Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Xây dựng nông thôn mới - Cần những tiêu chí bền vững

Xây dựng nông thôn mới - Cần những tiêu chí bền vững

Viết email In

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí đã được nhân rộng ra quy mô cả nước. Ở một số xã, việc triển khai chương trình đang đi đúng hướng do có đủ điều kiện về vốn, khoa học công nghệ, nguồn lực và cả kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành. Bạn đọc SGGP đã nêu ý kiến góp ý cần tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân nông thôn, nâng chất lượng các tiêu chí lên cao hơn, bền vững hơn.

Đào tạo nghề nên thiết thực, hiệu quả

Xây dựng nông thôn mới là một vấn đề rất lớn, rất khó, vì nước ta còn nhiều xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trong khi điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp, không đủ sức trang trải. Để phong trào xây dựng nông thôn mới thành công, thực sự mang lại hiệu quả, phải huy động nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội. Tuy nhiên, không thể lấy mô hình thí điểm ở các xã có điều kiện kinh tế nông thôn ổn định để áp dụng cho các xã vùng sâu, vùng xa. Nên chú ý tránh vận động nông dân đóng góp quá mức.

  • Ảnh bên: Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Mỹ An (Thủ Thừa, Long An) được đầu tư xây dựng khang trang (Ảnh: Đăng Nguyên)

Việc đào tạo nghề cho nông dân nên thiết thực, hiệu quả. Một số địa phương chỉ tìm cách tạo việc làm bằng các nghề thủ công truyền thống như đan sọt, may giỏ đệm, đan rổ rá…, cả ngày cặm cụi chỉ được 15.000 - 20.000 đồng, nguồn hàng lại bấp bênh, nên người dân khó ổn định được đời sống.

Trong trồng trọt chăn nuôi cũng vậy, cần phải chú trọng quy luật cung - cầu, đừng nên làm theo phong trào, chạy theo thành tích mà cuối cùng hàng không tiêu thụ được. Nông dân khó nâng mức sống vì giá đầu vào như phân bón, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thuốc trừ sâu… quá cao, mà đầu ra bị ép giá. Để giúp nông dân, cách thiết thực nhất là giải quyết được tình trạng bất hợp lý này.

TRẦN ANH TÀI (Quận Bình Tân, TPHCM)

Chú trọng mục tiêu giúp nông dân tăng thu nhập

Để đạt được thành công trong việc tăng thu nhập của cư dân ở nông thôn, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có chính sách phát triển kinh tế nông thôn một cách bài bản, dựa vào thế mạnh của từng vùng để hỗ trợ nông dân tìm ra hướng đầu tư có hiệu quả nhất. Trong tình hình nhiều nông dân bỏ ruộng, lên thành phố kiếm sống để cải thiện thu nhập, rất cần có chính sách giúp họ yên tâm bám đất, giữ vườn, sống được với nghề nông. Cụ thể như thay đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.

Do quy mô sản xuất nhỏ, nông dân rất cần chính quyền kết nối, hỗ trợ thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, bao tiêu đầu ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn an toàn… Việc đảm bảo bao tiêu đầu ra sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ nhanh và thúc đẩy chế biến nâng giá trị hàng hóa.

Một yêu cầu đặc biệt quan trọng là phải chú trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ cán bộ quản lý từ xã đến tỉnh đạt chuẩn và nhiều chuyên viên có trình độ khoa học kỹ thuật, am hiểu lĩnh vực nông nghiệp để giúp nông dân thay đổi tư duy, dám nghĩ dám làm, tạo sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ hiện đại hóa, làm ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

NGUYỄN TRẦN KIÊN (Củ Chi, TPHCM)

Nên điều chỉnh một số tiêu chí

Theo đánh giá chung, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được một số kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế ở Long An đã bộc lộ một số vướng mắc cần được tháo gỡ.

Thực trạng nhiều xã nông thôn chưa đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng và nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất (do đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn); nhiều xã không còn quỹ đất công để xây dựng công trình; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn rất khó (do cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí đầu tư và vận chuyển cao nhưng hiệu quả lại thấp)… Cán bộ xây dựng nông thôn mới ở cấp xã còn thiếu và yếu, chưa được tập huấn đầy đủ, chuyên sâu về nghiệp vụ.

Cần điều chỉnh một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Quy định tiêu chí mỗi ấp có một nhà văn hóa, trong khi đầu tư cho nhà văn hóa ấp cần kinh phí lớn, nhưng ít sử dụng, do vậy, nên kết hợp nhà văn hóa ấp với trụ sở ấp và tùy từng nơi mà có thể xây dựng nhà văn hóa liên ấp.

Về tiêu chí môi trường, không nên đòi hỏi nhất thiết mỗi xã có một nghĩa trang riêng, mà nên làm nghĩa trang liên xã. Hay tiêu chí chợ nông thôn, cũng không nhất thiết xây dựng mỗi xã một chợ, miễn là đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và mua sắm thuận tiện cho người dân…

Trong việc xây dựng nông thôn mới tại ĐBSCL, nên chọn 2 tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh nội đồng làm khâu đột phá. Bởi hiện nay các hệ thống giao thông nông thôn cấp xã chưa được xây dựng hoàn chỉnh; hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng cũng còn nhiều bất cập. Hoàn thành 2 tiêu chí này sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

ĐĂNG NGUYÊN (Tân An, Long An)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo