Hà Nội sẽ ra sao ngày sau?

Chủ nhật, 03 Tháng 10 2010 10:04 DNSG
In
Hướng đến niềm vui Đại lễ nhưng du khách đến Hà Nội còn vấn vương bao câu hỏi. Hà Nội cổ kính hay cũ, đang chú ý bảo vệ kiến trúc cổ chứ chưa đặt vấn đề bảo vệ văn hóa phi vật thế nên không gian văn hóa đảo lộn... Những trình diễn trong Đại lễ sẽ là dịp để nhận diện lại một di sản văn hóa và tinh thần quý giá của Hà Nội, của Việt Nam. 

Hà Nội đang thật rộn rã trong không khí Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt ở những khu phố cũ trên dưới trăm tuổi mang ký ức Đông Dương thuộc địa Pháp. Đó vẫn còn là con phố đẹp lộng lẫy với những khu biệt thự mang phong cách kiến trúc của miền Nam nước Pháp, du nhập vào Hà Nội từ thập niên 1910. 

Phố Ngô Quyền sang trọng chạy ngang qua Nhà khách Chính phủ (xưa là Bắc bộ Phủ), vườn hoa Chí Linh (hình như nay cũng đã đổi tên), khách sạn Sofitel Metropole xây dựng từ năm 1901, rồi ngoặt qua phố Tràng Tiền có hiệu sách ngoại văn một thời bán toàn sách tiếng Nga cùng với quầy bán tờ Newsweek trên vỉa hè. 

Tràng Tiền không sang bằng Ngô Quyền, nhưng lại mang vẻ đẹp rất Hà Nội, một Hà Nội luôn gợi lên nỗi nhớ trong lòng người Hà thành đã đi xa với những căn nhà đã bắt đầu hơi hẹp, có những ô cửa kiểu Pháp dẫn bước chân mơ mộng đến với quảng trường Nhà hát lớn, đến với Viện Viễn Đông Bác Cổ nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Đầu phố Tràng Tiền nhìn ra Hồ Gươm thì có nhà Goda mà hầu như mọi người sống ở Hà Nội thời bao cấp đều gọi nó là “Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền”, trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội và đứng đầu các trung tâm thương mại thế giới về “điển tích” những ngăn kệ thênh thang trống không, không có hàng hóa, là kỷ niệm một thời chiến tranh gian khó. 

Gần khu này còn có Nhà in báo Nhân Dân, trước kia là nhà in to nhất Hà Nội. Con phố này từng in dấu chân của các cây bút đã làm nên nền phóng sự Việt Nam trước năm 1945: Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố và Tam Lang, những người đã mô tả hết sức chân thật thân phận con người trong những trang phóng sự hiện thực. 

Những con phố cũ của Hà Nội được trang hoàng lộng lẫy để đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những chùm ánh sáng huyền ảo tỏa ra từ những chiếc đèn nghệ thuật, rồi hàng trăm cuộc triển lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề, những cuộc hòa nhạc, triển lãm trên phố, trai thanh gái lịch Hà Nội háo hức chụp ảnh để gửi lên blog. 

Hà Nội mang vẻ đẹp sang trọng, bền vững với thời gian, được làm nên bởi huyền sử, bởi những nền văn hóa giao thoa, thế nên chỉ có thể cảm thấy và hưởng thụ, chứ không thể cầm nắm và sở hữu. 

Đứng ở phía những con phố cũ chỗ Nhà Bưu điện Thành phố, bên kia Hồ Gươm phẳng lặng, sẽ nhìn thấy những ô phố cổ của Hà Nội ba sáu phố phường hiện ra, không phải lặng lẽ như trong tranh Bùi Xuân Phái, còn rất ít màu tím, màu vàng sang trọng đặc trưng của phố Phái. Phố cổ Hà Nội nằm bên cạnh phố cũ kiểu Pháp có thân phận ngang trái hơn nhiều. 

Trong những ngày này, đi ngang những con phố mang những cái tên rất bình dị nhưng cũng rất đỗi thân quen với tuổi thơ: Hàng Buồm, Hàng Bạc, Tạ Hiện, tôi hình dung người sống trong các con phố này hình như đã rất cố gắng gạt sang một bên những bất cần, xô bồ, để cùng với Hà Nội tạo ra một không gian cổ kính, đẹp như mong muốn. 

Nhưng quả là rất khó. Việc giữ gìn những khu phố cổ được đặt ra quá chậm đối với ba mươi sáu phố cổ Hà Nội. Những chính sách bảo vệ bằng Luật Di sản Văn hóa chưa có nhiều tác động. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đưa ra khái niệm cổ - cũ khi nói về thực trạng phố Hà Nội là cổ kính hay cũ nát để có những giải pháp tốt bảo vệ. 

Theo ông, một khu phố cổ phải có nhu cầu là một sinh thể phát triển. Hà Nội đang chỉ chú ý bảo vệ kiến trúc cổ, chứ hoàn toàn chưa đặt vấn đề bảo vệ văn hóa phi vật thể. Không gian văn hóa cũ đảo lộn. Không hiếm cảnh du khách dừng chân ở một ngõ cổ, thở dài khi nhìn sâu vào bên trong không gian tăm tối, nơi chỉ một căn nhà xưa mà đã bị chia năm xẻ bảy, trở thành nơi trú ngụ cho cả chục gia đình mới. 

Dân cư ở khu phố cổ cứ tăng dần lên, lấn chiếm các không gian trống của các sân giữa. Đình, chùa ở các làng bị biến thành nơi ở, nơi làm việc. Ngay phố Lò Sũ, tìm mỏi mòn mới thấy đền thờ Thành Hoàng làng nay đã là những cái khách sạn mini. 

Những con đường mang tên nghề truyền thống đã không còn thấy vết tích. Những Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Đường đi kèm với một vài cửa hiệu nổi tiếng còn tồn tại gần như là của hiếm mà vài gia đình còn lưu giữ được. 

Chiều ấy, Hà Nội có một cơn mưa, thỉnh thoảng vẫn mưa như thế vào buổi chiều. Nhìn dòng người lầm lũi rảo bước trong cơn mưa chiều, sực nhớ mới đây trong các góp ý cho Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội sắp đến, người ta nhận thấy không có góp ý nào đặt vấn đề kêu gọi xây dựng văn hóa con người. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc khi viết về “Hà Nội, những nhân vật văn hóa”, ông chỉ đơn giản nhưng sâu sắc nói về chiều dày của thời gian: 

"Có người là võ tướng, là lương y, có người là tổ nghề, cô giáo, có người là bà hoàng hậu xấu số, là nhạc sĩ bất tử... Có người đã qua đời cách đây hàng ngàn năm, nhưng cũng có những người mới nhắm mắt xuôi tay chừng một, hai thập kỷ. Dù sống rất xa nhau về thời gian, nhưng họ đã góp phần làm nên văn hiến Thăng Long - Hà Nội". 

Giờ đây, bất kể Hà Nội phố, làng hoa hay khách sạn cao tầng bên hồ Tây, hay gì đi nữa, tiêu biểu của Hà Nội vẫn là con người, những chủ nhân thừa kế và là hình ảnh sống động của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Người Hà Nội ở đâu hôm nay? 

Có một người sinh ra và lớn lên ở giữa phố cổ đã nói cực đoan: “35 mét vuông đất ở Ngõ Huyện gần Nhà thờ lớn Hà Nội có giá đến 7 tỷ đồng, nhưng có tiền thì vẫn nên mua để ở, vì đấy là Hà Nội; còn từ chợ Đồng Xuân trở ra ngoài thì không còn thuộc về văn hóa Hà Nội nữa”. 

Suy nghĩ đó thật là cực đoan và chắc chắn đã xúc phạm tự ái của những tinh thần Hà Nội, nhưng chúng ta đã bị lung lạc quá nhiều khi nghe chuyện nền tảng văn hóa Hà Nội hiện tại đã lung lay thế nào. Người ta thật sự “Hà Nội” thế nào trong cái không gian tức thở, vô tổ chức để phố cổ sống lại thật sự những giá trị văn hóa nó từng có? Điều đó là không thể! 

Thủ đô đang ở trong một giai đoạn phát triển rất nhạy cảm. Những trình diễn Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi là dịp để cả nước nhận diện lại một di sản văn hóa và tinh thần quý giá nhất của đất nước. 

Làm thế nào để rồi đây Hà Nội lấy lại được những tinh hoa nhất trong tính cách người Hà Nội những năm xưa, làm sao để Hà Nội trăm năm tới không chỉ có phố cũ và phố cổ, mà những thành phố mới của Hà Nội rộng lớn hơn nhưng phải làm được nhiệm vụ giúp người ta quên cả hình ảnh cây cầu Long Biên hơn một trăm tuổi kia không? 
 
KHẢI LY

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: