Biến đổi khí hậu: "Sống chung với lũ"

Thứ năm, 09 Tháng 12 2010 02:16 Nhịp cầu Đầu tư
In

Vào ngày 29/11, đại diện của các quốc gia trên toàn thế giới đã họp mặt tại Cancun, Mexico để bàn về các vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ Hội nghị Copenhagen vào tháng 12/2009 nhằm tìm ra những giải pháp cụ thể về môi trường. Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu cho rằng, dù thế giới có chung tay hành động thì cũng không thể ngăn được tình trạng biến đổi khí hậu. Điều cần làm là học cách sống chung với hậu quả.

 

Chỉ tiêu 2°C: giấc mơ viễn vông

Nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 0,7°C trong thế kỷ XX. Và mỗi năm trôi qua trong thế kỷ này đều cho thấy sự ấm hơn so với năm trước đó. Những quốc gia ký Hiệp ước Copenhagen đã cam kết sẽ giảm lượng thải khí carbon để đạt chỉ tiêu đặt ra, đó là trái đất không ấm lên quá 2°C so với trước thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp (thế kỷ XVIII-XIX). Tuy nhiên, ông Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho rằng, “chỉ tiêu này quá hoàn hảo không thể tin nổi”.


(ảnh minh họa: topnews.in) 

Bởi lẽ, để đạt chỉ tiêu trên, tỉ lệ khử carbon của thế giới (tức mức giảm lượng carbon thải ra trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội) phải tăng gấp 2 lần trong 10 năm tới, tức 2,8% mỗi năm. Trong khi đó, ông Birol cho biết, kỷ lục về tỉ lệ khử carbon hằng năm cao nhất đến nay cũng chỉ là 2,5%.

Tuy nhiên, con số 2,8% chỉ là bước đầu. Từ năm 2020 đến 2035, tỉ lệ khử carbon cần phải tăng gấp đôi lên tới 5,5%. Sự không khả thi này đã khiến cho nhiều nhà làm chính sách cũng như các nhà khoa học khí hậu phải nhìn nhận rằng, chỉ tiêu 2°C là một giấc mơ viễn vông.

Điều đó có nghĩa là thế giới phải học cách sống chung với lũ, tức chấp nhận việc nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm, trái đất nóng hơn, mực nước biển cao hơn cũng như những hậu quả từ sự thay đổi khí hậu như các trận nắng nóng như thiêu đốt, hay lũ lụt triền miên, vốn xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây.

Với những thảm họa như trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra tại Pakistan trong năm nay, thế giới càng phải nhìn nhận vấn đề sống chung với lũ một cách nghiêm túc và việc thích ứng phải được triển khai ngay bây giờ, trước khi hậu quả càng trở nên nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc thích ứng không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, sẽ cần đến nhiều cách thích nghi khác nhau để đối phó với những kiểu khí hậu khác nhau trong tương lai. Và thách thức lớn nhất là vấn đề tài chính. Các nước nghèo sẽ gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu. Cho dù có đầy đủ các điều kiện thuận lợi thì kết quả từ việc thích nghi chưa chắc đã như mong đợi. Một báo cáo 2009 về mức thiệt hại của tình trạng ấm lên đối với nền kinh tế thế giới cho thấy, có tới 2/3 trong tổng mức thiệt hại không thể bù đắp bằng việc đầu tư vào các giải pháp thích ứng; và nền kinh tế sẽ gánh chịu việc giá cả tăng cao hơn và tốc độ tăng trưởng thấp hơn.

 

Thích ứng thế nào?

Đối với các nước giàu, họ có thể tài trợ các dự án chống biến đổi khí hậu quy mô lớn. Mặc dù phần lớn diện tích của Hà Lan nằm dưới mặt nước biển, nhưng người dân nước này có thể nhìn vào viễn cảnh mực nước biển tăng lên với thái độ khá bình thản. Quốc gia này đã vạch ra các kế hoạch đối phó với tình trạng nước biển dâng lên hơn 2 m vào năm 2200. Theo đó, chi phí để tránh một trận lũ tồi tệ nhất có thể xảy ra trong 10.000 năm lên tới 1,5-3 tỉ USD mỗi năm. Mức chi phí này Hà Lan có thể kham nổi.


Thames Barrier (Anh), đập nước ngăn lũ lớn thứ 2 thế giới.

Các quốc gia giàu có khác cũng có thể tiến hành các biện pháp tương tự. Đập nước Marina Barrage có thể giúp bảo vệ Singapore khỏi các trận lũ cũng như tăng khả năng lưu trữ nước ngọt của quốc gia này. Còn Anh thì xây Thames Barrier, đập nước ngăn lũ lớn thứ 2 thế giới, để bảo vệ thành phố London khỏi cơn lũ tồi tệ nhất có thể xảy ra trong hơn 1 thiên niên kỷ. Trung tâm Khí tượng Met Office của Anh cho rằng, đập nước vĩ đại này, cùng với các biện pháp khác, sẽ có thể giúp họ chống sự biến đổi khí hậu trong thế kỷ này.

Trong khi đó, các nước nghèo thường không có đủ tài chính, trình độ kỹ thuật cũng như thiếu các thể chế chính trị để triển khai những dự án lớn như thế. Đã vậy, họ lại là những quốc gia chịu nhiều rủi ro hơn từ tình trạng biến đổi khí hậu, do phụ thuộc nhiều vào hoạt động trồng trọt hơn các nước giàu.

Cây trồng cực kỳ nhạy cảm trước những thay đổi về nhiệt độ hay lượng mưa. Giới chuyên gia lo ngại, nếu nhiệt độ phá vỡ một ngưỡng chịu đựng nào đó của cây trồng thì thiệt hại là rất lớn. Qua quá trình phân tích về các dữ liệu trồng trọt ngũ cốc, 2 nhà nghiên cứu Wolfram Schlenker (Đại học Columbia ) và Michael Roberts (Đại học bang North Carolina) đã tìm thấy các ngưỡng nhiệt độ cho bắp, đậu nành và bông, vốn là 3 cây trồng lớn nhất của Mỹ xét về giá trị. Theo phân tích của họ, chỉ cần một ngày cực kỳ nắng nóng là có thể làm giảm 7% năng suất hằng năm.

Rõ ràng, việc thích ứng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tìm cách nâng cao sản lượng cây trồng, tăng khả năng chịu đựng của cây trồng trước tình trạng khan hiếm nước và nhiệt độ thay đổi. Không những thế, các nhà nghiên cứu còn phải tìm ra những biện pháp phòng chống dịch bệnh và cải thiện nguồn đất.

Rõ ràng, tài chính và công nghệ là 2 vấn đề cực kỳ quan trọng trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước giàu có thể đưa các chương trình chống lũ, cải tạo đất hay thoát nước trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế. Nhưng các nước nghèo chắc chắn sẽ chọn các biện pháp thích ứng đơn giản hơn.

Chẳng hạn, với việc trồng trọt trở nên ngày càng khó khăn, nhiều nông dân sẽ chọn cách từ bỏ ruộng đất và vào sống ở các thành phố. Hiện tại, đã có hơn 50% dân số thế giới sống ở các đô thị. Có thể 3/4 dân số hoặc hơn sẽ tiến về các thành phố vào giữa thế kỷ này. Đây là thách thức lớn cho các nước nghèo trong việc quy hoạch đô thị và giải quyết các vấn đề xã hội.

Đàm Hoa (Theo The Economist

>> Hội nghị Cancun: Cư dân thành thị cần thay đổi cách sống 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: