Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)

Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)

Viết email In

Một thông tin đầu năm làm nức lòng người Đà Nẵng, đó là Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã có yêu cầu chính thức không dỡ bỏ cây cầu Nguyễn Văn Trỗi (trước năm 1975 tên là Trịnh Minh Thế), mà biến nó thành cầu đi bộ và phục vụ du lịch.

Cây cầu này được quân đội Mỹ xây dựng năm 1968, để phục vụ cho việc chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào các kho quân nhu nội thành Đà Nẵng. Sau năm 1975, nó được cải tạo phục vụ cho giao thông dân sinh của thành phố.

Cách đây 3 năm, chính quyền thành phố đã quyết định dỡ bỏ luôn cả hai cây cầu cũ, để thay vào đó bằng một cây cầu hiện đại với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Nhiều ý kiến can gián và cho đó là một địa chỉ lịch sử cần giữ lại, nhưng dường như ngành văn hóa không một chút quan tâm.

Đã một lần người dân Đà Nẵng đau lòng khi chứng kiến việc dỡ bỏ cây cầu cổ đầu tiên của thành phố mang tên De Lattre de Tassigny (cầu Đờ Lát) do người Pháp xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ trước và thay vào đó một cây cầu ximăng kiểu dáng kệch cỡm, trọng tải chỉ đủ để lưu thông xe gắn máy. Dù rằng hoàn cảnh lịch sử cả hai cây cầu ra đời đều nhằm mục đích phục vụ chiến tranh, thế nhưng từ mấy mươi năm qua hai cây cầu này đã gắn chặt với những kỷ niệm vui, buồn và cả đau thương của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng.

Không chỉ có vậy! Trong lịch sử, Đà Nẵng là vùng đất đặc biệt với hai lần người Pháp, Mỹ xâm lược VN đều chọn nơi này làm nơi đổ quân, đặt chân đầu tiên, từ đó nống ra các nơi khác. Và cũng từ đây, lần đầu tiên những đội quân viễn chinh đã nếm mùi thất bại đầu tiên. Thế nhưng tiếc thay di tích lịch sử của thành phố sau công cuộc chỉnh trang kéo dài hơn 15 năm qua không còn nhiều.

Nghĩa trang Nam Dương, lưu giữ hơn 2 vạn ngôi mộ của nghĩa sĩ Nguyễn Tri Phương bị xóa sổ; thành Điện Hải bị thu nhỏ dị dạng nằm nép dưới tòa nhà cao mười mấy tầng; hàng chục ngôi nhà cổ xây dựng trong thời nhượng địa cũng bị triệt hạ... biến một vùng đất lịch sử gần như không còn quá khứ.

Vì vậy, giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi là một quyết định văn hóa, mang niềm hân hoan cho người dân Đà Nẵng. Hy vọng qua những bài học cũ, ngành văn hóa Đà Nẵng sớm thay đổi cách nghĩ, cách làm để thành phố không chỉ xứng tầm là một trọng điểm kinh tế, mà còn là trung tâm văn hóa của khu vực.

Nguyễn Trung Hiếu (Lao Động)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo