "Tri thức làm cho người ta khiêm nhường, ngu si làm cho con người ta cao ngạo". 

Buồn lắm, Chùa Cò ơi... 


Ảnh gia đình họ Trầm tại mặt chính Chùa Cò, 2012 


Mặt sau Chùa Cò treo bảng công đức nhà họ trầm, 2012 
(ảnh: phatgiaovnn.com) 


Bảng công đức, 2012
 

Nguyễn Việt Lan 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo