Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Kẹt cứng trong quy hoạch treo

Kẹt cứng trong quy hoạch treo

Viết email In

Theo quy định, dự án đã lập nếu sau 3 năm không thực hiện phải xóa quy hoạch, trả lại tự do cho các hộ dân bị ảnh hưởng thực hiện quyền của mình liên quan đến đất đai, nhà ở. Nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều dự án “treo” hàng chục năm khiến người dân không thể nhúc nhích đi đâu được.  

“Bỏ quên” hàng chục năm

Dự án tại khu C30 (nay thuộc tổ 1, 2, KP.1, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) được công bố vào năm 1980. Theo quy hoạch, khu này làm cơ quan, nhà ở của ngành bưu điện, với tổng diện tích hơn 40 ha. Đến năm 2009, UBND TP ra quyết định quy hoạch 1/2.000 để làm trung tâm thương mại, sản xuất kỹ thuật cao, kinh doanh, dịch vụ chuyên ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Từ đó đến nay không có chuyển biến gì mới.


Do bị quy hoạch treo hơn 30 năm, nên đường vào khu C30 lầy lội, ngập nước mỗi khi trời mưa (Ảnh: Đình Sơn)

Cụ Huỳnh Đức Tấn, năm nay 80 tuổi, 53 tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ KP.1, cho biết đã sống ở đây 32 năm, nhưng do nằm trong vùng quy hoạch treo nên nhà cửa, đường sá, điện nước không được đầu tư khiến "nắng thì bụi, mưa thì lầy". Do không có hệ thống thoát nước, nên mùa mưa nước ngập lên đến tận đầu gối. Sống mòn mỏi nhiều năm trời, nguyện vọng của người dân ở đây chỉ là một tuyên bố chính thức. Nếu quy hoạch thì triển khai ngay, còn không cũng công bố để khôi phục quyền lợi cho người dân.

"Hơn 100 căn nhà tại dãy này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa. Cách đây 3 năm, nền nhà tôi từng bị lún sụp tạo thành một cái hố to tướng, ở rất nguy hiểm nhưng chính quyền không cho nâng cấp" - Ông Lý Minh Đức, chủ nhà 141C/1 Trần Bình Trọng, P.1, Q.10, TPHCM

Tại Q.Gò Vấp, gần 500 hộ dân ở khu vực ấp Doi, P.15 cũng đã bị “bỏ quên” hơn 30 năm nay bởi quy hoạch treo. Ông Trần Công Sơn, tổ trưởng tổ 61, nói rằng người dân sống ở vùng dự án treo như sống trong địa ngục, bởi nhà chỉ được sửa chữa tạm, nước không có phải khoan giếng nhưng bị nhiễm phèn. Nhà nào không có hộ khẩu hay KT3 thì câu nhờ điện với giá 3.000 đồng 1 số điện. Có những nhà vì xây dựng quá lâu, nên nền nhà đã nằm dưới mặt đường cả mét. Theo lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp, khu vực này được quy hoạch từ 1995 làm công viên. Nhưng sau đó dự án được điều chỉnh, một phần làm công viên, một phần làm khu đô thị kiểu mẫu. Chính quyền có chủ trương dành phần đất này đổi làm con đường Dương Quảng Hàm, với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa tìm được nhà đầu tư. Nhiều khả năng dự án tại ấp Doi sẽ được xem xét đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020 nếu phù hợp. Như vậy là tiếp tục “treo” nữa.

Tài sản “bị niêm phong” 

Khu tái định cư 38 ha (KP.4, P.Tân Thới Nhất, Q.12) được quy hoạch từ năm 2002 để tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi một số dự án do Công ty Công trình giao thông công chánh TP.HCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do không có năng lực nên dự án đã chuyển về cho Ban quản lý dự án Q.12.

Hàng ngàn gia đình sống lay lắt

Trước đây khu vực đường Phú Định, P.16, Q.8, là vùng trũng nên chỉ làm ao nuôi cá, ít có ai ở. Sau khi triển khai dự án cải tạo kênh Lò Gốm và xây dựng Đại lộ Đông Tây trên địa bàn Q.6 thì hàng ngàn hộ dân, chủ yếu là dân nghèo chạy về đây mua đất an cư. Nhưng hiện khoảng 2.000 hộ dân tại khu vực này phải sống lay lắt bởi vướng quy hoạch công viên cây xanh từ thập niên 90 của thế kỷ trước và hiện một phần được đổi quy hoạch làm nhà cao tầng.

Tiếp xúc với phóng viên, người dân cho biết từng có vài nhà đầu tư đến khảo sát, họp dân, nhưng đã tháo chạy vì số lượng nhà phải giải tỏa quá lớn, chi phí quá cao. Rất nhiều lần bà con kiến nghị cấp số nhà tạm để họ chuyển hộ khẩu từ nơi đã bị giải tỏa về, nhưng không được. Điều này khiến họ phải sống bất hợp pháp vì không hộ khẩu. Cuộc sống tạm bợ sẽ phát sinh nhiều tệ nạn tại khu vực này, nhất là các đối tượng xấu trà trộn vào khá nhiều, rồi cờ bạc, số đề, đá gà...

Điều khiến 740 hộ dân, trong đó có 719 hộ bị giải tỏa trắng để nhường đất cho dự án bức xúc là đến nay, sau 10 năm dự án vẫn án binh bất động, để đất hoang trong khi người dân bị mất đất phải sống lay lắt trong những căn nhà ở trọ. Cũng vì quy hoạch treo nhiều năm, đất bỏ hoang nên nơi đây đã trở thành bãi tập kết rác, phế liệu… cho các doanh nghiệp may mặc, xây dựng. Anh Dương Võ Minh Mẫn, có nhà nằm trong dự án treo này bức xúc, gia đình anh cùng một số hộ dân còn sót lại đến giờ vẫn chưa được đền bù, song chính quyền vẫn không cho xây dựng, nâng cấp nhà mới. Một trở ngại khác là không có nước sạch sử dụng, phải dùng nước giếng khoan nhiễm phèn. Khoảng 5 năm nay, anh Mẫn xin “tách sổ” nhưng không được giải quyết, với lý do là dự án đang quy hoạch. Việc mua bán, sang nhượng cũng bị… đóng băng. “Bây giờ kinh tế khó khăn, muốn bán lấy tiền kinh doanh cũng không được. Xây nhà trọ tạm để cho thuê cũng không cho. Tài sản của người dân gần như bị niêm phong, rất khốn khổ”, anh Mẫn trình bày.

Tại Q.8, toàn bộ đường Phạm Thế Hiển, phía giáp với sông Kênh Đôi bị quy hoạch làm hành lang bảo vệ kênh và công viên cây xanh từ năm 1997, treo dài cho đến nay nên khi người dân xin phép xây dựng thì bị hạn chế. Không những thế, do dính quy hoạch nên nhà đất của người dân không buôn bán được, nếu có người mua cũng bị mất giá khoảng 30%.

Tại khu vực đường Trần Bình Trọng, đoạn thuộc P.1, Q.10, hiện có hàng trăm hộ dân bị quy hoạch treo đã gần 10 năm. Ông Lý Minh Đức, chủ nhà 141C/1 Trần Bình Trọng, bức xúc: “Hơn 100 căn nhà tại dãy này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa. Cách đây 3 năm, nền nhà tôi từng bị lún sụp tạo thành một cái hố to tướng, ở rất nguy hiểm nhưng chính quyền không cho nâng cấp”.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND Q.10, khu vực này thuộc dự án quy hoạch khu dân cư nhà cao tầng, công viên, trường học. Tuy nhiên, gần 10 năm nay vẫn chưa thực hiện được, do không có nhà đầu tư.

Bên “thiên đàng”, bên “địa ngục” 

Năm 2002, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi khoảng 15 ha đất tại KP.5, P.Tân Hưng, Q.7 để giao cho Cảng sông thành phố thuê làm bến sông Rạch Ông Lớn. Tuy nhiên, do dự án kéo dài không triển khai, nên năm 2007, UBND thành phố đã ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất.


KP5, P.Tân Hưng, Q.7 với nhà cửa lụp xụp, phía xa là dự án Him Lam - Kênh Tẻ
(Ảnh: Đình Sơn)

Chưa kịp mừng vì quy hoạch treo được xóa, khoảng 1.800 hộ dân nơi đây đã càng thất vọng hơn vì quyền lợi của họ vẫn chưa được khôi phục. Họ vẫn không được xây dựng nhà mới, chỉ được sửa chữa nhỏ trên nền nhà cũ; không được chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà đất. Ngay cả nhu cầu bức thiết là nước sạch cũng không được cấp. Năm 2009 và liên tiếp những năm sau đó, bác Nguyễn Anh Kiệt và một số hộ dân tại đây liên hệ Công ty cấp nước Nhà Bè để xin kéo nước sạch về dùng nhưng bị từ chối. Tháng 8.2011, công ty hướng dẫn người dân có thể đóng tiền khoảng 3 triệu đồng/hộ để kéo đường ống nước, nhưng sau đó việc này cũng bị dừng. Chỉ tay sang dự án Him Lam - Kênh Tẻ cạnh bên, bà Mã Thị Ty, tổ trưởng tổ dân phố 33, KP.5, P.Tân Hưng, nói: “Trong khi đường sau nhà tôi người ta xây cất nhà cửa khang trang, cao tầng, còn nhà chúng tôi thì lụp xụp, chui vào nhà đụng cả lên nóc, nước ngập, đường lầy lội, bụi, thật quá bất công”. Có người dân ở đây ví von dù ở sát bên nhau, nhưng một bên là thiên đàng, còn một bên là địa ngục.

Mất nửa giá trị

Những người dân sống ven Công viên Đầm Sen (P.3, Q.11) cũng rơi vào cảnh tương tự khi dự án mở rộng Công viên Đầm Sen đã bỏ từ lâu, nhưng trên giấy tờ nhà vẫn tồn tại dòng chữ “đất nằm trong quy hoạch”. Chỉ một câu như vậy thôi mà giá nhà đất của người dân bị giảm một nửa, bán không được, xin phép xây sửa nhà cũng trần ai.

Dẫn chúng tôi đi một vòng những căn nhà lụp xụp, một người dân ở đây ngao ngán nói có những gia đình khó khăn, muốn bán nhà để có một khoản tiền trang trải nợ nần, làm ăn, nhưng vì dính dòng chữ trên đã khiến nhà đất của họ “bỗng dưng” giảm một nửa. Việc buôn bán tài sản của người dân là chính đáng, là quyền của họ, nhưng việc làm tắc trách, cứng nhắc của chính quyền đã đẩy người dân hết từ khó khăn này đến khó khăn khác. Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND Q.11 để trao đổi về vấn đề này nhưng bị từ chối với lý do lãnh đạo quận bận họp.

Dân tiếp tục phải... đợi

Ông Nguyễn Văn Thủ, Phó chủ tịch UBND Q.7, cho biết mặc dù quy hoạch dự án mở rộng cảng Bến Nghé đã xóa, nhưng hiện nay quận đang làm quy hoạch chung cho khu vực này làm khu phức hợp nhà ở, công trình công cộng... Phải đợi khi nào có quy hoạch 1/2000 mới có thể giải quyết các nhu cầu của người dân về nhà đất. Hiện thành phố yêu cầu quận tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khu đất nhưng do kinh tế khó khăn, nên chưa có nhà đầu tư nào vào. Đối với khu vực cảng sông Ông Lớn, mặc dù đã bỏ quy hoạch, nhưng hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu làm quy hoạch hỗn hợp bệnh viện, công viên cây xanh... nên người dân chưa thể hợp thức hóa nhà đất. Do quy hoạch nên công ty cấp nước không đầu tư, quận và phường phải vận động người dân đóng góp kéo ống nước vào. Tuy nhiên người dân không có khả năng đóng góp đủ kinh phí nên quận đang làm văn bản kiến nghị công ty cấp nước đầu tư kéo ống nước.

Tại khu vực đường Bến Nghé, P.Tân Thuận Đông, Q.7, từ năm 2000 đến nay gần 400 hộ phải chịu khốn khổ bởi dự án quy hoạch treo làm cảng Bến Nghé mở rộng. Những con đường nội bộ khu dân cư lõm xuống cả mét so với mặt đường nhựa bên ngoài, khiến sau mỗi cơn mưa, con đường lại biến thành sông. Do dự án kéo dài quá lâu mà không thực hiện, nên đến tháng 4.2010, Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo ngưng thực hiện dự án và sau đó 1 năm, UBND TP mới ra quyết định ngưng thực hiện dự án. Vậy mà những phiền toái từ “hậu” xóa quy hoạch vẫn đeo đẳng người dân, khi mà UBND TP tiếp tục yêu cầu quận nghiên cứu lập quy hoạch 1/2000 cho khu vực này. Vậy là người dân lại phải chờ cho đến khi xong quy hoạch 1/2000 mới có thể biết quy hoạch mới ở đây là gì... Bức xúc lớn nhất của người dân ở đây là trên giấy tờ nhà vẫn để câu “đất nằm trong quy hoạch cảng” nên việc buôn bán, sang nhượng gặp rất nhiều khó khăn. “Trong khi giá nhà đất của những căn nhà kế bên vùng quy hoạch này đang giao dịch khoảng 40 triệu đồng/m2 thì chúng tôi chỉ có thể bán với giá hơn 20 triệu đồng/m2. Quyền lợi chính đáng của người dân vô tình đã bị xâm hại chỉ bởi một dòng chữ ghi trên sổ đỏ”, anh Hoàng, một người dân ở đây, cho hay.

Theo Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Nguyễn Trường Lưu, trong quá trình làm quy hoạch, cần phải ứng xử sao để người dân không bị thiệt thòi, được sống đúng với chất lượng cuộc sống, được hưởng quyền lợi như mọi người. Thực tế hiện nay là người dân sống trong các dự án treo thì quyền lợi bị xâm phạm, ở đâu dự án treo là ở đó người dân nghèo nàn, xơ xác. Khi làm một dự án, chủ đầu tư phải lập kế hoạch triển khai dự án, chuẩn bị tiền, nhân lực, thời gian trước, sau đó mới đi xin dự án, làm quy hoạch. Tuy nhiên, có nhiều nơi làm quy hoạch trước, mới làm kế hoạch đầu tư sau. Nên khi kế hoạch bị bể, không vay được tiền, dẫn đến quy hoạch treo. Do đó, cần phải có một chế tài như thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, xóa quy hoạch treo.

Đình Sơn - Nguyễn Đình Mười


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo