Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Quản lý chung cư: Đã đến lúc nghĩ đến chuẩn quản lý

Quản lý chung cư: Đã đến lúc nghĩ đến chuẩn quản lý

Viết email In

Những vụ tranh chấp giữa cư dân với ban quản lý chung cư diễn ra gần đây cho thấy đã đến lúc phải đưa ra các tiêu chuẩn quản lý.

Hầu hết các vụ kiện tranh chấp giữa cư dân với ban quản lý tại các chung cư ở Hà Nội thời gian gần đây đều là tranh chấp về phí quản lý. Đó là lý do ngày 29/9/2011, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã duyệt quyết định về mức giá tối đa cho từng loại nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, mức phí quản lý tối đa cho chung cư là 4.000 đồng/m2/tháng.

Theo một chuyên gia bất động sản (không muốn nêu tên), mức phí quản lý trên chưa phù hợp nếu đó là các dự án chất lượng cao, được trang bị thiết bị kỹ thuật hiện đại (hệ thống thang máy, camera, phòng cháy chữa cháy…) và chú trọng đến mảng xanh. Ông lấy ví dụ, đối với một dự án căn hộ có diện tích cây xanh bình quân đầu người lên đến 4 m2 thì nhà quản lý phải chi nhiều hơn cho việc chăm sóc cây. Đổi lại, khi được sống trong môi trường xanh sạch, người dân phải trả mức phí cao hơn. Điều đó cũng là hợp lý.

Một yếu tố quan trọng khác quyết định mức phí là tính chuyên nghiệp của nhà quản lý. Chính điều này đã giúp các tập đoàn quốc tế trở thành kẻ ngồi chiếu trên tại thị trường căn hộ cao cấp Việt Nam. Chẳng hạn, tập đoàn quản lý InterContinental hay Ascott với hệ thống Somerset tại Việt Nam luôn được sự tin tưởng của các nhà đầu tư dự án cao cấp. Mới đây nhất là sự kết hợp giữa Ascott với Công ty Cổ phần Bất động sản Bình Thiên An (BTA). Theo đó, Ascott đảm nhiệm quản lý 200 căn hộ đầy đủ tiện nghi và 50 căn hộ chưa có nội thất thuộc dự án Đảo Kim Cương (quận 2, TP.HCM) do BTA làm chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty BTA, việc thuê nhà quản lý đẳng cấp không chỉ đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng mà còn tạo ra giá trị nhất định cho dự án Đảo Kim Cương.


Dự án Đảo Kim Cương, TPHCM

Tuy nhiên, bất động sản cũng được phân chia theo phân khúc. Và không phải chủ đầu tư hay người dân nào cũng có đủ khả năng chi trả cho các nhà quản lý tầm cỡ quốc tế này. Đó là cơ hội cho nhà quản lý trong nước nếu họ có thể bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và đáp ứng nhu cầu của người dân. Muốn vậy, các công ty trong nước cần phải chuyên nghiệp hóa bằng cách cho cán bộ, nhân viên tham dự các khóa đào tạo trong nước, cử đi học tập ở nước ngoài hoặc tham gia các hoạt động của những tập đoàn quản lý quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.

Thực ra, từ lâu, các cơ quan chức năng đã ban hành những quy chế quản lý vận hành, khai thác chung cư, khu đô thị (Quyết định 65/2004/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội) cũng như đưa ra quy định về đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành chung cư (Thông tư 14/2011/TT-BXD của Bộ Xây dựng). Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho cả nhà quản lý lẫn cư dân, Nhà nước cần đưa ra những quy chế rõ ràng hơn về quản lý chung cư theo từng phân khúc cấp thấp, trung và cao cấp. Nếu có những chuẩn mực riêng như vậy, nhà quản lý sẽ có cơ sở để thực thi và đem lại sự hài lòng cho cư dân.

Kim Anh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo