Hội thảo về nhà Mạc: Công bằng cho các di sản thời Mạc

Thứ tư, 22 Tháng 9 2010 20:35 TT&VH
In

Khắt khe và phủ nhận “Ngụy triều”- đó là cách đánh giá phổ biến về nhà Mạc (1527 - 1677) của giới sử học Việt Nam giai đoạn trước 1970 cũng như trong các bộ cổ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục… Tuy nhiên, trong 30 năm gần đây, vai trò của vương triều này đã dần được nhìn nhận một cách khách quan và công bằng hơn.

1. Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam (Hội Sử học Hà Nội tổ chức vào ngày 21/9/2010) là cuộc hội thảo tiếp tục triển khai cách nhìn nhận này, với sự tham gia của hơn 50 chuyên gia trong lĩnh vực sử học và văn hóa.

Đa phần, các tham luận đều tập trung phân tích những ảnh hưởng khá tích cực của vương triều nhà Mạc tới xã hội Việt Nam giai đoạn thế kỷ 15, 16 trên nhiều lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, giáo dục, kinh tế, quân sự... Dù còn nhiều hạn chế, tư duy kinh tế của nhà Mạc cũng đã tạo nên nhiều thành quả tương đối tích cực trong đời sống xã hội và gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của một nền nghệ thuật nhà Mạc có phong cách riêng (chủ yếu ở các lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc)...

Cái mốc gần nhất cho việc khẳng định vai trò của nhà Mạc là việc UBND TP Hải Phòng cho xây dựng khu tưởng niệm các vua nhà Mạc rộng 10 ha tại quận Kiến Thụy, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2010.

2. Khẳng định các đóng góp tương đối tích cực của nhà Mạc, một số chuyên gia tại hội thảo cũng thừa nhận: việc nghiên cứu về nhà Mạc gặp khá nhiều khó khăn về sử liệu. Hầu hết các di tích nhà Mạc kể cả những ngôi chùa quan trọng đã bị triệt phá bởi nhà Lê Trung Hưng như chùa Lam Sơn ở làng Cổ Trai, chùa Phượng Nhỡn ở Lạng Thành, các làng sản xuất gốm nổi tiếng như Chu Đậu, Hợp Lễ, các cảng thị lớn như An Quý, Minh Thị, Đò Mè...

Trong một thời gian dài, việc hệ thống các di tích nhà Mạc và dòng họ Mạc bị chậm đưa vào phạm vi nghiên cứu và bảo trợ chính thống đã dẫn tới việc hàng loạt di tích bị hủy hoại, hoặc giá trị không được phổ biến. Thậm chí, đã có giai đoạn giới nghiên cứu mỹ thuật và văn học nước ta coi như không có mỹ thuật thời Mạc, không có văn học thời Mạc mà chỉ tính chung vào thời Lê.

Việc nghiên cứu, khôi phục các  di tích này bắt đầu được chú trọng từ năm 1985 trở đi. Tuy nhiên, bên cạnh một số công trình được làm tốt như đình Tây Đằng, cũng có những công trình bị biến dạng... Chính bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và phục dựng các di tích văn hóa thời Mạc là một nhu cầu có thực của các ngành sử học và bảo tồn văn hóa.   Đạo diễn điện ảnh Phạm Hùng, người có nhiều năm quay phim và quan sát thực địa trên các di tích nhà Mạc cho biết: hiện nhiều di tích nhà Mạc tại địa phương vẫn đang trong tình trạng xuống cấp. Có thể kể tới khu di tích Trà Phương tại Hải Phòng, nơi từng thờ Mạc Đăng Dung và hoàng hậu, các thành Bản Phủ, đền Đống Lân, thành Phục Hóa tại Cao Bằng, các thành Quảng Long và Xích Thổ tại Quảng Ninh...

Cúc Đường


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: