Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Các chiêu phù phép đất nông nghiệp làm quà biếu

Các chiêu phù phép đất nông nghiệp làm quà biếu

Viết email In

Những miếng đất dành để biếu, tặng quan chức được phù phép với giá rẻ không tưởng, xung quanh đó là các câu chuyện về thủ thuật hợp pháp hóa số tài sản này.

Thời gian gần đây, trên các báo đăng tải thông tin con trai một bí thư tỉnh ủy xây "phủ đệ" với khu vườn thượng uyển được cho là "hàng trăm tỷ đồng". Thực hư sự việc còn chưa được sáng tỏ, nhưng không ít người nghi ngờ về nguồn gốc khoản tiền này bởi trong khi lương công chức thì thấp nhưng con vị bí thư này lại sở hữu khối tài sản quá lớn là nghịch lý mà ai cũng nhìn thấy. Trong số đó, có ý kiến còn cho rằng, phủ này được xây dựng cùng thời điểm với một dự án nào đó đang được triển khai tại tỉnh.

Có hàng loạt những câu chuyện kể về việc "đi đêm" trong giới doanh nghiệp với những người có tiếng nói quyết định trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhất là dự án bất động sản.

  • Ảnh bên: Khi đất nông nghiệp trở thành dự án bất động sản, giá của nó sẽ nằm ở... trên trời (Ảnh minh họa)

5-20% tổng dự án là dùng để "đi đêm"

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án đứng trước nguy cơ phá sản, việc chạy dự án của chuyên viên pháp lý càng trở nên gian truân. Giám đốc một công ty bất động sản tại quận 7, TP.HCM, cho biết, để chạy thủ tục một dự án tốn nhiều thời gian, công sức và tài chính, thậm chí có những dự án theo đuổi cả chục năm trời. Trong tất cả các bảng báo cáo tài chính dự án đầu tư của các công ty bất động sản này, chi phí cho "việc đi đêm" gọi là "chi pháp lý" khoảng từ 5-10% tại TP. HCM, 15-20% tại Hà Nội trên tổng kinh phí đầu tư dự án.

Ví dụ, tổng giá trị đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng thì chi phí cho thủ tục "xin xỏ" là từ 5-20%, tức là 50-200 tỷ đồng, tùy theo "luật" vùng miền. Điều quan trọng là chuyển khoản tiền này như thế nào cho hợp lý với bản cân đối kế toán dự án và hợp pháp với khối tài sản của người được nhận. Người thực hiện nhiệm vụ này không ai khác chính là chuyên viên pháp lý dự án hay người ta hay gọi là "cò" chạy pháp lý dự án.

Theo anh P., một người có "thâm niên" trong việc "đi đêm" các dự án này cho biết: tiền sẽ được rải trong quá trình thực hiện pháp lý dự án, từ duyệt quy hoạch kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư, họp liên ngành, họp định giá tiền sử dụng đất, quyết định giao đất; đến duyệt 1/500, giấy phép xây dựng... những khoản tiền lặt vặt này cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

"Làm phép" để biến đất hoang, đất nông nghiệp thành dinh thự

Tuy nhiên những khoản chi nói trên mới chỉ là chi phụ, còn khoản tiền chính chi cho các nhân vật có khả năng tác động vào dự án là nhà biệt thự cho con em của họ. Dự án đang được triển khai thì đồng thời, ở đâu đó, người ta cũng phải triển khai xây biệt thự hạng sang cho con em người nhận vài cái là chuyện bình thường, anh P. khẳng định.

Câu chuyện về dinh thự của con trai bí thư tỉnh Hải Dương vẫn còn đang đợi thanh tra nhưng trở lại với vấn đề "chạy dự án bằng đất biếu", theo anh P., chuyên viên pháp lý dự án, việc "đi đêm" bằng nhà đất cho nhân vật quan trọng hoặc con em của họ là chuyện phải có trong thực hiện dự án. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nếu không có những khoản chi này thì chắc chắn không có dự án nào cả", chuyên viên này khẳng định.

Việc hợp thức hóa số tài sản "đi đêm", theo chuyên viên pháp lý trên cũng nhiều thủ thuật khác nhau như: bán nhà giá rẻ cho người thân của nhân vật then chốt, trích tiền chiết khấu... Một trong những chiêu phải nói đến là thủ thuật nhận tiền bồi thường từ giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư.

Trong dự án đầu tư, thông thường quá trình giải phóng mặt bằng có hai loại đất. Thứ nhất là đất thuộc quyền sử dụng của người dân, loại này doanh nghiệp buộc phải thỏa thuận với người dân về khoản tiền bồi thường theo Đề án bồi thường giải phóng mặt bằng đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Thứ hai, là đất hoang hóa, kênh rạch ... đây là phần đất không phải tiến hành bồi thường giải tỏa mặt bằng.

Để hợp thức hóa tài sản "đi đêm" này, nhiều doanh nghiệp cũng dựa trên phần đất này. Doanh nghiệp "phù phép" cho người thân của người quan trọng đứng tên trên loại đất này nhận tiền bồi thường hoặc nhận nhà. Như vậy, doanh nghiệp cũng có lợi, vì khoản tiền này được khấu trừ theo đề án được phê duyệt khi thực đóng tiền sử dụng đất. Tài sản của người được nhận cũng có nguồn gốc rõ ràng minh bạch, một chuyên viên chuyên giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng cho biết.

Việc "đi đêm" để có một giá tiền sử dụng đất theo giá thị trường "thấp" là phải có. Doanh nghiệp chỉ cần được giảm vài đơn vị trên giá đóng tiền sử dụng đất tính theo m2 là đã thu được một khoản lớn. Một giám đốc công ty bất động sản khẳng định như "đinh đóng cột": "Thế giới bất động sản không doanh nghiệp nào là không thực hiện "nghiệp vụ" chạy giá này. Doanh nghiệp chạy từ khâu thẩm định giá, đến nộp hồ sơ xác định giá, họp liên ngành thẩm định giá...đều được bàn tay của chuyên viên pháp lý dự án sắp đặt với những khoản tiền lên đến chục tỷ".

"Nếu cứ thẳng thừng đóng theo giá thị trường được thẩm định tại vị trí thực hiện dự án thì công ty bất động sản có mà... ăn cám. Cái này có lợi cả hai bên thôi, dân trong ngành gọi là "doanh nghiệp biết điều"", vị giám đốc công ty bất động sản ở TP.HCM nói.

Đ.S (Infonet) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo