Chủ trương bị đảo ngược: trường học đã thua cao ốc!

Thứ sáu, 01 Tháng 4 2011 20:32 SGTT
In

Ngày 30/3, tại cuộc họp giải quyết sự bất đồng giữa các bên về khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai, vốn nằm trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn, UBND TP.HCM đã đồng ý cho ngân hàng Công thương tiếp tục được xây cao ốc tại đây.

Nguyên nhân được đưa ra là do hiện nay thành phố không còn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng trường tại khu đất trên. Khi nào TP.HCM có đủ nguồn kinh phí sẽ thu hồi và tiến hành mở rộng trường Lê Quý Đôn...

Quyết định trên đồng nghĩa với việc dự án mở rộng trường Lê Quý Đôn phải dừng lại dù trước đó cũng chính UBND TP.HCM đã chỉ đạo tiến hành dự án mở rộng trường.


Tại vị trí này, ngay trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn, sở Xây dựng đã cấp phép và UBND TP.HCM đã thuận cho ngân hàng xây cao ốc (Ảnh: Thanh Thảo)

Đã có phương án mở rộng trường, nhưng...

Ngày 6/12/2007, UBND TP.HCM có công văn giao cho sở Tài chính, hội đồng Thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố chủ trì, phối hợp với sở Xây dựng, sở Giáo dục và đào tạo, UBND quận 3, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 3 cùng các cơ quan liên quan xây dựng phương án di dời tổng thể bao gồm cả khu nhà 112 và chi nhánh ngân hàng Công thương. Công văn còn nêu rõ, phương án bồi thường, di dời phải theo giá thị trường… 

Tiếp đó, ngày 13/1/2010, UBND thành phố có quyết định giao kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2010 (đợt 1) nguồn vốn xổ số kiến thiết, nguồn vốn ngân sách tập trung và vốn viện trợ phát triển (ODA) phân cấp vốn cho các quận/huyện; theo danh mục các dự án kèm theo, UBND thành phố cũng giao cho ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 3 làm chủ đầu tư lập dự án bồi thường, giải toả để đầu tư xây dựng trường THPT Lê Quý Đôn.

Theo UBND quận 3, hiện đơn giá đất ở để tính bồi thường tại dự án mở rộng trường THPT Lê Quý Đôn tại khu nhà 112 đang trình hội đồng thẩm định bồi thường thành phố thống nhất trước khi trình UBND thành phố phê duyệt. Quan điểm của UBND quận 3 là, khu đất 112 do ngân hàng Công thương đang sử dụng là thuộc khuôn viên trường THPT Lê Quý Đôn.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Sài Gòn Tiếp thị, tổng chi phí để di dời bốn hộ dân cũng như chi nhánh ngân hàng Công thương ra khỏi khu đất trên và mở rộng trường khoảng 40 tỉ đồng, trong đó khoảng 20 tỉ đồng là chi phí di dời, 20 tỉ đồng còn lại là cho viêc mở rộng trường Lê Quý Đôn.

Đại diện của trường Lê Quý Đôn cho biết, trường đã lập phương án di dời và mở rộng trường Lê Quý Đôn từ năm 2010 cho các cơ quan thành phố. “Trong thời gian chờ duyệt thì xảy ra sự việc nêu trên”, vị này nói.

Có trái với nghị quyết HĐND thành phố?

Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP.HCM từ trước đến nay vẫn là ưu tiên cho giáo dục, trong đó có việc mở rộng và nâng cấp các trường học hiện hữu. Quan điểm này được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, nhất là tại các văn bản, kỳ họp HĐND thành phố, như tại nghị quyết số 23 năm 2005 của HĐND TP.HCM đã tiếp tục yêu cầu: các cơ quan chuyên môn phải nhanh chóng di dời các hộ dân trong khuôn viên trường học, bệnh viện, các cơ sở văn hoá, thể dục thể thao…; đồng thời thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở kinh doanh gần trường học.

Chính UBND thành phố tại quyết định 02 năm 2003 về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020 cũng đã được định hướng và khẳng định rõ: thành phố thu hồi các diện tích đất bị chiếm dụng trái phép trong khuôn viên các trường để mở rộng thêm mặt bằng. Tuỳ theo điều kiện hiện có các trường đề xuất các giải pháp giữ nguyên, cải tạo hoặc mở rộng, nâng cấp kết hợp với xây tầng cao để dành diện tích đất cho sân chơi, thể dục – thể thao…

Từ năm 1997, lãnh đạo thành phố sau khi đi kiểm tra các trường học đã chỉ đạo ban giám đốc sở Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và kiên quyết chủ tr­ương thu hồi tất cả mặt bằng (nhà và đất) đã sử dụng sai mục đích giáo dục. Từ nay, cấm các trường tự ý tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc cho thuê mướn mặt bằng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài mục đích giáo dục trong khuôn viên trường học. UBND quận/huyện, phường/xã có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ cho các trư­ờng đóng tại địa ph­ương giải toả hàng quán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng môi tr­ường sư­ phạm…

Nhóm phóng viên 

Ông Lê Hiếu Đằng (phó chủ tịch hội đồng Tư vấn pháp luật UBMTTQ Việt Nam):
Đừng đi ngược với đường lối

Ở TP.HCM hiện nay có những trường có truyền thống, được xây dựng đúng quy cách như Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Trưng Vương…, vì vậy thành phố đã có chủ trương tất cả các nhà ở, công ty nằm trong phạm vi trường học đều phải di dời. Chủ trương này đã có trước đây khi tôi làm đại biểu HĐND và xuyên suốt cho đến tận hôm nay. Về việc mở rộng trường Lê Quý Đôn, quan điểm của tôi là các hộ dân, ngân hàng Công thương ngụ trong khuôn viên nhà trường đều phải di dời để trả lại nguyên hiện trạng như trước đây. Nếu để ở đây mọc lên một cao ốc là vi phạm nghị quyết của HĐND, vi phạm chủ trương định hướng ưu tiên cho giáo dục và y tế của chế độ ta.

Theo tính toán của tôi, nhà của bốn hộ dân này chưa được hoá giá thì tiền bồi thường cũng không quá lớn, để đến nỗi thành phố không có tiền ngân sách để bồi thường. Nếu để ngân hàng xây cao ốc ở đây rồi sau này mới giải toả thì tiền bồi thường còn nhiều gấp bội.

Hiện nay chúng ta đang phê phán việc xây cao ốc quá nhiều tại khu trung tâm gây tắc nghẽn cho giao thông. Nếu bây giờ xây một cao ốc tại đây sẽ phá vỡ cảnh quan chung của khu vực, không chỉ cơ hội mở rộng trường Lê Quý Đôn bị thu hẹp mà sẽ gây dư luận không tốt trong dân. Tôi không biết tại sao sở Xây dựng lại cấp phép cho ngân hàng xây cao ốc tại đây? Khi cấp phép có tham vấn ý kiến của sở Giáo dục và đào tạo, sở Quy hoạch và kiến trúc hay không? Còn lý do UBND thành phố đưa ra là rất vô lý, không chính đáng, không đặt lợi ích của giáo dục lên trên. Có gì khuất tất trong này không?

-----

Ông Nguyễn Minh Hoàng (đại biểu HĐND, nguyên trưởng ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM):
Ưu tiên mở rộng trường Lê Quý Đôn

Thành phố nên cân nhắc, không nên cho xây một cao ốc sáu tầng tại khu đất trên. Bởi xuyên suốt trong các nghị quyết của HĐND thành phố từ trước đến nay chúng ta luôn ưu tiên cho phát triển giáo dục. Khu đất của ngân hàng Công thương nằm trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn thì thành phố nên cho sở Giáo dục và đào tạo thực hiện tiếp dự án mở rộng trường. Nếu bây giờ để cho ngân hàng xây cao ốc thì năm đến mười năm nữa tiền bồi thường sẽ tăng lên rất nhiều, việc mở rộng trường sẽ khó khăn hơn. 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: