Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Cắt nghĩa Hội An

Cắt nghĩa Hội An

Viết email In

Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm nay vừa quyết định trao cho một người không có bất cứ một công trình nghiên cứu nào về văn hóa hay giáo dục, nhưng Hội An đương đại, “tác phẩm” của ông, được đánh giá là “quá đẹp, quá xứng đáng để trao giải”. TT&VH Cuối tuần xin trích đăng diễn từ nhận giải của ông, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, một cắt nghĩa bình dị và sâu sắc về một “tác phẩm văn hóa” độc đáo mang tên Hội An.

Hội An là tác phẩm thật đẹp, song làm sao tôi lại dám coi tác phẩm ấy là của riêng mình. Đấy là thành tựu của hàng triệu con người, nhiều thế hệ, ít ra là từ hơn bốn, năm trăm năm nay, từ khi Hội An là thương cảng mở đầu tiên của Đàng Trong để giao tiếp với toàn thế giới rộng lớn, để người Việt thực nghiệm cuộc “toàn cầu hóa” đầu tiên của mình. Và lịch sử đã chứng minh, ở Hội An cuộc “toàn cầu hóa” ấy đã thành công, cho đến bây giờ. 


Hội An
 (Ảnh: Dương Minh Long) 

Một đứa con bình thường của Hội An, tôi thường suy nghĩ về vẻ đẹp đó, đầy tự hào mà cũng đầy ưu tư. Tôi cũng thường nghĩ tại sao hiện tượng Hội An trông chừng rõ ràng vậy, mà lại cũng khó cắt nghĩa đến thế. Chắc vì nó là văn hóa, văn hóa của con người. Mà có lẽ không có gì khó cắt nghĩa hơn là văn hóa. 

Hình như Hội An có điểm này rất giống với văn hóa: có thể kể về nó rất nhiều, đến bất tận, nhưng nói một điều gì để bao quát hết được về nó thì hầu như không bao giờ làm được. Nó vừa là những cái đó vừa là một cái gì đó khác, hình như sẽ rất giản dị nếu ta nói ra được, nhưng cũng thật khó thốt cho nên lời. Vậy nên hôm nay xin cho phép tôi kể một câu chuyện nhỏ rất bình thường ở Hội An. 

Một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Hội An là món chè đậu ván của hai chị em nghèo, chỉ bán về đêm, khoảng từ chín, mười giờ, cho đến đúng khuya. Chè đậu ván của hai bà đặc sắc ở chỗ nước thì trong veo không chút gợn mà ngọt thanh và dịu, còn các hạt đậu thì mịn bân mà lại còn nguyên, không hề vỡ, thậm chí một vết rạn nứt nhỏ cũng không. Bỏ vào miệng cứ thế mà tan ra lúc nào không hay nên tưởng cứ còn đọng mãi trên lưỡi… Bí quyết của món chè này, theo tôi được biết, là ở cách pha nước đường. Hai bà dùng loại đường bát vốn quen thuộc ở các làng quê xứ Quảng, nước mật trong chảo còn ở trạng thái thô nhất, chưa lọc chút tạp chất nào, chín tới độ nhất định thì được đổ ra những cái bát cũng thô như vậy, để cho nguội đi, đặc quánh lại, có màu đen xỉn, hai bát đường úp vào nhau, quấn rơm và đem bán ở chợ. Loại đường quê mùa nhất, thô sơ nhất, nghèo hèn nhất, bình dân nhất, đứng ở bét bảng xếp hạng của “họ nhà đường”. Đường ấy pha với đường phèn, loại đường đứng chót vót đầu bảng, là “kim cương” của đường, là đường “vua”, quý phái, vương giả. Chính sự pha trộn bất ngờ, tài tình và mầu nhiệm, mà cũng giản dị ấy của hai bà đã tạo nên bí quyết của chè đậu ván kỳ diệu. Tất nhiên hai chị em bà bán chè vô danh những đêm khuya phố Hội không hề nói, thậm chí chắc cũng không hề biết đến từ “bí quyết”, càng không nghĩ về triết lý chè của mình. Quả thật ở đây có một triết lý sâu xa, đã thấm đâu đó trong máu của hai bà, của mỗi con người Hội An. Tôi cho triết lý cơ bản, hay là bản lĩnh chủ yếu của Hội An là vậy, đã giúp thành phố này trải bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt và hỗn tạp hôm nay của kinh tế thị trường đang hoang dã, vẫn vừa đi được cùng thiên hạ, không đến nỗi tụt ở những hàng sau, và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng. Đó là bản lĩnh kết hợp được, nhẹ nhàng như không, những đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất, để làm ra cái kỳ diệu bình thường hay cái bình thường kỳ diệu. 

Người Hội An buôn bán năng nổ, nhà nghiên cứu Li Tana nói: “Cách đây bốn thế kỷ, người dân Hội An đã sống chủ yếu bằng dịch vụ. Họ bặt thiệp và sành sỏi. Nhưng họ cũng thong dong, biết và thích sống chậm, lại thật thà (lại một kết hợp đối nghịch nữa: sành sỏi với thật thà). Họ muốn giữ cho thành phố của mình yên tĩnh mà năng động”. Ở đây nữa cũng lại có sự kết hợp tự nhiên giữa hai mặt như rất đối lập mà người Hội An biết hóa giải thành công: họ muốn có một không gian sống thư thái, an bình, đồng thời cũng lại biết trong thế giới quá rối động ngày nay, một không gian như vậy chính là sản phẩm hay nhất, có giá trị cao nhất, họ có thể bán cho khách du lịch bốn phương. Không có mâu thuẫn, xung khắc nào. 

Xin nói thêm một hóa giải khác, về chuyện nhập cư. Nói cho đúng, suốt lịch sử Hội An là lịch sử nhập cư. Người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha, rồi người Pháp… Có người đến rồi đi, nhiều người ở lại. Đều “Hội An hóa” cả, để thành người Việt - Hội An hôm nay. Người ta vẫn nói Hội An có một sức đồng hóa rất mạnh. Nhưng mà… ai “hóa” ai? Chẳng ai cả, người ta “hóa” lẫn nhau. Theo nghĩa nào đó ở đây là một “hiệp chúng quốc” vừa rất chung vừa rất riêng, do tất cả những người tứ chiếng ấy tạo nên. Điều đó ngày nay vẫn đang tiếp tục. Nhiều ông bà “Tây đầm” đang đến, ở lại Hội An, và chẳng bao lâu, “Hội An hóa”. Con cháu những người tứ chiếng từng tạo nên tính cách và bản lĩnh của Hội An hôm nay đang “Hội An hóa” các ông tây bà đầm mới. Hội An không sợ cái lạ, mà cũng không vồ vập với cái lạ. Bình tĩnh và tự tin, do tự tin. Tự tin ở bản lĩnh hóa giải từ tốn mà hiệu quả của mình. 

Chắc chắn sẽ sai sót không nhỏ nếu không nói rằng Hội An là bộ phận máu thịt của Quảng Nam, là cửa ngõ nơi Quảng Nam hội tụ gần như toàn bộ sức mạnh và bản lĩnh của mình cho thế mở cửa trong cuộc “toàn cầu hóa”. Quảng Nam hay cãi, người Hội An cũng không tránh được cái thói ấy. Chắc cũng không khó hiểu: cách đây mấy thế kỷ, chính những người quyết từ bỏ một chế độ phong kiến đã thối rữa ở phía bắc, cãi lại cái xã hội không còn sống được nữa, đã rong ruổi vào đây, để cùng nhau mở mang xứ đất được đặt tên rất hay là Quảng Nam, mở rộng về phương Nam, cho một cuộc sống và một cách sống mới, của mình và của dân tộc. Hội An là con của xứ Quảng, có lẽ chỉ khác cha mẹ một nét nhỏ, cái thói hay cãi bướng bỉnh mà cần thiết, mà ngày nay ta gọi một cách hàn lâm là phản biện ấy, nó biết thể hiện nhỏ nhẹ hơn đôi chút, duyên dáng và đẹp hơn, nên cũng thường thuyết phục hơn. Nó biết pha đường phèn với đường bát đen. Nó coi trọng cái sang. Và cái đẹp. Quan trọng là phải đẹp. Và nó lấy sự tri túc để giữ bền vững cho cái đẹp. Nhất là trong vòng quay xô bồ của cuộc sống hôm nay mà nó cũng không thể đứng ngoài. Trong thời gian phát triển vừa qua và hiện nay, chúng tôi chủ trương và nhân dân Hội An thường nhắc chúng tôi phải dằn ước muốn tăng GDP để tránh đỗ về. Tôi nghe ở một nước nào đó, thật hay, người ta tính GDP hạnh phúc. Cũng là một bài toán nữa mà Hội An phải hóa giải: giữa tăng trưởng đồng tiền và tăng trưởng hạnh phúc. Tôi nghĩ, Hội An có thể hóa giải được. 

Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An (ảnh bên) 

Giải thưởng Phan Chu Trinh 2012: ông Nguyễn Sự - giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục; Nguyễn Văn Khoa - giải Dịch thuật (tác phẩm Đối thoại Socratic 1 của Plato); ông Trần Văn Khê (âm nhạc) và Nguyễn Thạch Giang (văn học Hán Nôm) - giải Nghiên cứu. Giải Việt Nam học được trao cho ông Alain Ruscio, nhà sử học, tiến sĩ văn học, nhà nghiên cứu người Pháp và Pavel Vladimirovich Pozner, chuyên gia về Việt Nam học người Nga. 



Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo