Những “ngõ mưu sinh” ở phố cổ

Thứ ba, 12 Tháng 4 2011 06:06 Lao Động
In
Cắt tóc, bán trà đá, quán ăn, làm “shop” quần áo… là những không gian được tạo nên bởi những con ngõ nhỏ, sâu hun hút ở phố cổ Hà Nội. Không gian sống ở con phố vốn dĩ đã quá chật hẹp và đông đúc này càng được tận dụng tối đa khi tình cờ khám phá những con hẻm ấy.

Điều đáng nói là sự tồn tại của những con ngõ ấy vẫn là một nét rất riêng và bình yên giữa lòng phố cổ. Tôi gọi đó là “ngõ mưu sinh”.

Những “hàng quán” đặc biệt

Một lần, tôi trở thành “tour guide” bất đắc dĩ cho người bạn từ  Singapore lần đầu sang thăm Việt Nam và khám phá Hà Nội. Và dĩ nhiên, phố cổ là địa điểm đầu tiên tôi muốn giới thiệu với cô bạn ấy.
Chúng tôi bắt đầu một ngày cuốc bộ quanh những con phố quen thuộc: Hàng Bạc, Hàng Bồ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến... Mải mê ngắm nhà cổ và cuộc sống của người dân, chợt cô bạn day áo tôi và hỏi: “Quán ăn này nằm ở đâu?”. Tôi giật mình, nhìn theo hướng bạn tôi chỉ, thấy một tấm biển bé xíu treo ở đầu một con ngõ nhỏ, sâu ở phố Hàng Buồm có dòng chữ “Bíttết ông Lợi”.

Chúng tôi tò mò đi vào con ngõ tối đen như mực, khoảng cách chỉ đủ cho một đến hai người đi lọt, mò mẫm tìm hàng bíttết như chỉ dẫn. Đi khoảng mấy chục mét, mới vỡ lẽ ra là đằng sau con ngõ này là cả một không gian sống vô cùng sinh động.

Hàng bíttết là một quán ăn nhỏ xíu nằm cuối ngõ, giữa một khoảng sân hẹp vuông vắn là không gian sinh hoạt chung của người dân. Quán tuy nhỏ, nhưng vẫn tấp nập người đến ăn. Nếu như nhìn từ đầu ngõ vào, có lẽ sẽ chẳng ai hình dung được có một không gian sống đặc biệt như vậy. Bạn tôi không ngừng bấm máy tanh tách ghi lại hình ảnh này vừa “ồ, à” tỏ vẻ phấn khích.

Và nhờ chuyến đi chơi ấy, tôi mới thấy như mình vừa khám phá một nét mới mà bao lâu nay không để ý khi lang thang phố cổ. Có lẽ là hàng chục, hàng trăm con ngõ nhỏ khác đầy sinh động như thế, tận dụng tối đa diện tích vốn đã quá chật hẹp để buôn bán, mưu sinh. Ngõ Trung Yên ở phố Đinh Liệt đặc trưng với các hàng quán vỉa hè, chợ cóc.

Chỗ này là hàng trà nóng với dăm chiếc ghế con con cùng ít hộp, lọ đựng các loại kẹo, chỗ kia là một “quán” cắt tóc bé tẹo treo tấm gương cũ, khách đến cắt tóc cứ thế ngồi úp mặt vào tường. Người thợ cắt tóc đứng nép sát vào khách, nhường lối cho người qua lại khi ra vào ngõ. Ở phố Hàng Bồ còn có những quán ăn cũng kiểu “úp mặt vào tường” tận dụng từ con ngõ nhỏ như thế. Bàn ăn là một miếng gỗ dài nẹp vào tường, khách đến ăn quà vặt cũng cứ thế vừa ăn vừa... nhìn tường.

Và thật lạ là dù ở bất cứ hình thức nào, hàng quán mọc lên từ ngõ nhỏ và sâu ấy vẫn có khách, thậm chí nhiều nơi còn “đắt hàng”. Người ta đến ăn rất trật tự, nhanh chóng và gọn gàng bởi không đủ không gian để bày bừa. Tôi thỉnh thoảng cùng đồng nghiệp ghé vào hàng bánh đa cua ở một con ngõ bé xíu trên phố này, dù hơi chật chội và hơi tối, song vẫn cảm thấy có chút gì đó thú vị. Và tất nhiên chất lượng món ăn thì khỏi phải chê rồi!

“Ngõ mưu sinh”

Đi bất cứ con phố nào giữa lòng phố cổ, đều dễ dàng bắt gặp những con ngõ đặc biệt như thế. Ngõ rất sâu, rất tối, nhưng đầu ngõ luôn tấp nập bởi những “hàng quán” cơ động như vậy. Có một lần ghé chân uống nước ở hàng trà đá vỉa hè một con ngõ đầu phố Hàng Bạc, bà cụ bán nước cứ tặc lưỡi: “Bán nước ở đầu ngõ này nào có sung sướng gì cho cam. Dân phòng đến nhòm ngó là phải mang thúng mang nia chạy.

Bằng này tuổi rồi mà phải chạy quanh bao nhiêu phố mới yên vị ở đây mà bán đấy chứ!”. Cụ bà ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc gần hết mái đầu. Cụ bảo, với hàng nước này, cụ mới đủ tiền để nộp hết vào bệnh viện chạy thận cho người chồng già yếu bệnh tật. Có mỗi một người con trai thì bỏ đi biệt xứ vào Nam làm ăn, thỉnh thoảng mới về... Chén trà ấm nóng giữa lòng bàn tay tôi như run lên khi tôi nhìn vào đôi mắt ươn ướt của bà hàng nước!

Những con hẻm, ngõ ở phố cổ - nơi có những hàng quán bất đắc dĩ, đều ít nhiều là miếng cơm manh áo, là chốn mưu sinh của không ít người dân nơi đây. Phố vốn dĩ đã quá chật, cư dân thì quá đông đúc, người ta bảo phố cổ “tấc đất tấc vàng” cũng có cái lý. Thuê mặt bằng kinh doanh tại đây không dưới vài triệu, thậm chí vài chục triệu cho một khoảng không gian chật chội.

Có nhiều người đến mua hàng ở đầu ngõ, chiều ngang chỉ hơn 1 mét, quần áo treo cả hai bên bờ tường mà cứ ngớ người ra vì không ngờ một con ngõ bé tẹo thế này mà vẫn có thể bán hàng được. Còn những người sống trong ngõ, phía cuối con ngõ nhỏ ấy, họ vẫn lặng lẽ ra vào mà không hề tỏ một ý khó chịu nào! Việc mua bán kinh doanh đầu ngõ nhờ thế vẫn rất yên ổn và trật tự. Như là một nếp sống quen thuộc hàng ngày. Có lẽ vì thế nên những “ngõ mưu sinh” vẫn luôn tồn tại như một nét rất riêng và đáng yêu mỗi lần lang thang phố cổ Hà Nội.

Hải Minh

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: