Vụ tranh chấp ở khu đô thị The Manor (Hà Nội): Giàu, sang sao chẳng đi liền?

Thứ sáu, 13 Tháng 3 2009 16:11 Minh Tân / TT&VH
In

Gần đây dư luận khá xôn xao về vụ tranh chấp xảy ra giữa cư dân khu đô thị The Manor (Hà Nội) với Ban quản lý công trình - Nhà đầu tư Bitexco, liên quan đến phí trông giữ xe ô tô và các loại phí khác. Báo chí cũng tốn không ít tin, bài, hình ảnh về vụ tranh chấp này.

Lẳng lặng mà xem họ cãi nhau...

Vụ tranh chấp đã lên đến đỉnh điểm khi bảo vệ tòa nhà được lệnh của cấp trên hạ barie không cho xe vào khu vực gửi xe, các cư dân khu đô thị thì phản ứng quyết liệt đến mức đã phát động một cuộc “biểu tình” mini bằng cách dán băng rôn, khẩu hiệu khắp các xe và mang chăn, chiếu, đồ ăn sinh hoạt tới ngủ tại tầng hầm, nơi vốn là bãi chỉ để phục vụ ô tô “ngủ”. Có lúc, sự việc bị đẩy lên cao trào không những chỉ cãi vã bằng lời. Trong cuộc tranh cãi với cái lý “sư bảo sư đúng, vãi bảo vãi hay” xem ra chưa có hồi kết này là một câu chuyện bi hài.

Phía nhà đầu tư nói tầng hầm để xe thuộc quyền sở hữu của mình, cho nên nếu muốn họ có thể biến nó thành sân tennis. Hợp đồng được mang ra soi từng chữ, từng câu. Phía người dân thì nói quyền gửi xe ở tầng hầm mặc nhiên là của họ bởi đã mua nhà ở trên cao tất nhiên phải có nơi để xe, nếu không như vậy thì cầu thang, hành lang phía Bitexco cũng bảo của họ và biến thành quán bar, vũ trường thì sao? Rồi khi tăng giá thì phía Bitexco phải bàn bạc, thảo luận với dân chứ không thể dùng lối áp đặt như vậy v.v...

Lẽ ra...

Còn nhớ khu đô thị này trong những ngày đầu khởi công và chào bán căn hộ, biệt thự, đã được quảng bá rất mạnh. Không ngạc nhiên gì khi những người sở hữu những căn hộ tại đây được coi là tầng lớp “thượng lưu” bởi giá cho một m2 chung cư được tính trên, dưới 2.000USD. Bitexco đã tạo dựng lên ở phía Tây Nam Hà Nội một khu đô thị mới với phong cách kiến trúc ấn tượng và nội thất cầu kỳ, hiện đại. Thế nhưng, ngay trong quá trình giao dịch mua, bán nhà thì hợp đồng do chủ đầu tư soạn sẵn. Từ xa xưa, cổ nhân đã nói, lý vị tình, pháp vị nghĩa, cho dù bây giờ Bitexco có mang hợp đồng ra soi từng câu, từng chữ, cho dù câu chữ có ủng hộ họ thì dư luận cũng khó lòng đứng về phía họ. Theo tâm lý bình thường, không ai đi mua căn hộ trên cao lại nghĩ đến chuyện mình có quyền gì ở dưới mặt đất, bởi điều đó gần như là hiển nhiên?



Ai đã từng đến trong giai đoạn chào bán nhà, tại khu đô thị này, cho dù chỉ đến “ngó” cũng được các nhân viên rất xinh đẹp, nói nhẹ như gió thoảng, cười tươi như hoa mùa Xuân tận tình dẫn đi tham quan và hướng dẫn thật chu đáo, làm cho người ta cảm giác như mình đang ở trên thượng giới. Thế nhưng, sau vài năm chung sống tạm coi như thuận hòa, khi cơn bão suy thoái kinh tế bên ngoài thổi tới, cũng chính là lúc sự tốt bụng, lịch lãm bị lung lay. Và đối tượng được nhằm tới chẳng phải tìm ở đâu xa mà chính là các thượng đế của họ thuở nào giờ đang tung tăng xe hơi ra vào trước mặt Ban quản lý. Những chiếc xe ô tô bỗng chốc trở thành nạn nhân của sự săm soi này, người ngủ, xe cũng phải ngủ, Bitexco tăng giá “chỗ ngủ” của xe đến mức bất ngờ làm cho các chủ xe cũng khó mà ngủ ngon. Cách kinh doanh, phục vụ kiểu áp đặt như của Bitexco có lẽ chỉ tồn tại trong thời kỳ bao cấp khi nền kinh tế kế hoạch tập trung đã trở thành câu chuyện vui trong đời sống hôm nay, rằng bán cho 2 người chung nhau 1 chiếc áo may ô.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao với sự đầu tư lớn, sang trọng, kỳ công của nhà đầu tư thuộc hàng tầm cỡ Việt Nam và với số tiền không phải người Việt Nam nào cũng có được của cư dân nơi đây đã bỏ ra để sở hữu căn hộ, biệt thự của khu đô thị này, họ xứng đáng thuộc hàng “top” trong xã hội mà lại có sự mâu thuẫn, tranh chấp đến cấp độ như vậy? Theo lẽ thường, những đối tượng này chỉ nhìn họ đã phải dùng đến hạ sách là một bên thì ngang nhiên chắn lối đi (cách làm thường thấy của những nông dân thời trước khi bất đồng với hàng xóm), một bên là kiên quyết không lùi, hò nhau tụ tập, to tiếng?

Đi tìm câu lý giải

Trường hợp tranh bất đồng tại The Manor không phải là cá biệt, nhiều khu đô thị, chung cư thương mại trên đất nước ta cũng nảy sinh như thế. Có lẽ pháp luật của chúng ta về lĩnh vực này còn chưa lấp đầy những lỗ hổng để cho những sự mâu thuẫn như trên nảy sinh giữa các chủ đầu tư khu đô thị và cư dân nội tại. Việc Nhà nước giao 1 khu đất cho chủ đầu tư xây khu đô thị, chung cư để bán cho dân đến ở, hay nói chính xác hơn là dân đến để sống. Cuộc sống của công dân, hộ gia đình không thể giao cho doanh nghiệp quản lý, họ không đủ tư cách và địa vị làm việc này mà nó phải đặt dưới sự quản lý chung của Nhà nước, chính quyền và chịu kiểm soát của các thiết chế xã hội, pháp luật hiện hành.

Việc các nhà đầu tư khoanh vùng, sống xung quanh tạo cho họ cái quyền cai quản khu vực họ đã bỏ tiền không những gây nên những hệ lụy về pháp lý và còn mất đi sự hòa nhập, gắn kết với không gian kiến trúc, cảnh quan, đời sống chung của thành phố, của xã hội. Nên chăng, sau khi khu đô thị hoàn thành, Nhà nước qui định nhà đầu tư phải bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý với các thiết chế bình thường như bất kỳ khu phố nào để người dân được hưởng quyền và nghĩa vụ chung. Người dân có quyền định đoạt những dịch vụ phải sử dụng thông qua ban đại diện do họ bầu ra, ngoài những nghĩa vụ của công dân đối với chính quyền. Có lẽ, có một khoảng trống nào đó, một sự thiếu hụt nào đó trong quan hệ dân sự, trong quan hệ giữa con người với con người khi văn hóa kinh doanh còn dò dẫm đường đi. Trong sự việc này chẳng hạn, phía Bitexco có thể nói đã xử sự chưa đúng tầm vóc của một nhà đầu tư lớn, nhất lại là đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến đời sống cả đời người cùng với những nhu cầu rất cá trong khu cư dân. Người ta nói, dịch vụ cho người giàu không hề đơn giản, nó đòi hỏi nhà cung cấp không chỉ cần có tư duy lớn, có tính chuyên nghiệp cao mà còn cần phải có tầm văn hóa.

Có lẽ những công dân mang tầm dân trí và mức sống cao tại các khu đô thị cao cấp cũng chưa hẳn đã có thay đổi tương đồng giữa việc sở hữu 1 căn hộ, 1 căn biệt thự sang trọng với những nếp sống, cách nghĩ và tác phong của cư dân nông nghiệp hay tiểu thành thị, quen với mái nhà riêng của mình, nên rất khó chấp nhận, rất khó vui vẻ với những trách nhiệm và sự đóng góp trong một môi trường sống buộc phải theo, buộc phải chi trả những dịch vụ công cộng đương nhiên.

Chúng ta cùng hy vọng đất nước ngày càng giàu có với những khu nhà ở như The Manor, nhiều The Manor hơn nữa, nhưng cũng mong mỏi đi kèm theo đó là sự lớn lên về nếp sống, sự văn minh, tác phong hiện đại, nhân văn của các cư dân và sự nâng tầm cao hơn nữa trong văn hóa, đạo đức kinh doanh của các nhà đầu tư.

Minh Tân


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: