Để Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính

Thứ sáu, 10 Tháng 9 2010 06:14 TBKTSG
In

TPHCM đã, đang và sẽ là “thủ đô” kinh tế của Việt Nam. Đóng góp kinh tế của thành phố cho đất nước là rất lớn: khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa, một phần ba giá trị sản lượng công nghiệp, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 30% tổng thu ngân sách. Với vị trí như vậy thành phố không thể không là trung tâm tài chính của đất nước.

Và quả thật, hệ thống ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng khắp ở TPHCM, không ngân hàng thương mại vừa phải nào không có sự hiện diện (với cả mạng lưới của mình) tại thành phố. Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố chiếm cỡ 30% tổng dư nợ toàn quốc. Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM là sở giao dịch đầu tiên và chiếm vị thế dẫn dắt thị trường. Các công ty bảo hiểm, các ngân hàng đầu tư cũng phát triển mạnh tại thành phố. Nói cách khác, TPHCM đã thực sự là trung tâm tài chính của Việt Nam.

Tuy nhiên, để biến thành trung tâm tài chính lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, của các tỉnh phía Nam và của cả nước thì còn nhiều việc phải làm. Chưa nói đến ước mơ thành trung tâm tài chính khu vực (hay toàn cầu).

Hệ thống ngân hàng thương mại tuy đã có bước tiến lớn trong 20 năm qua, nhưng so với khu vực và thế giới vẫn còn rất yếu kém và không thể nhanh chóng cải thiện theo “mong muốn” của chúng ta. Thay vào đó cần có môi trường pháp lý hiện đại cho các tổ chức tài chính hoạt động. Ngay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa phải là một ngân hàng trung ương thật sự. Luật các tổ chức tín dụng và các quy định cho các tổ chức tài chính khác (quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, chứng khoán, tổ chức đánh giá tín dụng, các công ty quản lý tài sản...) cũng thế và cần được cải thiện khẩn cấp. Không thể phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế nếu môi trường pháp lý của chúng ta chưa tạo điều kiện cho hội nhập thật sự. Đấy là vấn đề mấu chốt đầu tiên, và đó là việc mà Nhà nước phải làm, có thể làm và cũng không thể làm trong một sớm một chiều.

Thứ đến, để trở thành trung tâm tài chính thực sự hữu hiệu của đất nước và của khu vực (hay quốc tế) phải có sự hiện diện của các tổ chức tài chính quốc tế lớn và tạo điều kiện cho họ hoạt động thuận lợi hơn, hay chí ít không kém các nơi khác (như Hồng Kông, Singapore chẳng hạn). Điều này lại liên quan đến nhiều luật lệ, từ thuế khóa, cư trú, xuất nhập cảnh, hoạt động hành chính, viễn thông...

Thứ ba, phải kéo những người nước ngoài đến làm việc. Muốn thế các thủ tục cư trú, xuất nhập cảnh, đi lại phải tốt, phải có cơ sở học hành, khám chữa bệnh tốt cho họ và gia đình họ. Đáng tiếc, tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục, y tế hiện nay chưa thật sự hấp dẫn họ. Nhà nước và thị trường (khu vực tư nhân) phải giải quyết các vấn đề này.

Thứ tư, không chỉ những người nước ngoài, mà đội ngũ người lao động Việt Nam trong lĩnh vực này (và các lĩnh vực khác) cũng phải được cải thiện một cách đáng kể cho phát triển nói chung và cho ý muốn biến thành phố thành trung tâm tài chính nói riêng. Vấn đề này, trong lĩnh vực tài chính, thì khu vực tư nhân có đóng góp quan trọng (đào tạo người), Nhà nước cũng có vai trò lớn trong giáo dục đào tạo nói chung và về tài chính nói riêng.

Theo tôi, đấy là bốn lĩnh vực quan trọng nhất để thúc đẩy việc biến thành phố thành trung tâm tài chính lớn.

Các việc khác cũng quan trọng và dễ làm hơn, như đảm bảo có chỗ làm trụ sở và văn phòng của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đảm bảo thông tin thông suốt, điện, nước... Ý tưởng biến toàn bộ khu Bến Chương Dương thành khu tài chính ngân hàng và đảm bảo các nhu cầu về điện, nước, thông tin, chỗ làm việc, là việc dễ làm, có vai trò quan trọng, song bốn điểm trên mới là các điểm chính.

Giải quyết được bốn điểm khó nêu trên, cùng việc dễ cuối cùng, sẽ tạo ra sự khuyến khích tốt để phát triển khu vực tài chính (và phát triển nói chung). Có những việc chỉ Nhà nước mới làm được và trong số đó có những việc chỉ nhà nước trung ương mới làm được (như luật). Có nhiều việc phải để cho, hay khuyến khích, khu vực tư nhân làm.

Ước vọng là một đằng, chính sách tốt và có các biện pháp cụ thể có thể thực thi và kiên quyết thực thi, lại là chuyện khác. Chính quyền địa phương có thể làm nhiều thứ để thực hiện ước vọng biến thành phố thành trung tâm tài chính mạnh (như thuyết phục nhà nước trung ương thay đổi luật pháp, có các chính sách tốt ở địa phương nhằm tạo ra môi trường thuận lợi). Tôi nhấn mạnh việc tạo ra môi trường thuận lợi và những khuyến khích đúng để cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước làm, hoạt động và phát triển; còn Nhà nước đứng ra (trực tiếp) làm sẽ hỏng, đấy không phải là việc của Nhà nước.

Có thể thấy TPHCM đã là trung tâm tài chính của đất nước, muốn nó làm tốt chức năng của trung tâm này còn cần phải làm nhiều việc (mà các điểm chính đã được nêu ở trên). Chỉ trên cơ sở đó mới có thể thu hút được sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Ước vọng chính đáng có thể trở thành hiện thực hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng không có chuyện “đi tắt, đón đầu”, không có chuyện “ngày một ngày hai” thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực, đó chỉ có thể là kết quả của sự tính toán khôn khéo, của sự lao động miệt mài và phấn đấu không mệt mỏi của chính quyền và khu vực tư nhân.

Nguyễn Quang A 

>> Đô thị TP HCM: Chất lượng quy hoạch quyết định sức hút đầu tư 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: