Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Công viên hiện đại nhất thủ đô vắng khách

Công viên hiện đại nhất thủ đô vắng khách

Viết email In

Sau nửa năm khánh thành và đi vào hoạt động, công viên Hòa Bình được đầu tư khá tốn kém đang ở trong tình trạng ế khách. Nước đọng lênh láng mặt sân, còn khu vui chơi giải trí không một bóng người.

Với diện tích đất xây dựng hơn 20 ha, công viên Hòa Bình (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng (trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 72 tỷ đồng) đi vào hoạt động từ dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long, tháng 10/2010.

Công viên có bãi để xe nổi và bãi để xe ngầm rộng 3.000 m2, có biểu tượng của thành phố hòa bình, tượng Hòa Bình cao 7,2 m, đế cao 22,8 m. Các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, chòi nghỉ, bãi đỗ xe hài hòa thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, tạo sự gần gũi với thiên nhiên.

Nhưng đến nay sau nửa năm đi vào hoạt động, công viên ở trong tình trạng vắng khách. Quang cảnh trong khuôn viên chưa thực sự hấp dẫn người dân. Chủ yếu là cây cảnh và các cây nhỏ mới trồng, cây phủ bóng mát không có, khách vào chơi sẽ phải chịu nắng nóng.


Ghế đá vắng khách dù là chiều hè.


Khu vui chơi giải trí không một bóng người.


Nước đọng lênh láng giữa trời nắng.


Một công nhân làm cỏ rửa tay trên vũng nước này.


Những vị khách hiếm hoi.


Bãi trông xe nhỏ và thưa thớt, bảo vệ thu 5.000 đồng một xe máy, vượt giá quy định.

Khánh Huyền

[ Chuyên đề : Không gian công cộng

 

Lời bình  

 
+1 # NTBinh 09/05/2011 16:20
Câu trả lời có lẽ không quá khó, nếu một nghiên cứu về công viên được tiến hành, bao gồm cả điều tra hoạt động trong tuần và phần lấy ý kiến người sử dụng công viên.

Nếu dựa và kiến thức chung về không gian công cộng, sự thiếu vắng người sử dụng công viên đơn giản là do công viên có các rào cản người sử dụng (về mặt vật lý cũng như tâm lý) trong khi chưa có đủ sự hấp dẫn để lôi kéo người sử dụng. Công viên xa nơi tập trung dân cư, không gần luồng người đi bộ và nơi tập trung người là một rào cản lớn về vật lý; vé gửi xe đắt (và vé vào cửa?) là rào cản về tài chính; sự chưa quen thuộc với công viên là rào cản về tâm lý; sự thiếu vắng các hoạt động hàng ngày hấp dẫn, gây sự chú ý trong công viên, thiếu vắng cây cối lớn: chưa tạo nên các lý do hấp dẫn để người ta đến chơi.

Công viên Hòa Bình ra đời, một phần lớn vì lý do lễ hội Thăng Long 1000 năm. Vì lý do này mà người ta cố gắng biến công viên thành như sân lễ hội. Vì lễ hội 1000 năm, người ta có thể đi cả ngàn cây số, bất kể mưa nắng đến dự – vì 1000 năm mới có một lần. Công viên phục vụ đời sống hàng ngày, vì sự mạnh khỏe về mặt tinh thần và thể chất của nhân dân thì có hơi khác. Thứ nhất nó không cần to, mà chỉ cần gần nơi tập trung dân cư. Vì là phục vụ đời sống hàng ngày nên cái cần là sự thuận tiện đi lại, sử dụng. Thứ hai nó không cần nhiều biểu tượng to lớn đắt tiền hoành tráng, mà chỉ cần cái gì đó thân thuộc gần gũi với khu dân cư gần đó. Thứ ba nó không cần làm đường đi lối dạo cầu kỳ mà chỉ cần đủ ánh sáng về đêm, đủ cây cối, bãi cỏ để người ta thấy đó là không gian tự nhiên, đủ một sân chơi để thanh thiếu niên chơi bóng, và một sân chơi cho trẻ em có vài cái cầu trượt, bập bênh, lốp xe hỏng và hố cát.

(còn tiếp)
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # NTBinh 09/05/2011 16:21
(tiếp theo)

Nếu nghĩ về nhu cầu nghỉ ngơi, phát triển, phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân Hà Nội, thành phố sẽ không bao giờ làm các công viên cầu kỳ tốn kém như công viên Hòa Bình. Hãy dành ở mỗi khu ở một không gian đủ rộng để người già và thanh thiếu niên có các sân chơi và nghỉ ngơi tối thiểu. Số tiền đầu tư cho công viên Hòa Bình thừa sức trang bị các vật dụng cần thiết cho 100 không gian nghỉ ngơi giải trí của 100 khu ở. Nếu gần khu ở, nếu thuận tiện đi lại, nếu được chăm sóc tối thiểu để không thành nơi hoang phế, tập trung tội phạm, sẽ luôn luôn có người sử dụng các công viên – và tiền nhà nước, tiền thuế nhân dân bỏ ra xây dựng các công viên sẽ phát huy hiệu quả, trở thành yếu tố nâng cao sức khỏe thể chất tinh thần cho toàn dân.

Điều cần nhất bây giờ là có được các không gian xanh, dù với diện tích tối thiểu, tại các khu ở đông đúc chật chội của Hà Nội. Để làm được việc này, bên cạnh nhiều biện pháp đồng bộ, thành phố cần không được bỏ đi bất cứ cơ hội nào để tăng diện tích không gian mở đô thị: phải chấm dứt ngay việc lấy đất có được – do cơ quan xí nghiệp chuyển đi – để cấp cho các dự án thương mại hay nhà ở.

Dù vậy, mọi nỗ lực phát triển không gian công cộng, như việc xây dựng công viên Hòa Bình, đều đáng trân trọng. Dù thế nào, công viên Hòa Bình, nếu được duy trì sẽ phát huy hiệu quả trong tương lai, khi dân cư xung quanh đông hơn, các điều kiện tiếp cận được cải thiện, và công viên trở nên thân thuộc hơn với người dân thành phố. Trong số rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của một công viên, hầu như mọi thứ đều có thể điều chỉnh – duy nhất có một yếu tố gần như không thể nào thay đổi được: đó là dành đất để làm công viên, khi dân cư xung quanh chưa quá đông và sức ép về đất đai chưa quá lớn. Với công viên Hòa Bình, ít nhất điều đó đã làm được.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo