Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Vỉa hè là của nhân dân...

Vỉa hè là của nhân dân...

Viết email In

Cách đây chừng ba thập niên, câu này dân thành phố không mấy ai không biết. Nó nằm trong một bài vè bốn câu cũ kỹ, một thứ văn học truyền khẩu, đã thất truyền từ sau khi thời bao cấp bị xóa bỏ, hai câu đầu: Tôn Đản là của vua quan/ Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần… sai từ lâu rồi, chỉ còn câu cuối, Vỉa hè là của nhân dân anh hùng, thì vẫn tồn tại, và dường như vẫn đúng, cho đến giờ!


(Ảnh: Quang Phùng)

Vỉa hè là của nhân dân. Dù chật chội đến mấy vỉa hè vẫn là nơi cưu mang không biết bao nhiêu kiếp người lăn lóc nơi đô thị. Lịch sử vỉa hè và những nơi vỉa hè mang tính lịch sử đều có ngàn vạn câu chuyện bám vỉa hè để sống, kể không bao giờ hết. Một mét dài mặt tiền phố cổ là cơ sở để nuôi cả một gia đình, chuyện đó từ xa xưa không có gì đáng ngạc nhiên. Những mảnh vỉa hè nhỏ trên Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Buồm, Hàng Mã…, chỉ đủ chỗ kê một ghế gỗ con con và bày một cái mẹt nhỏ với dăm ba gói thuốc, dăm ba đôi bít tất hoặc dăm ba đồ hàng xén lặt vặt, một phụ nữ biết buôn bán cũng kiếm được đủ tiền cho con cái ăn học đàng hoàng, gia đình sung túc hơn cả có tem phiếu mức trên trung bình.

Đấy là chuyện của thời trước!

Bây giờ hoàn cảnh khó khăn hơn xưa với người mưu sinh vỉa hè. Mà mức độ đông đúc thì gấp bội lên chứ không hề giảm. Tem phiếu không còn nữa, đâu đâu cũng có thể mua mua bán bán được. Vỉa hè nhếch nhác không phải là nơi đáp ứng những nhu cầu, dù là rất tối thiểu, của lớp cư dân đô thị ngày một giàu. Mà cư dân đô thị thì ngày một đông đúc phức tạp hơn ba thập niên trước đây gấp nhiều lần. Vỉa hè chính là nơi đầu tiên đối đầu với vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị. Mật độ dân trên mỗi mét vuông vỉa hè tăng đột biến. Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), người di cư nông thôn chiếm tới 1/3 dân số của TP.HCM và 1/10 dân số của Hà Nội và làn sóng này vẫn đang tiếp tục không ngừng chảy. Thống kê của UNFPA cho thấy, hiện 25% cư dân thành thị Việt Nam không đủ tiền để mua nhà ở, 20% nhà ở thành thị bị xếp vào loại không đạt tiêu chuẩn, TP.HCM còn có 300 ngàn người đang sống trong các nhà ổ chuột, 30% dân số Hà Nội phải sống trong môi trường chật chội với diện tích ở không quá 3 m2/người.


(Ảnh: Quang Phùng)

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người ta bất chấp những quy định về quản lý đô thị, tự ý san lấp, lấn chiếm, sang nhượng đất để xây nhà một cách tạm bợ, tùy tiện không theo quy hoạch (cũng chẳng riêng đô thị, đâu đâu mà đất chẳng bị chiếm hữu bất thường). Việc tiện đâu xây đấy, kể cả với những nhà cao tầng không chỉ làm cho “nhà không số, phố không tên” dày đặc hơn, khiến người ta càng thi nhau chen lấn hỗn độn trong những nơi tối tăm, chật chội. Vỉa hè trở nên xa xỉ, bởi rất ít nơi, vỉa hè được tồn tại đúng với tên của nó. Những mẹt hàng rong bốn mùa bị đuổi không phải để vỉa hè được thông thoáng, mà để chỗ cho… xe máy. Xe máy không có chỗ trên vỉa hè lấy đâu chỗ cho ô tô dưới lòng đường. Phương tiện lấn át dần cuộc sống, vỉa hè khốn khó, mất mát, nhếch nhác và biến đổi vô kể trong thời hiện tại.

Nhưng dù thế nào, vỉa hè vẫn là của nhân dân, của những hàng xôi xéo, bún riêu, trứng lộn. Và cư dân bám vỉa hè mưu sinh vẫn anh dũng như xưa trong việc phát huy từng xăng-ti-mét hè đường. Mỗi tối, những gốc cây ở quanh phố cổ vẫn là nơi cơ động nhất thế giới để tạo ra những không gian sinh động dành cho việc ăn, việc nhậu và những nhu cầu cá nhân khác. Những tấm danh thiếp được phát tận tay người tiêu dùng, trên đó đề rõ ở gốc cây trước cửa nhà số mấy, phố… từ 17h đến 23h có phục vụ mực nướng, nem chua rán, cá chỉ vàng, cóc xoài ổi dầm… Vỉa hè vẫn nghi ngút khói từ những gánh hàng rong mỗi góc đường. Những cuộc lấn chiếm và giành giật vỉa hè mãi mãi tồn tại trong lòng thành phố đem lại nhiều phiền toái, nhưng rốt cuộc một phần vỉa hè vẫn đấy, Vỉa hè là của nhân dân.

Hà Phạm

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo