Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Khi làng quê vắng bóng người

Khi làng quê vắng bóng người

Viết email In

Hôm qua, trên nghị trường Quốc hội, khi bàn về chính sách công cho tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn), một vị đại biểu có ca thán tình trạng một số người dân “chỉ thích được chứng nhận hộ nghèo mà không muốn vươn lên”.

Nhưng nếu nhìn tổng thể bức tranh nông nghiệp-nông thôn, chuyện đó chỉ là cá biệt và vấn đề của nông thôn lớn hơn nhiều, nằm ở chỗ khác.

Một đồng nghiệp mới về quê ở Thái Bình và viết trên blog: “Ở quê bây giờ cái gì cũng đủ. Điện, đường, trường, trạm, nhà cửa khang trang. Chỉ thiếu... người. Nông thôn mới buồn hiu hắt vì vắng tiếng cười tuổi trẻ. Họ lên thành phố lăn vào cuộc mưu sinh bụi bặm, bỏ lại những ông già bà cả với những tiếng ho sù sụ sau lưng. Nông thôn mới để làm gì? Sung túc hơn để làm gì?”.

Mà tình trạng những ngôi làng rỗng đâu chỉ ở Thái Bình. Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… đâu đâu cũng có cảnh đầu làng cuối xóm vắng teo.

Thỉnh thoảng truyền hình chiếu cảnh nông thôn mới bây giờ, ai cũng phải công nhận là đẹp. Đường làng bây giờ đâu đâu cũng lát bê tông, hệ thống thoát nước đâu ra đấy.

Nhưng sự sạch đẹp, khang trang kia đâu có ngăn được xu hướng ly hương. Thanh niên lớn lên, trừ số rất ít vào cao đẳng, đại học, đa số đều tính chuyện lên thành phố làm thuê kiếm tiền.

“Ông chú tôi 5 năm nay lên thành phố làm thuê. Sống chui rúc trong cái nhà trọ tồi tàn tạm bợ, ky cóp từng đồng gửi về quê”, người bạn kể.

“Ở nhà còn bà dì và đứa con. Thằng con vắng cha đâm hư, không học hành, lêu lổng. Ở quê không có việc gì làm, lại lên Hà Nội xin làm bốc vác”.

Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ đeo đẳng biết bao gia đình nông thôn. Hai bố con dành dụm mua được cái tivi gửi về quê, mà có mấy khi ở nhà để xem.

Rồi vài năm, chiếc tivi màn hình lồi lỗi thời, lại cố chắt bóp kiếm tiền đổi cái tivi màn hình phẳng.

Chẳng biết đến khi về già, không còn làm thuê lang bạt được nữa, cái tivi màn hình phẳng kia có còn tốt để ông nông dân ấy quay về “hưởng thụ” nữa hay không.

Đặt thực tế này bên cạnh những bản báo cáo về mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân không ngừng tăng lên qua các năm, mới thấy có gì đó không ổn.

Bởi mấu chốt của vấn đề không hẳn là mức độ đầu tư, mà là thực tế khó có thể phủ nhận: người nông dân chưa hề có điều kiện để an tâm, an cư trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đành rằng, như lời ông nghị nọ, vẫn có những người nông dân “muốn” nhà mình là hộ nghèo, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế đó một phần xuất phát từ chính sách.

Còn nói thẳng ra, ngay cả những người nông dân, người ở nông thôn có mức sống trung bình theo chuẩn của nhà nước thì so với người đô thị, họ vẫn thiệt thòi đủ đường.

Cơ hội tiếp cận cuộc sống văn minh hiện đại, phát triển con người ở nông thôn không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Trong khi người ở nông thôn cũng có nhu cầu vươn lên, cũng đầy đủ quyền mưu cầu hạnh phúc như ai.

Nhưng khi họ chưa an tâm với cuộc sống ngay trên quê hương mình, khi xu hướng ly hương vẫn còn mạnh, khi điện- đường- trường- trạm đầy đủ nhưng chuyện miếng cơm manh áo vẫn còn gian nan với người nông dân thì chưa thể nói đến một nông thôn mới thực sự.

Anh Minh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo