Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Chợ phiên nơi làng xã

Chợ phiên nơi làng xã

Viết email In

Cuốn "Những người săn máu" của Le Pichon, (Bulletin des Amis du vieux Hué, 4/1938) cho thấy, vào đầu thế kỷ 20, người dân Katu sống ở tình trạng bán khai, tuy không có chợ, hay buôn bán, nhưng vẫn tiến hành trao đổi hàng hóa ở một địa điểm nhất định với những người dân miền xuôi.

1. Người dân Bắc bộ thời phong kiến sống trong các làng xã đã từ lâu hình thành những chợ phiên nhất định. Có thể kể đến chợ làng, chợ tổng, chợ huyện, chợ tỉnh và một cái chợ lớn trung tâm đó chính là Hà Nội, được gọi là Kẻ Chợ. Chữ “Kẻ” có nghĩa là vùng đất, miền đất. Khái niệm Kẻ Chợ cũng đồng nghĩa với sự văn minh nào đó, nên Kẻ Chợ còn được gọi là Tràng An.


Chợ dân tộc vùng Cán Cấu, Bắc Hà, Lào Cai
(Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Khái niệm thành thị tuy có, nhưng không phổ biến, mà người ta hay dùng khái niệm đô thị, tức là đô thành (thành lũy đồn trú của vua quan) bên cạnh cái chợ. Thành của Trung Quốc vốn rất lớn, khi có chiến tranh, dân bên ngoài vào thành trú cả. Bình nhật thì người ta cũng sống trong thành, sáng sớm ra đồng làm ruộng, chiều tối trở về, tất nhiên cũng có người sống ngoài đồng nội, tức ngoài thành.

Thành trì Việt Nam nhỏ, người dân không sống trong thành, mà sống trong làng. Cái chợ ven thành là một trung tâm buôn bán, nó có thể có phiên lớn nhất định, nhưng thường ngày vẫn có hàng hóa giao dịch.

Sau cấp Kẻ Chợ, các chợ khác trong toàn quốc, chỉ họp theo phiên, tức là có ngày quy định nào đó trong một tháng có tính quy luật. Ví dụ mùng 2 và mùng 7, tức là một tháng sẽ có sáu phiên, 12 và 17, 22 và 27. Những hàng hóa quan trọng có tính đặc sản sẽ được bán trong phiên chợ.

2. Trên thực tế thì chợ lại được hình thành từ làng đi lên. Mỗi làng có một cái chợ nhỏ, có thể họp ngay đầu làng, sân đình, hoặc chỉ trên một bãi trống. Chợ làng thường họp từng ngày vào sáng sớm và chiều tối, vừa bán mua bằng tiền, vừa có thể trao đổi.

Những làng thuần nông nghiệp thì chợ làng không thường xuyên, mà đổi thành phiên, vì tính chất tự cung tự cấp cao. Những làng có nghề thủ công, thì chợ làng mang tính thường xuyên hơn, vì người làm thủ công chuyên nghiệp, không thể sản xuất các nông sản được nữa. Có những làng lớn, như ở Mông Phụ, Đường Lâm mỗi giáp có một điếm nhỏ, và một giếng chung, cũng đồng thời là một chợ nhỏ cung cấp hàng hóa tối thiểu cho giáp. Đây là trường hợp đặc biệt.

Song trong một làng, chợ chỉ có thể cung cấp ít lương thực thực phẩm và đồ đan. Nhu cầu của người nông dân tuy đơn giản, nhưng cũng nhiều hơn thế, các “chợ tổng” hình thành, tức là vài ba làng là một tổng, và có chợ riêng trên một bãi đất trống kề cận với những làng đó. Chợ tổng còn phục vụ cho những làng không thuộc về tổng đó, nhưng không xa đó, và người ta có thể nay đi chợ tổng này, mai đi chợ tổng kia.


Chợ làng Đường Lâm ngày nay họp ở khoảng sân trước chùa Mía.

Trong đơn vị hành chính thời Nguyễn, làng tương đương với một xã, từ ba đến bốn xã là một tổng, tùy theo. Các tổng trong một huyện, tỉnh có ngày chợ phiên khác nhau, để người ta có thể đi chợ khắp nơi mà không bị trùng. Ví dụ tổng này chợ phiên là mùng 2 và mùng 5, chợ tổng khác là mùng 3 và mùng 7. Sự phân chia các chợ phiên mang tính tự nhiên và nó phản ánh hệ âm lịch của người Việt có nguồn gốc từ lịch Mường, lúc đó người ta chưa biết đến tuần lễ 7 ngày như hiện nay, và một tháng được chia làm ba tuần, mỗi tuần 10 ngày, nên các chợ phiên sẽ có sáu ngày họp trong một tháng.

Việc thuận tiện trong giao thông đường thủy hơn là đường bộ, các làng và chợ thường hay gần sông, cho nên người ta có thể đi nhiều chợ trong tháng, đến các làng hai bên sông, hoàn toàn bằng thuyền. Hoặc đi gần có thể đi bộ theo triền đê rồi đi đò ngang qua bên kia sông đến một chợ khác.


3.
Ở các vùng miền núi và giáp miền núi, chợ phiên lại có cách riêng, thường là trong hai ngày liền. Ví dụ hiện nay, chợ Lồ ở Cao Phong, Hòa Bình, họp vào thứ 4 và thứ 5, chợ Mai Châu, Hòa Bình họp vào thứ 7 và Chủ nhật. Ngày đầu là phiên phụ, còn chờ đợi nhiều người dân đi từ trên núi xuống, ngày sau là chính.

Xưa kia, các phương tiện giao thông hạn chế, người ta mất một ngày để đi đến chợ và phải ngủ qua đêm ở đó, hoặc đi từ đêm, sáng sớm ra phiên chính rồi về luôn, mới kịp đến nhà trước khi trời tối.  Nhiều phiên chợ vùng cao kết hợp với ngày đi lễ một ngôi đền thiêng, nên có thể tổ chức vào 30, mùng 1 hay 15 và 16, tất nhiên theo lịch âm.

Nhịp sống nông nghiệp theo tuần trăng và vụ mùa, nên âm lịch cổ đóng vai trò quyết định đối với việc phân chia các chợ phiên.

Chợ làng là một hình ảnh thân thương, chả khác nào mái đình, cây đa, mặc dù đó là nơi khá lầy lội. Người thời cổ chỉ có ý thức đơn giản về môi trường, cho đến nay cái chợ vẫn bẩn và nhiều rác như vậy.

4. Trên một khoảng đất trống, thường là gò cao, người ta làm vài chục túp lều quán tạm bợ, nếu cốt che nắng và mưa nhỏ, dành cho những người buôn bán cố định, còn lại rau hoa quả, đồ đan, gia súc đều có chỗ riêng ngoài trời.


Một phố chợ ở kinh đô Huế. Minh họa năm 1883

Trong chợ có mấy hàng cố định dường như là quanh năm ở đó, đó là các lò rèn, thợ may, thợ cắt tóc, hàng nhuộm, sau này có thêm xưởng làm bún và đậu. Những hàng này hoạt động gần như chuyên nghiệp cùng với vài hàng xén, bởi nhu cầu về họ cũng thường xuyên hơn. Người ta có thể đến đó mua cày cuốc, dao kéo, đem vải mộc hay quần áo cũ tới nhúng vào chảo nhuộm; đưa trẻ con đi cắt tóc, lấy ráy tai, hoặc các cô ra đó cắt quần áo mới, và đem gạo ra đổi đậu và bún.

Nếu cần nhắn ai lâu không gặp, nhắn thợ mộc đến chữa đồ, phó cối đến thửa cối, thì người ta cũng có thể ra chợ nhắn lại cho ai đó. Cái chợ cũng là chỗ giao dịch và làm quen tốt.


5.
Trong một ngàn năm phong kiến Việt Nam, chưa bao giờ thương mại được chú trọng, thậm chí còn có chính sách trọng nông ức thương. Trong bốn giai tầng xã hội sĩ - nông - công - thương, thì người buôn bán đứng thứ bét và được gọi là con buôn. Con cái nhà buôn không được đi thi và cũng phải đóng nhiều sưu thuế tạp vụ hơn, đổi lại thì phi thương bất phú, họ khá giàu có so với người nông dân.

Trong cái chợ làng, những người được gọi là con buôn - thương gia - thực ra không nhiều, đặc biệt nếu có, họ không phải là người bản xứ, mà thường từ nơi khác tới.

Những người nông dân trong tổng tiến hành buôn bán với nhau, dưới hình thức trao đổi nhiều hơn là kinh doanh, dù có thể hàng đổi hàng hay hàng đổi tiền. Họ chuẩn bị trước hàng tuần, hàng tháng chút ít hàng hóa - ít vải mộc, ít đồ đan, ít sản vật, ít thóc gạo, ít gia súc đem ra chợ, rồi lại mua cái gì đó mà mình không có. Tiền lãi ra do bán mua kiểu này hầu như không có, tức là bán gạo đi mua gà, hay bán rổ rá mua rau cỏ, bán vải đi mua lưỡi cày. Phải 4 nhà, 8 nhà thậm chí là 16 nhà chung nhau mới mua nổi một con trâu và cùng cày những vụ mùa tới.

Dưới góc độ kinh tế học, thương mại như vậy ở mức độ thô sơ, không đem lại sự tích lũy vốn tư bản nào, ngay cả tầng lớp địa chủ ở nông thôn làm giàu bằng buôn bán đất và cho vay lấy lãi, chứ không phải là tham gia thị trường nào từ những cái chợ.


Chợ sông nước tại Cà Mau, một đặc trưng của Nam Bộ
(Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

6. Nếu như các chợ phiên đồng bằng còn có tính chất mua bán, trao đổi, thì những chợ phiên miền núi lại mang thêm màu sắc du hý. Người ta đến chợ để gặp bạn, kết bạn, chơi chợ, uống rượu cho thật say, cho hết sạch tiền, và hát giao duyên, vì thế mà hình thành những chợ tình, những phiên chợ trai gái đến đó trổ tài đàn hát và trò chơi.

Những chợ phiên miền núi đặc biệt quan trọng trong giao lưu hàng hóa và văn hóa giữa các vùng miền. Người miền núi cần muối, mắm, cá khô, vàng bạc, tranh thờ, chỉ màu. Người miền xuôi cần trâu bò béo, cây củ và lá thuốc, sừng hươu nai, dao phát tốt và thổ cẩm. Không phải sắc tộc nào cũng sản xuất được tất cả, thậm chí có những sắc tộc không có một công nghệ nào, việc mua bán trao đổi ở các chợ phiên miền núi là nhu cầu bức thiết, mà qua đó những quan tâm đến văn hóa hình thành theo cách ai nấy cố gắng giữ bản sắc của mình và học hỏi ít nhiều công nghệ thủ công của sắc tộc khác.

Những chợ phiên ở các vùng giáp ranh, như chợ ở huyện Hữu Lũng, đầu tỉnh Lạng Sơn, tiếp giáp với Bắc Giang, chợ ở huyện Lương Sơn, đầu tỉnh Hòa Bình tiếp giáp với Sơn Tây, Hà Nội… đóng vai trò như một loại chợ đầu mối giữa miền xuôi và miên ngược.

4. Việt Nam là một dân tộc đông dân, sự thống kê dân số do nhà Hán tiến hành ở Giao Chỉ và Cửu Chân cho thấy dân số đã đạt gần một triệu người. Cho đến thế kỷ 11, dân số vẫn xấp xỉ như vậy và tăng dần lên cho đến thế kỷ 18 là chừng 10 triệu người.

Dân số tập trung và khi thoát khỏi tình trạng lệ thuộc tự nhiên, tự có nhu cầu trao đổi, buôn bán. Khi một số vùng sản xuất có tính chuyên canh, chuyên nghề thì đương nhiên cần bán đi những sản phẩm của mình. Thanh Hóa có nhiều mía đường, Nga Sơn có nghề dệt chiếu, Bát Tràng làm gốm và gạch, Nam Định, Hà Đông có vải lụa, Phú Thọ có sơn ta…Không thể lúc nào cần hàng hóa thì đến nơi đó, cho nên sự buôn hàng từ nơi nọ sang nơi kia và ăn chênh lệch giá là cần thiết.

Dần dà, ở trong nước hình thành ba cái chợ lớn là Hà Nội, Phố Hiến và Hội An. Cái đầu là chợ trung tâm có tính phường thợ thủ công, hai cái sau là thương cảng.

Cho đến cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, các chợ trong nước không chỉ làm việc buôn bán nội địa, mà còn manh nha buôn bán với nước ngoài: người phương Tây hay người Nhật, người Hoa.

Phan Cẩm Thượng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo