Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Bảo tồn di sản: Từ Ô Quan Chưởng đến Vườn Chuối

Bảo tồn di sản: Từ Ô Quan Chưởng đến Vườn Chuối

Viết email In

Chuyện bảo tồn di tích tại Hà Nội lại trở thành đề tài nóng khi cùng lúc hai sự việc xảy ra. Người ta vừa không ngớt bàn tán về diện mạo mới của Ô Quan Chưởng sau đợt một dự án trùng tu cửa ô cuối cùng của Hà Nội, trong khi di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, cũng là một di tích có giá trị lịch sử to lớn, lại đang từng ngày bị phá hoại bởi máy xúc, máy ủi để biến thành khu đô thị mới mà gần như chẳng ai biết đến. Hai sự kiện đặt ra hai câu hỏi về một vấn đề: lại chuyện bảo tồn di sản.

Ô Quan Chưởng: Áo còn có thể thay…


Ô Quan Chưởng tiếp tục được quét lớp sơn mới lên trên lớp sơn màu gạch gây tranh cãi - Ảnh chụp ngày 5/11. (Ảnh: Dung P.)

Dự án trùng tu Ô Quan Chưởng với số vốn 74.500 USD do quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Mỹ tài trợ đã được triển khai từ cuối năm 2009. Nhưng đến đầu tháng 11 vừa qua, khi những tấm bạt lớn che chắn công trình được bỏ đi, người dân thủ đô thực sự bất ngờ với diện mạo mới của công trình vốn đã trở thành một trong những biểu tượng của một Hà Nội cổ kính.

Một lớp chất liệu màu nâu mới được khoác lên toàn bộ phần trên của công trình. Được biết, đây là lớp màu lót bên trong và từ ngày 4/11, các chuyên viên viện Bảo tồn di tích tiếp tục thay đổi diện mạo của công trình bằng một lớp vôi trắng. Và chính những lớp chất liệu được sơn phủ lên Ô Quan Chưởng là lý do gây tranh cãi khi mà một công trình đang mang đầy nét cổ kính với rêu phong, gạch cũ trở thành một công trình giống như… mới được xây.

Vừa chỉ cho chúng tôi chi tiết hoa văn trên đỉnh mái của gian thờ, kỹ sư Thuấn, người trực tiếp làm việc tại công trình trùng tu Ô Quan Chưởng, cũng là người đã tham gia trùng tu đình Chu Quyến, phân tích: “Nguyên tắc tiên quyết của bất cứ dự án trùng tu nào là gìn giữ tối đa nguyên trạng và những tác động phải làm sao để công trình đúng như khi nó được tạo nên. Vì thế đa số những chi tiết như thế này chúng tôi không tác động vào và thực hiện công việc quét lớp sơn lót cho công trình làm sao để màu mới phù hợp nhất với màu gốc”.

Ông Thuấn cho biết màu của mỗi lớp chất liệu được sơn lên đều được sử dụng đúng các thức thi công của dân gian xưa theo những gì còn được ghi chép lại và lời kể của người cao tuổi sống quanh cửa ô này. “Chúng tôi cũng phải tính toán các yếu tố như hướng nắng, sự ảnh hưởng của độ ẩm, khí hậu, của môi trường quanh công trình..v..v.. để làm sao lớp áo mới của cửa ô trở về là đúng chiếc áo mà nó được may đo. Nhưng để đạt được hiệu quả cuối cùng, không thể ngay lập tức mà sẽ còn phải mất nhiều thời gian để các kỹ thuật trùng tu được trải qua quá trình tác động thực địa”.

Chuyện những công trình mà phải nhiều năm sau khi kết thúc công việc trùng tu mới được thừa nhận về hiệu quả cũng không phải hiếm trên thế giới.

Nhưng ngược lại, những bài học nhãn tiền và đắt giá về lối trùng tu “sơn phết” tại Hà Nội trong vài năm qua cũng không ít. Và có lẽ cái gốc của cuộc tranh luận về chiếc áo mới của Ô Quan Chưởng sâu xa dẫn đến sự nghi ngờ do tỉ lệ các công trình được trùng tu thành công càng ngày càng thấp so với các công trình bị phá hoại vì trùng tu bừa bãi. Dư luận có thể phản đối hoặc ủng hộ. Nhưng thực tế là Ô Quan Chưởng đã được sơn những lớp chất liệu mới. Và lớp sơn thì không thể bóc ra được như cái áo không muốn mặc nữa thì cởi ra. Có lẽ chỉ còn cách… chờ xem thế nào. 

Di tích Vườn Chuối: tất cả đều… chờ

Giữ nguyên trạng là tối ưu với bảo tồn di tích Ô Quan Chưởng. Nhưng với di tích khác lại là nguy cơ. Đó là trường hợp của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, một di tích nằm trên địa bàn thủ đô có nguy cơ bị xóa sổ.


Hai ngôi mộ cổ Đông Sơn có niên đại 2000 năm được khai quật tháng 12.2009 tại di chỉ Vườn Chuối. (Ảnh: Dung P.)

Được khai quật lần đầu năm 1969 rồi tiếp theo là hai đợt khai quật lớn năm 2002 và 2009, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội được xác định là phức hợp di chỉ khảo cổ tiêu biểu cho văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn. 

Nhưng cũng chính trong cuộc khai quật tháng 12.2009, các nhà khảo cổ mới giật mình phát hiện ra phức hợp di chỉ này nằm gọn trong quy hoạch của dự án xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. 

Nếu không có cuộc khai quật cách đây một năm, chắc chắn di chỉ này sẽ bị xóa sổ. Bởi ở vào thời điểm đó không cơ quan nào được xác định một cách rõ ràng là đơn vị quản lý di chỉ. Thực trạng của di chỉ cũng chỉ là những gò đồi, cỏ mọc um tùm trên một cách đồng rộng nằm cạnh quốc lộ 32. Còn đại diện ban quản lý dự án thì chỉ biết về một di chỉ khảo cổ trong quy hoạch dự án của mình khi… đọc báo. 

  • Ảnh bên : Và hiện trạng của di chỉ một năm sau: cỏ mọc um tùm với hàng cọc bê-tông chạy cắt qua di chỉ. (Ảnh: Dung P.)

Theo công văn gần nhất của Sở VH,TT & DL, cuộc khai quật được xác định diễn ra trong khoảng thời gian từ 20/9 tới 20/12 năm 2010 với diện tích khai quật là 300m2. Nhưng cho tới ngày bài viết này được thực hiện, cuộc khai quật vẫn chưa được tiến hành.

Các nhà khảo cổ thì chờ Bảo tàng Hà Nội thực hiện các thủ tục để bắt đầu khai quật. Bảo tàng Hà Nội thì chờ thẩm định kinh phí chi tiết (dự kiến là khoảng 1 tỉ đồng).

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án không hề chờ. Cứ vài tháng, họ lại cho máy xúc, máy ủi tới xâm phạm một “miếng” di tích với đủ lý do, mục đích.

Và những tên trộm cổ vật cũng không chờ. Chỉ trong năm 2010, đã có hai vụ trộm bị bắt. Đó là chưa kể những vụ không bắt được hoặc không được biết.

1 tỉ đồng cho một cuộc khai quật mà mức độ cần thiết có thể tính theo từng ngày, từng tuần và từng tháng. Nhưng đến nay vẫn trong tình trạng… chờ. Như thế, việc gìn giữ và bảo tồn di sản của Hà Nội liệu có phải đang rất có vấn đề? 

Dung P.

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo