Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Khát vọng của thành phố trẻ Đà Nẵng

Khát vọng của thành phố trẻ Đà Nẵng

Viết email In

37 năm sau ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2012), từ quan chức thành phố đến người dân không ai còn thói quen nhắc đến cụm từ “Do hậu quả chiến tranh...” nữa. Mới đây, trong bài nói chuyện với hơn 400 cán bộ thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, nói: “Dư luận cả nước hay nhắc đến Đà Nẵng, bởi thành phố này có khát vọng chứ không phải tham vọng”. Chính khát vọng đã thúc đẩy con người nơi đây luôn đi tìm giá trị mới của cuộc sống.

Du khách xa gần đến Đà Nẵng đều rất ngưỡng mộ những gì Đà Nẵng đạt được qua phong trào “Thành phố năm không”, gồm không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người.

Sau đó tiếp đến là phong trào “Thành phố ba có” với những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người dân là “có văn hóa văn minh đô thị, có nhà ở và có việc làm”.

Những mục tiêu này phải hiểu theo nghĩa rộng là chính quyền thành phố tạo hành lang pháp lý, khơi dậy các nguồn lực đầu tư để làm cho môi trường sống của người có chất lượng hơn, ai cũng có việc làm và tăng thu nhập.

Chúng ta không thiếu những cuộc phát động thi đua, nhưng chỉ đánh trống bỏ dùi, kết quả không thực chất, người dân cảm thấy mình không được dự phần vào những thay đổi đó.

Khi đến Đà Nẵng, du khách rất ngạc nhiên khi các “bác tài” xe thồ, xe xích lô, xe taxi luôn nhiệt tình ca ngợi quê hương của mình. Đơn giản là họ yêu quê hương từ những giá trị thực mà thành phố đã và đang hướng đến.

Phong trào “Năm không - Ba có” đó nay đã hiển hiện trong thực tế, đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống nơi này.

Mỗi lần dẫn khách tham quan, tôi thấy thành phố luôn thay đổi, đại lộ ven biển đẹp, khu vui chơi thương mại sầm uất, nhiều nhà cao tầng, những khu dân cư khang trang và hàng loạt đô thị vệ tinh mọc lên như là bằng chứng về sự hiện đại của đô thị Đà Nẵng.

Hoặc với hình ảnh lộng lẫy của lễ hội pháo hoa hằng năm, khi bầu trời thành phố sáng rực bởi pháo hoa nghệ thuật, thì hình ảnh sang trọng đó cũng là dấu hiệu của sự phát triển kinh tế vượt bậc.

Một ví dụ khác, ở tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trong thành phố, người ra vào đều được gửi xe miễn phí. Ngân sách thành phố sẽ chi trả khoản này.

Với 2.000 đồng/lượt gửi xe máy miễn phí thì có gì phải nói, nhưng với người nghèo thì khác, có người nhà nằm viện ngày ra vào hàng chục lượt, một tháng tiền gửi xe cũng là một khoản không nhỏ.

Với người nghèo bị suy thận, hằng tuần đôi ba lượt phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, họ lấy tiền đâu mà chữa bệnh. Cảm thông khó khăn đó của người dân, từ tháng 6/2011, thành phố đã cấp ngân sách cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mua mười chiếc máy chạy thận, và người nghèo sẽ được chữa trị miễn phí 100% hóa đơn.

Có ai đếm được niềm vui của người bệnh được cứu tính mạng từ một chính sách xã hội nhân bản như thế. Một việc khác cũng chưa từng có tiền lệ, đó là xây dựng bệnh viện chữa bệnh ung thư và bệnh viện dành cho phụ nữ.

Không có ngân sách nhà nước, lãnh đạo thành phố đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp xây dựng. Bệnh viện phụ nữ ở Đà Nẵng là nơi khám chữa bệnh đầu tiên trên cả nước chỉ dành cho phụ nữ và chị em bị ung thư sẽ được chữa trị miễn phí.

Một chuyện khác cũng vào loại “duy nhất có ở Đà Nẵng” là kể từ năm 2012, người trên 80 tuổi không có lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng.

Với bờ biển đẹp ở Đà Nẵng, nơi giá trị bất động sản du lịch là kênh đầu tư hấp dẫn cả nước, bên cạnh khách sạn 4-5 sao, những casino, biệt thự san sát là các bãi tắm công cộng đầu tư đẹp, có giá trọn gói giữ xe, tắm nước ngọt được tính 3.000 đồng/xe máy, không tính theo đầu người.

Đó chắc chắn là cái giá rẻ nhất thế giới ở các bãi tắm đẹp. Bãi tắm công ở đây có vị trí thuận lợi giao thông với trung tâm thành phố, có công viên, bãi cát đẹp được vệ sinh theo chuẩn quốc tế và có phục vụ âm nhạc. Còn vô vàn những ví dụ đang làm thay đổi tốt đẹp cuộc sống nơi này.

Đồng tiền đóng thuế của doanh nghiệp, của người dân đã được dành phần lớn đầu tư vào phát triển hạ tầng, giáo dục, nhưng đường đi của tiền thuế cũng thật sinh động khi được lãnh đạo thành phố đầu tư thêm vào an sinh xã hội đặc biệt như vậy.

Đà Nẵng luôn tạo ra tranh cãi. Như sự tranh luận giữa các nhà hành pháp và tư pháp về chuyện Đà Nẵng cấm người lang thang xin ăn, đến chuyện không nhận người có bằng đại học tại chức vào làm việc trong bộ máy hành chính công.

Mới đây, cả nước lại rộ lên soi xét việc chính quyền thành phố này từ chối người nhập cư không có việc làm và nhà ở đăng ký thường trú là đúng hay sai. Cách đây một vài ngày, ông Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với 200 cán bộ cảnh sát giao thông để cùng tìm ra giải pháp làm trong sạch đội ngũ này.

Quân bài ngửa ông Thanh đưa ra là sẽ cấp thêm cho mỗi cảnh sát giao thông gác đường mỗi tháng 5 triệu đồng phụ cấp. Đổi lại, họ phải ký cam kết không nhận hối lộ, ai vi phạm sẽ bị đuổi khỏi ngành!

Người ta gọi món tiền này là “phụ cấp dưỡng liêm”, phương thuốc chống bệnh “mãi lộ”. Về lý thuyết, làm cảnh sát giao thông đương nhiên phải có đạo đức, liêm khiết, tại sao thành phố lại lấy tiền thuế dân để “dưỡng liêm” cho họ. Nhưng lý thuyết này không có đáp số đúng trong thực tế.

Căn bệnh mãi lộ dẫn đến hậu quả Luật Giao thông đường bộ bị thả lỏng, các vi phạm được nhắm mắt cho qua để đổi món tiền hối lộ, và nếu vị nào bị phát hiện ăn hối lộ thì cũng chỉ kiểm điểm, hạ cấp bậc chứ không đến nỗi mất việc.

Ông Thanh luôn nhắc nhở cán bộ dưới quyền, không có bộ luật nào bao quát được tất cả cuộc sống luôn biến thiên, đôi khi phải mạnh dạn điều chỉnh luật tùy theo thời cuộc, cần phải có “thuốc đặc trị”. Có thể vì luật không theo kịp thực tế mà một vài quyết định đơn phương từ thành phố Đà Nẵng liên quan đến dân sinh mang màu sắc vi hiến.

Tuy nhiên, khi chính sách đi vào thực tế, hầu hết đều tỏ ra là phương thuốc công hiệu. Không nhận người tốt nghiệp “tại chức”, bộ máy nâng được chất lượng dịch vụ công.

Không cho đăng ký thường trú thật ra chỉ là tạm ngăn nhập cư vào các phường trung tâm thành phố đang quá tải về giao thông, y tế, giáo dục. Các đô thị vệ tinh ngoại ô vẫn cho nhập cư bình thường với điều kiện phải có nhà ở, việc làm.

Nếu không có giải pháp “dưỡng liêm” thì bao giờ lực lượng cảnh sát giao thông thật sự trong sạch. Lập một quỹ vay vốn làm ăn dành cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo đã làm giảm tỉ lệ người tái phạm.

Một quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình để những người này có thể vươn lên làm chủ hoàn cảnh. Những điều đang diễn ra ở Đà Nẵng luôn là một thực tế sống động, được xem xét đa chiều và một quyết định đảm bảo tính thực tiễn cao về kết quả...

Bích Hồng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo