Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Góc nhìn “Nghịch lý” nhà thu nhập thấp ở Hà Nội

“Nghịch lý” nhà thu nhập thấp ở Hà Nội

Viết email In

5 dự án nhà thu nhập thấp (NTNT) ở Hà Nội được mở bán cùng lúc với hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho nhiều đối tượng, tránh cảnh “chen chân”. Thế nhưng, người có thu nhập cao mới có thể mua được NTNT, chính sách bán nhà chỉ ưu tiên cho những người ở nội thành… là những nghịch lý đang tồn tại.

Người nghèo ngoại thành không được mua

Theo quy định mới từ 4/3/2011 của UBND TP Hà Nội, đối tượng được xem xét mua nhà thu nhập thấp đợt này chỉ bao gồm người dân có hộ khẩu tại các quận của thủ đô. Vì thế, những đối tượng ở các huyện, hoặc thường trú nhưng không có hộ khẩu ở nội thành thì cũng không được mua nhà trong đợt này.

Có lẽ cũng vì quy định đó nên dự án NTNT nằm ở vị trí ngoại thành như 946 căn hộ ở khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm của Cty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera lại chỉ thưa thớt người dân đến nộp hồ sơ. Cho đến ngày 5/4 cũng chỉ có hơn 100 hồ sơ đăng ký mua nhà khi thời hạn nhận hồ sơ đăng ký chỉ còn 5 ngày là hết (ngày 10/4). Lý do khiến nhiều người dân ít mặn mà với dự án này là bởi, nếu mua nhà ở đó thì thời gian đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc trong nội thành mất nhiều thời gian hơn. Còn với những người nghèo tại các huyện ngoại thành thì dù có muốn mua họ cũng không mua được vì không nằm trong quy định được mua nhà của thành phố.

Ngược lại, dự án NTNT ở Kiến Hưng, Hà Đông lại có tới hơn 3.000 hồ sơ đăng ký mua trong khi chỉ có 864 căn hộ được bán. Theo chủ đầu tư dự án này thì không hiểu sao đã có 5 dự án cùng bán mà số hồ sơ nộp tại dự án Kiến Hưng vẫn đông thế. Không chỉ các hộ gia đình ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân hay Đống Đa nộp hồ sơ đăng ký mà có rất nhiều người từ các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai cũng tới nộp đơn mua.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một người dân có hộ khẩu ở quận Hoàng Mai nộp hồ sơ tại dự án NTNT ở Kiến Hưng cho rằng “Không nên phân biệt người nghèo nội thành và ngoại thành, bởi nếu đã là dự án NTNT bán cho người nghèo mà phân biệt thế thì tính chất xã hội hóa nhà ở ở đâu?”.

Thu nhập cao mới đủ điều kiện mua NTNT!

Một điều cũng được nhiều người dân cho là có “vấn đề” ấy là vấn đề thu nhập. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên thì theo Luật thuế thu nhập phải nộp thuế. Mà nếu đã nộp thuế thì người có thu nhập đó sẽ không còn trong danh sách thu nhập thấp nữa. Nếu thế sẽ không đủ điều kiện mua NTNT. Thế nhưng, trên thực tế, có những người dân thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng cũng chẳng dễ dàng để có đủ tiền mua NTNT dù chỉ với giá 500-600 triệu đồng chứ chưa nói đến những người thu nhập thấp hơn mức đó. Có thể lấy ví dụ cụ thể, một gia đình có hai vợ chồng đều hưởng lương ngân sách với thâm niên công tác khoảng gần 20 năm, hàng tháng mỗi người thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng thì thu nhập gia đình từ 12-14 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, trừ chi tiêu gia đình mỗi tháng cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 2-3 triệu đồng, cùng lắm là 5 triệu đồng. Vậy, với số tiền tiết kiệm đó thì trong khoảng 15 năm cũng chưa dám chắc có thể mua được NTNT hay không trong thời buổi trượt giá này.

Mặt khác, để có thể mua một căn hộ có giá 600 triệu đồng thì người dân cũng phải vay tiền ngân hàng mới có “cơ” để mua. Nếu đóng tiền theo 3 giai đoạn thì giai đoạn 1 cũng cần 180 triệu đồng (nếu đóng 30%) thì tiền lãi 1 năm là 36 triệu đồng. Trong khi với thu nhập là 4 triệu đồng/tháng thì cả năm cũng chỉ  có 48 triệu đồng, trả lãi đã mất 36 triệu, chỉ còn 12 triệu đồng để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Dù có “ăn dè, hà tiện” “thắt lưng, buộc bụng” được một năm, tới năm sau, khi chủ đầu tư thúc đóng tiền đợt 2 thì liệu người thu nhập thấp có đủ tiền để đóng?

Nếu những nghịch lý này vẫn còn thì những người dân có thu nhập thấp, có hộ khẩu ở ngoại thành thực sự có nhu cầu về nhà ở chẳng biết đến bao giờ mới có nơi an cư?

Lê Thảo

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo