Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Công trình xanh – đầu tư cho tương lai

Công trình xanh – đầu tư cho tương lai

Viết email In

Đánh vào tâm lý ưa thích môi trường sống chất lượng cao, xanh, sạch và yên tĩnh của người thành thị muốn hoà mình với thiên nhiên nên hầu hết các dự án bất động sản đang có xu thế “cộp mác” đô thị xanh, sinh thái... để tăng sức hút cho mình. Đây là một xu hướng tốt nếu các dự án đều thực hiện đúng như thiết kế cam kết đã công bố.

Công trình xanh đem lại nhiều lợi ích kinh tế

Ở Việt Nam, khái niệm “kiến trúc xanh” không còn quá xa lạ, tuy nhiên việc áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của nó vào thực tiễn cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Theo ông Khương Văn Mười - phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiêm chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM, các khu đô thị mới tại Việt Nam đang hướng đến những kiến trúc thân thiện với môi trường và đây cũng là chủ trương của Chính phủ Việt Nam, khuyến khích các kiến trúc sư khi thiết kế hướng đến công trình kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu và những giải pháp trong thiết kế công trình bền vững. Phải có sự thống nhất giữa hoạch định, thiết kế, xây dựng và những sản phẩm được đưa vào sử dụng như nguồn điện, hệ thống nhiệt độ, hệ thống làm mát và trang trí toà nhà.

Chi phí năng lượng ở Việt Nam đã tăng lên hơn 15%/năm trong hai năm qua. Theo dự báo của tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thì nguồn điện có thể thiếu từ 3 - 4 tỉ KWh trong năm 2011, trong khi lượng điện thiếu trong năm 2010 là 1 tỉ KWh. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30% - 50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50% - 90% các loại rác thải khác.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng hiện việc hướng đến các cao ốc xanh là một tầm nhìn rất tốt. Tuy nhiên, muốn thiết kế và xây dựng một cao ốc xanh thì cần có sự phối hợp chặt chẽ. Một dự án xanh không chỉ có cây mà còn là kết hợp sử dụng các công nghệ và vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, vừa tạo sự hài hoà giữa cuộc sống và thiên nhiên vừa giúp các cư dân giảm thiểu năng lượng sử dụng. Bên cạnh đó, dự án còn áp dụng những công nghệ thi công mới, hiện đại tiết kiệm điện năng, tối ưu hoá năng lượng tự nhiên từ mặt trời và gió, đồng thời đảm bảo an toàn cho cuộc sống của các cư dân.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số đơn vị tiên phong trong việc hỗ trợ, đánh giá và cấp chứng chỉ cho các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Chẳng hạn như Hội đồng công trình xanh (VGBC) đã được bộ Xây dựng chính thức công nhận vào tháng 3.2009. VGBC có các chức năng xây dựng một môi trường xây dựng xanh ở Việt Nam, cung cấp chứng chỉ Lotus cho các dự án. Lotus chú trọng đến quản lý công trình sau xây dựng và hệ sinh thái; việc sử dụng nguồn vật liệu địa phương, đặc biệt là chú ý đến người sử dụng công trình đó.

Cần xây dựng nền móng

Mặc dù đều nhìn thấy lợi ích trong tương lai, tuy nhiên rào cản duy nhất đối với các chủ đầu tư trong việc đầu tư xây dựng một công trình xanh là phải tốn chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, nhất là những công trình đã hoàn thành và nay muốn nâng cấp để tiết kiệm năng lượng hơn, trong khi hiệu quả từ công trình xanh lại đến sau thời gian dài. Trao đổi với báo giới tại một hội thảo mới đây về công trình xanh, ông Kevin Hydes, tổng giám đốc Integral Group của Canada, nói rằng chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường và nhu cầu thị trường là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, tiết kiệm môi trường cho các toà cao ốc của mình. Tuy nhiên, ông Hydes cũng chỉ ra rằng mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng chưa cao, bên cạnh việc thiếu tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án là trở ngại lớn hiện nay.

Ông Yannick Millet, giám đốc điều hành VGBC, cho rằng với dự án mới, việc thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng sẽ không tốn thêm nhiều chi phí nếu như kiến trúc sư, kỹ sư và các đối tác liên quan cùng ngồi lại với nhau ngay từ đầu, cùng nhắm tới mục tiêu đưa ra giải pháp tiết kiệm năng lượng cho toà nhà. Điều đó có nghĩa là cần có sự liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của công trình.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng. Ở đây không nhất thiết là cần có sự hỗ trợ về tài chính, mà bằng chính sách, chẳng hạn như cho phép chủ đầu tư tăng thêm diện tích sàn xây dựng khoảng 1% hoặc 2%, thay vì dùng tiền để hỗ trợ. Đây là cách hỗ trợ gián tiếp mà một số nước đang áp dụng để khuyến khích các chủ đầu tư tham gia. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có chế tài, cộng với các quy chuẩn bắt buộc giới chủ đầu tư áp dụng cho công trình của mình, bên cạnh những chính sách ưu đãi.

Bảo Bảo - ảnh: Hồng Thái

[ Chuyên đề: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo