Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Góc nhìn Nếp nhà Hà Nội xưa

Nếp nhà Hà Nội xưa

Viết email In

Từ Hán Việt gọi là “gia phong”, từ Nôm thì gọi “nếp nhà” đều để nói về phong cách hay lối sống của gia đình người Việt. Chữ “gia phong” nghe sang trọng kiểu cách, còn “nếp nhà” nghe mộc mạc, bình dân.

Nói đến Hà Nội xưa thường nói đến chế độ cũ (trước 1945 hay 1954), chẳng phải chỉ vì nó là cái mốc chuyển đổi về chế độ chính trị mà vấn đề lại chính là những thay đổi trong mối quan hệ giữa con người và những hệ thống giá trị mới.

Ở độ tuổi của tôi, cái gọi là “Hà Nội xưa” chỉ là những năm tháng sống trong Hà Nội thời tạm chiếm là thời điểm xã hội đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh và những xáo trộn trong đời sống xã hội. Nhưng những nếp cũ vẫn còn rất đậm nét.


Có những ngôi nhà ở phố cổ chẳng mấy khác xưa, nhưng gia phong thì đã ít nhiều mai một - Ảnh: Giang Huy

Đặc điểm đầu tiên tạo nên văn hoá Hà Nội, một đô thị xưa là mỗi ngôi nhà đều chỉ có một chủ, cho dù đó là những gia đình “tam đại hay tứ đại đồng đường”. Vì mỗi nhà mỗi chủ cho nên cái nếp nhà được gìn giữ phù hợp với gia cảnh. Hà Nội có những phố của người khá giả, cũng có những phố của người trung lưu hay những phố nghèo, rồi có khu lao động. Tuy nhiên, ngay mỗi phố cũng có nhiều hạng người có gia cảnh khác nhau về tài sản, thân phận hay nghề nghiệp... sống xen kẽ với nhau.

Tập tính gắn bó với quá khứ, quan niệm về nơi ở (an cư lạc nghiệp) khiến người Hà Nội xưa ít muốn thay đổi cư trú, chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ do hoàn cảnh. Ví như gia đình tôi, từ khi ông nội từ Nam Bộ ra Hà Nội lập nghiệp cho đến nay, gia đình vẫn sống trong một ngôi nhà ở phố Hàng Đường. Nhìn lại những tấm ảnh cũ chụp hồi đầu thế kỷ, mặt tiền của ngôi nhà chẳng mấy khác xưa. Tuy vậy, quan hệ hàng phố nói chung được gìn giữ do quan niệm gốc gác “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau” của người Việt thôn quê trước khi trở thành thị dân. Với mỗi nhà, quan hệ láng giềng luôn được coi trọng đôi khi trở nên thân tình như người nhà.

Đó là chưa kể những mối quan hệ của những người đồng hương, dấu tích của các phường nghề xưa có chung một quê gốc, thờ chung một vị thành hoàng và hằng năm cùng về quê trẩy hội làng. Người ăn nên làm ra ở thành thị luôn thấy mình có nghĩa vụ với quê hương bằng những đóng góp (cúng tiền vào chùa chiền, xây dựng các công trình công cộng như xây đường làng, đào giếng...) và “đầu tư” bằng cách mua ruộng hay mua cả chức sắc trong làng. Vì thế mà không ít người Hà Nội, thời cải cách ruộng đất cùng bị quy là địa chủ. Việc đưa con cháu về quê mỗi dịp Tết nhất, giỗ chạp hay hội làng cũng là dịp thăm mồ mả, thăm họ mạc, chứng kiến những đóng góp của ông bà, cha mẹ với quê hương cũng là một cách để giữ nếp nhà.

Quan hệ xóm giềng chính là cái môi trường để mỗi gia đình giữ được “nếp nhà” của mình trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi gia cảnh. Ngày ấy sự đố kỵ ít, sự bao dung nhiều nên trong gia đình, sự giáo dục luôn hướng về cái thiện. Gặp người hàng xóm nghèo thì cha mẹ người giàu hơn luôn dạy con cháu giữ ý tứ để không tạo nên sự mặc cảm của hàng xóm và lại luôn nhắc đến cái câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhở con cái nhà mình.

Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính dưới nhường”. Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức, nhưng những thành viên trong một nếp nhà thấy rất tự nhiên.

Ngày giỗ Tết luôn được coi trọng không chỉ vì những quan niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà vì đó là cơ hội để những người trong họ tộc gặp nhau, là cơ hội giúp cho thế hệ trẻ nhận biết cộng đồng đông đảo và những mối quan hệ “dây mơ rễ má” của những người trong họ mạc để ứng xử và giữ mối dây liên hệ.

Đương nhiên, ngày Tết luôn là cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ gia đình, họ tộc, quê hương, cũng là để sang sửa lại cái “nếp nhà” đã được gìn giữ như một truyền thống. Việc đi tảo mộ, chăm sóc ban thờ, chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên và những hoạt động tín ngưỡng hay tôn giáo khác: Cúng trời đất, thổ thần thổ địa, đi chùa, thăm hỏi những bậc bề trên trong gia tộc hay xóm giềng cũng chính là cách để chỉnh đốn nếp nhà sau một năm không ít những tác động có thể làm suy suyển cái nếp ăn thói ở của mỗi thành viên trong gia đình.

Đó là chưa kể đến mối quan hệ “giữa kẻ ăn người ở” là những người giúp việc trong gia đình (anh xe, chị bếp, con sen, vú nuôi hay u già...). Tuy là người làm công ăn lương, quan hệ rất rõ ràng chủ-tớ, nhưng vẫn có mối thâm tình. Có những gia đình u già hay người quản gia điều hành việc nhà với sự nể nang hay tin cậy giao phó của người chủ. Nó khác xa với mối quan hệ giữa chủ nhà và các “ôsin” thời nay. Vài tháng mới đây, người u già bên nhà vợ tôi vừa qua đời ở tuổi đã ngoại 90. Một thời, bà từng chăm bẵm “lũ trẻ” bên đàng vợ, tất cả nay đều ngoại lục tuần. Vì hoàn cảnh thời cuộc, bà không ở với gia đình tôi, nhưng khi có tuổi lại về sống cùng nhà cho đến một vài năm cuối đời mới về quê sống cùng các cháu. Ngày bà qua đời, cả gia đình bên vợ tôi vẫn đến chịu tang như người trong nhà.

Trên ban thờ của mỗi nhà, theo cổ lệ luôn có một cuốn gia phả cất kín đáo trong án thờ. Truớc thì gia phả viết bằng chữ nho, những trang về sau thì viết cả bằng chữ quốc ngữ. Trừ những nhà khoa bảng hay cự tộc, còn gia phả thường dân viết ngắn gọn và mạch lạc tên tuổi, sắp xếp theo thế thứ, có đôi điều về hành trạng nghề nghiệp và quan trọng hơn hết là năm sinh cùng ngày giỗ...

Chiến tranh, loạn lạc đã đảo lộn Hà Nội và cuộc sống của mỗi gia đình vào những năm 1946-1947, nhưng nó chỉ thực sự đảo lộn vào thời điểm mà tôi chứng kiến nhiều gia đình Hà Nội di cư vào Nam hay ra nước ngoài. Nhà cửa của họ rồi ngay nhà cả của những người còn ở lại cũng bị chia, đổi với những người dân tứ xứ kéo về. Họ là những người tốt, nhưng thói ăn nếp ở không giống người bản địa. Mỗi ngôi nhà bị chia năm xẻ bảy cho nhiều gia đình với nhiều gia cảnh khác nhau. Sự chật chội cùng những khác biệt về nếp sống dẫn đến cảnh “đá thúng đụng nia”, thay vì sự chia sẻ lại là sự tranh giành. Hai chữ “đồng chí” từ những người thân của gia đình từ chiến khu về xưng hô, ban đầu nghe vừa lạ vừa thiêng, dần dà làm cho ngôi thứ, tôn ti trong nếp nhà, ngoài xã hội bị đảo lộn...

Cho đến hôm, chị người làm - lúc này gia đình không dám thuê người giúp việc một phần vì kinh tế bắt đầu khó khăn, phần vì lo thuê người là bóc lột - tìm đến thì thầm với mẹ tôi rằng các vị trong ban cải tạo đến dò hỏi xem mỗi bữa giỗ chạp trong nhà ta ăn uống bao nhiêu mâm để họ tính toán thành phần... Rồi người Hà Nội gốc “được” tổ chức ra ngoại thành xem các phiên toà xử địa chủ... Tất cả để chuẩn bị cho một cuộc cải tạo không kém phần “long trời lở đất” ở chốn thị thành này.

Lúc đó, ở độ tuổi trẻ con, chúng tôi vẫn hào hứng đón nhận cuộc sống mới với tấm khăn quàng đỏ trên vai, với phong trào kế hoạch nhỏ, với những bài hát và sinh hoạt theo những giá trị mới... Nhưng với thời gian nhìn lại, trong con mắt của người chép sử, thì đó cũng là lúc “nếp nhà” của người Hà Nội xưa bắt đầu bị công phá. Cái cũ mất đi, cái mới xuất hiện cũng là lẽ thường tình. Nhưng không thể không nuối tiếc khi nhận ra những giá trị tử tế xưa không còn, mà cái mới chưa làm nên giá trị tử tế trong đời sống người Hà Nội ngày nay và cũng cảm nhận được rằng nó chưa phải đã mất hẳn...

Dương Trung Quốc

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo