Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Chắc gì đất thuộc sở hữu được sử dụng tốt hơn đất đi thuê!

Chắc gì đất thuộc sở hữu được sử dụng tốt hơn đất đi thuê!

Viết email In

Chẳng phải chờ đến vụ hoa cải đỏ trời, địa lôi dậy đất ở Tiên Lãng vừa rồi thì chuyện đất đai mới được đem ra bàn luận nhiệt náo đến thế. Nó đã là vấn đề nóng bỏng suốt mấy năm nay, và Tiên Lãng chỉ là cái cớ để dân tình hâm nóng lại vấn đề này thêm mấy độ nữa.

Một nội dung được xới lên nhiều nhất là sự bất cập của quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhiều chuyên gia khẳng định, chính quy định đó là nguyên nhân của các vụ xung đột, khiếu kiện, tham nhũng liên quan đến đất đai. Họ đề nghị từ bỏ quy định đó, vì theo họ, “toàn dân” là một khái niệm hết sức mù mờ, hầu như đồng nghĩa với “không ai cả”. “Toàn dân” không thể là chủ thể của quyền sở hữu. Cần xác lập những chủ thể thực sự, ví dụ như chính quyền trung ương và địa phương, tổ chức, cá nhân – tức là chế độ đa sở hữu về đất đai.

Một lập luận nặng ký thường được đưa ra là một khi người dân không có quyền sở hữu, mà chỉ có quyền sử dụng, thì họ sẽ không yên tâm đầu tư, và vì thế đất đai, vốn là nguồn tài nguyên khan hiếm, quý giá, sẽ không thể được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Lập luận này, thoạt nghe rất có lý, nhưng suy nghĩ kỹ hơn tý chút thì thấy chưa chắc!

Ta hãy thử nhìn vào thực tiễn xem sao.

Lấy ví dụ văn phòng của các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đi thuê văn phòng, với thời hạn thường là khá ngắn; chỉ có một số ít có khả năng tự mua, xây văn phòng cho mình. Dẫu vậy, ai dám bảo là các doanh nghiệp đi thuê văn phòng sẽ thiết kế, trang bị cho văn phòng một cách tạm bợ, cẩu thả, không chịu đầu tư xứng đáng?

Không những thế, những doanh nghiệp phải thuê văn phòng bao giờ cũng cố gắng sử dụng từng mét vuông diện tích một cách hiệu quả nhất, khác hẳn với các doanh nghiệp sử dụng nhà riêng làm văn phòng, hoặc sở hữu riêng một tòa cao ốc làm trụ sở. Các doanh nghiệp này thường sử dụng văn phòng của mình một cách rất phí phạm, vì trong tâm lý họ dường như họ không tốn đồng nào tiền thuê văn phòng, cứ dùng cho thoải mái, tội gì!

Một ví dụ khác. Có ai đi thuê một căn hộ, một ngôi nhà rồi bỏ hoang không? Trong khi đó hàng vạn căn hộ, hàng ngàn căn biệt thự bị bỏ hoang, chỉ vì chúng là sở hữu của ai đó. Nhà của tôi, tôi bỏ hoang đấy, làm gì được nhau?

Nói chung, tài sản đi thuê thường là được sử dụng có hiệu quả hơn tài sản của chính bản thân mình chứ không phải ngược lại.

Bởi thế, chẳng có căn cứ vững chắc gì để khẳng định trao quyền sở hữu thay cho quyền sử dụng sẽ khiến người dân yên tâm đầu tư hơn, đất đai được sử dụng hiệu quả hơn. Không những thế, ai dám chắc là một khi cho phép người dân sở hữu đất đai thay vì chỉ được cấp quyền sử dụng (và Nhà nước có quyền thu hồi nếu đất đai bị bỏ hoang) thì sẽ không có tình trạng đất đai bị bỏ cho cỏ mọc mà Nhà nước cũng không có quyền thu lại giao cho người khác sử dụng?

Có lý do để lo ngại rằng việc Nhà nước không thể thu hồi đất đai bỏ hoang chỉ vì nó thuộc quyền sở hữu tư nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu cơ đất đai, vì người sở hữu không bị bắt buộc phải canh tác (dù tự canh tác hay thuê người làm) như khi chỉ trao quyền sử dụng đất kèm theo điều kiện phải canh tác. Ngược lại, người nông dân dù có sở hữu vẫn có thể bị mất đất như thường – điều đã xảy ra hàng trăm năm nay ở những nơi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai.

Thành thử, có vẻ như các chuyên gia đang khởi tố nhầm bị can. Vấn đề chưa hẳn đã ở việc cấp quyền sử dụng hay quyền ở hữu, ở chế độ sở hữu toàn dân hay đa sở hữu, mà ở việc thực thi luật pháp. Nếu luật pháp được thiết kế hợp lý và chặt chẽ, và được thực hiện nghiêm minh, thì việc chỉ giao cho người dân quyền sử dụng đất vẫn không dễ dàng đưa tới các hiện tượng gây bức xúc như chúng ta đang chứng kiến.

Bây giờ chúng ta đi sâu một chút vào bản thân khái niệm “sở hữu toàn dân”: có thực “toàn dân” là một khái niệm mù mờ không? Có thực “sở hữu toàn dân” là “không thuộc ai cả” không?

Để có thể nắm được một vấn đề ở tầm vĩ mô thế này, có lẽ trước hết nên xem xét vấn đề ở tầm vi mô - tầm một tổ chức, một doanh nghiệp chẳng hạn.

Nếu hỏi một nhân viên bất kỳ đang ngồi làm việc, cái bàn này có phải của anh không? - câu trả lời hiển nhiên là "Không". Tôi có quyền sử dụng, nhưng nó không phải là của tôi. Hỏi tất cả nhân viên công ty, câu trả lời đều giống y như vậy. Hỏi người ngoài công ty, câu trả lời cũng thế nốt. Như vậy, chiếc bàn đó dường như "không của ai cả".

Không của ai cả, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không của ai hết. Bạn cứ thử đến khênh chiếc bàn đó đi, biết liền là nó có thực "không của ai cả" không!

Ai cũng biết chiếc bàn đó thuộc về ai: nó là tài sản của công ty. Khi ta nói rằng chiếc bàn "không của ai cả" thì "ai" đó ở đây được hiểu là một thể nhân, một con người bằng xương bằng thịt. Nhưng công ty không phải là một thể nhân, mà là một pháp nhân, và pháp luật công nhận quyền sở hữu của nó đối với các tài sản "của nó".

Về mặt hình thức thì thế. Tuy nhiên pháp nhân công ty là một con ma vô hình; ta không trông thấy nó, không sờ được vào nó. Những thứ làm nên "nhân thân" của nó, như tên gọi, ngày khai sinh, địa chỉ đăng ký, vốn điều lệ, tài sản hữu hình và vô hình v.v... chỉ giúp ta biết đến sự tồn tại của nó, chứ không giúp ta nhìn thấy nó. Và tài sản - những vật có thật - mà lại thuộc về một con ma vô hình vô tướng, thì kể cũng hơi kỳ. Quả thực, con ma này đâu có tự mình thực hiện được các quyền của nó đối với đống tài sản được cho là "của nó". Mọi hành vi thực tế đều do những con người bằng xương bằng thịt đại diện cho nó thực hiện mà thôi.

Vậy thực sự mà nói, về mặt nội dung, tài sản của công ty thực ra là của ai?

Câu trả lời không có gì bí ẩn: của các chủ sở hữu công ty, ví dụ như trong công ty cổ phần thì cái bàn là sở hữu của các cổ đông.

Nói vậy mà không hẳn là vậy, vì nếu ta lặp lại câu hỏi "cái bàn này của anh phải không" đối với tất cả các cổ đông, thì câu trả lời cũng y như khi ta hỏi các nhân viên công ty. Không ai dám nhận cái bàn đó là của riêng mình, nhưng trong thâm tâm vẫn thấy mình có một phần quyền sở hữu đối với nó. Một lần nữa ta thấy "không của ai" không có nghĩa là "không của ai"!

Nói tóm lại, chiếc bàn đó, về mặt hình thức, hay về mặt pháp lý cũng thế, là "của công ty", nhưng về mặt nội dung thì nó là "của tập thể cổ đông".

Quay trở lại vấn đề sở hữu toàn dân. Đất đai, mặt nước, bầu trời, tài nguyên, hệ thống đường sá do ngân sách Nhà nước đầu tư v.v..., "không của ai cả" theo cách nói ở trên, nhưng không có nghĩa là chúng "không của ai cả". Về mặt hình thức, hay pháp lý cũng thế, thì chúng thuộc về Nhà nước (cũng là một dạng "con ma vô hình"), còn về mặt nội dung chúng thuộc về toàn dân - những con người bằng xương bằng thịt, chủ sở hữu đích thực của các tài sản chung đó.

Một khi tài sản ở các công ty tuy thuộc sở hữu của “tập thể cổ đông” – một chủ thể rất chi là mù mờ không kém gì khái niệm “toàn dân” trong cách nghĩ của các chuyên gia nói trên, mà vẫn không bị ăn cắp, quyền sử dụng của các nhân viên công ty không bị tước đoạt một cách tùy ý, tài sản vẫn được sử dụng một cách hiệu quả, nếu như công ty có một hệ thống quản lý hữu hiệu, thì rõ ràng việc đất đai bị tham nhũng, nông dân bị cướp đoạt quyền sử dụng ruộng đất, hoàn toàn không phải do ta quy định nó là "sở hữu toàn dân", mà chỉ vì thiếu các thiết chế bảo vệ chúng, và quan trọng nhất là thiếu những con người có quyền và có ý thức bảo vệ chúng một cách thực sự. Ở ta, những người có ý thức bảo vệ công sản thì không có quyền, còn những người có quyền thì thường lại thiếu ý thức bảo vệ, thừa ý thức xâm phạm.

Vấn đề là ở chỗ đó.

Đoàn Quốc Quân

 

Lời bình  

 
0 # Thanh Nguyen 21/02/2012 22:58
Cai nay nguoi ta goi la van de common va anticommon
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # hoàng long 22/02/2012 10:33
Đem diện tích văn phòng có vài chục mét vuông với hàng chục đô mỗi tháng mà so với đất nông dân vài chục ha đã là sự khiên cưỡng. Đem cái trang trí nội thất để tạo bộ mặt cho công ty với công sức ngày đêm bao bờ đắp ruộn để tạo ra giá trị thặng dư là một sự khiên cưỡng khác. Sao không so sánh với việc sinh viên và người thu nhập thấp thuê nhà, xem rằng họ có trang trí nội thất hay không ?
Chưa kể đất thuê là thích bị thu hồi lúc nào là thu hồi với một cách sử dụng pháp luật chưa được kiểm soát, còn để thu hồi văn phòng trước thời hạn dường như là điều không thể. Chưa kể giá đất ở khác hẳn với đất nông nghiệp, người ta có thể thuê nhà khác ở để kiếm lời, còn người ta ko dại gì đi thuê đất khác canh tác rồi cho thuê đất mình để người khác cày cấy.
Tác giả bài viết đưa ra cái so sánh khập khiễng dẫn đến biện luận sai bét, rất phi khoa học, sai lệch hẳn về bản chất.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo