Hà Nội còn bao nhiêu phố “Hàng” góp cho Đại lễ?

Thứ sáu, 25 Tháng 6 2010 11:10 Vietnam+
In

Hàng Chiếu vẫn bán chiếu, nhưng Hàng Cót không còn ai buôn cót, Hàng Than nay bán bánh cốm, trà thuốc. Trong khi đó, rất nhiều "phố Hàng" đã mất tên.

Cái sự mất đó, có mất hợp lý và mất không hợp lý. Không hoài cổ những hư hao của thời cuộc nhưng thử giả thiết rằng, một lần, giữa thời điểm này, các nhà nghiên cứu Hà Nội nghĩ đến phục hồi dăm ba dòng tên phố Hàng từng ở chốn đó, ngày đó, góp vào 1.000 năm Thăng Long tới.

“Hàng” xưa mất dấu

Gần 53 chữ Hàng đứng ở tên phố, sang thế kỷ mới, mất đi gần 20 chữ. Những phố bán thứ hàng cồng kềnh theo tên phố bây giờ đã mất hẳn, như phố Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Cót, Hàng Bồ, Hàng Vôi, Hàng Thùng…

Đặc điểm của các phố có chữ Hàng đó là hầu như không sản xuất hoặc buôn bán mặt hàng nó từng mang tên ấy nữa nên đổi ra tên khác hoặc gộp vào thành một phố dài.

Hàng Than xưa bán than, nay là phố có gần trăm cửa hàng bán bánh cốm, trà thuốc phục vụ cưới hỏi. Hàng Cháo nay bán ốc vít, mũi khoan, đồ cơ khí, điện. Hàng Điếu nay khởi sắc bán chủ yếu chăn, ga, gối, đệm. Hàng Mắm không còn bán mắm. Hàng Cân không còn bán cân…

Cũng có những phố mất tên Hàng bởi "biến lưu dòng nước, thay đổi địa thiên" như Hàng Bè nay vẫn ở chốn đó nhưng Sông Hồng cứ mỗi ngày lùi xa ra phía ngoài nên việc buôn bè là không thể. Hàng Cỏ không còn ai buôn cỏ mà đã có nhà ga xe lửa từ lâu để rồi thành phố Trần Hưng Đạo.

Những khu phố “tây” sang trọng như Hàng Nón, Hàng Ngang, Hàng Lược, Hàng Cá, Hàng Hành vì sự phát triển tất yếu thời cuộc, bây giờ không biết bán mặt hàng gì là chính.

Xưa, có tên phố Hàng Gai vì là nơi bán dây câu, lưỡi câu, tất cả đều bằng sợi gai. Nay, vượt qua một thời buôn giấy, khắc con dấu, bán đồ điện, phố Hàng Gai thành phố bán tơ tằm, phục vụ khách nước ngoài.

Và bởi sự xuất hiện cái mới “trội” hơn, chiếm ưu thế cho nhu cầu của nhân dân thành phố hơn cái cũ như Hàng Sơn từng bán sơn ta nhưng đầu thế kỷ XIX có nhà họ Đoàn nghĩ ra món ăn ngon là chả cá. Từ đó, Hàng Sơn đành ngậm ngùi mất chỗ.

Cũng ít người biết tên Hàng Bát Đàn. Chiếc bát đàn là bát bằng sành, chỉ nhà nghèo mới quen dùng. Nhưng ngày nay, phố Bát Đàn có mấy hiệu phở ngon nổi tiếng, từ phở nước đến phở xào.

Hay có những "phố Hàng" gợi lại những hoài cổ ngậm ngùi về một thời Thăng Long nghèo khó nên mới có hẳn một con phố Hàng Bún vốn có tên là Hàng Mụn, tức mụn vải cũ đủ màu để vá quần áo rách.

Hay phố Hàng Chai từng là nơi chiều chiều các bà đi rong buôn bán các loại phế phẩm bằng thủy tinh, gọi chung là các bà “đồng nát, chè chai lông vịt.” Cũng mất dấu là phố Hàng Đũa - phản ánh một nét đặc biệt của người Việt Nam và một số nước Đông Á là ăn cơm bằng đũa.

Dạo qua một vòng khu phố cổ, 36 phố phường Hà Nội, ta thấy những phố tên Hàng đã mất đi rất nhiều theo tên phố.

Còn bao phố tên Hàng?

Có nhà văn đã viết về Hà Nội “phố giăng mắc cửi bàn cờ...” thành cái "chợ" trong mắt dân gian. Mỗi phố là một phố nghề, cả Thăng Long là một cái chợ khổng lồ quanh lưu vực sông Hồng. Lớp dân cư sớm nhất sống ở đây hội tụ từ các làng quê  đổ về sống thành những phường hội, mang nghề thủ công và sản vật của làng quê  mình trao đổi buôn bán. Kẻ Chợ lâu dần mà biến thành tên riêng.

Hàng Bạc xưa kia là nơi sản xuất vòng, xuyến, kiềng, vàng cho lớp người giàu sang nay vẫn còn là con phố đặc kín các hiệu vàng, bạc san sát, trải dài. Hàng Khay vẫn còn một số thợ khảm trứ danh từ mảnh gỗ, vỏ trai mà tạo nên tác phẩm thực sự, óng ánh...

Nay thành phố hiện lên nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng quần áo nhưng các thiếu nữ Hà Thành vẫn “khoái” lên Hàng Đào.

Rồi đến hẹn mỗi dịp Rằm Trung thu, các bậc phụ huynh khó mà yên được với lũ trẻ nếu không đưa chúng lên phố Hàng Mã sầm uất, ngày đêm rực rỡ giăng mắc đồ chơi cho trẻ em...


Rằm Trung thu trong phố cổ Hà Nội xưa - Phục dựng: nhóm 3D Hanoi (nguồn: Hanoi.org.vn)  

Người Hà Nội xưa có niềm tự hào tinh tế mà sâu sắc về các “phố Hàng” của mình. Ấy thế mà, các cụ ông, cụ bà vẫn tếu táo với lũ trẻ thời nay về thương hiệu người ăn theo "phố Hàng." Người Hà Nội gốc luôn tự hào là trai Hàng Bạc bảnh bao, lịch thiệp. Gái Hàng Đào kiều diễm, thanh lịch. Ăn ngon thì phải ăn ở cao lâu Hàng Buồm. Mua sắm các vật dụng làm đẹp thì phải ghé Hàng Đào, Hàng Ngang.

Thử đơn cử một hiện tượng thú vị là gần đây nhiều người dân Hà Nội vô tư, tự nhiên gọi dãy phố Ngô Thì Nhậm, Đào Duy Anh là "Hàng Mít," đơn giản dọc phố này bán thật nhiều mít, thơm ngậy mùi mít, vàng ươm màu mít... nghe như đã có lâu lắm rồi, xưa cũ, duyên duyên và nghiễm nhiên như những phố hàng ẩm thực Hàng Chuối, Hàng Khoai…

Vẫn biết sự phai hương, nhạt sắc của phố mặt phải là sự chuyển dịch, hoán đổi tự nhiên, là nhu cầu phát triển tất yếu và kịp thời của xã hội. Dẫu vậy, việc mất đi những "hàng" theo tên phố vốn được gói ghém trong lòng phố cổ luôn gây không ít bồi hồi, luyến tiếc cho nhiều người.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Tên những 'phố Hàng' của Hà Nội có từ xưa, gắn với tên Kẻ Chợ, với văn hóa làng nghề thủ công. Nó chính là chút di cảo của nghìn năm, chủ yếu được ra từ Hà Nội và dành riêng Hà Nội.

Nay, một phần kiến trúc cổ dần không còn như cũ, những tên Hàng của phố chính là hình ảnh của Hà Nội xưa được đọc bằng ngôn ngữ.


Phố Hàng Đào ngày nay (nguồn: Hanoi.org.vn) 

"Thời đô hộ, người Pháp vẫn giữ lại những tên Hàng, không để văn minh phương Tây can thiệp thô bạo. Vì vậy, nên chăng chúng ta cứ giữ nguyên vẹn trước hết là tên Hàng hiện nay," nhà sử học Dương Trung Quốc nói. "Sau nữa, Nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện để người dân khẳng định nên thương hiệu “hàng” gắn với tên phố, như ô mai, mứt kẹo phải lên hàng Đường, bánh cốm chỉ đến hàng Than... Đó là một cách ứng xử văn hóa để những tên Hàng gắn chặt, bền bỉ với phố, với người dân và thành phố.”

Nhìn lại, ý thức được giá trị phố hàng trong lòng phố cổ với sức sống nghìn năm Thăng Long, đã có nhiều dự án văn hóa khôi phục, tôn tạo... Những dự án đó có cái đang tiến hành, có cái hẳn còn lâu mới được chấp nhận. Nhưng dẫu thế nào, một trong những công việc khẩn thiết của người Hà Nội là giữ lấy những nét văn hóa đặc sắc của những con phố mang tên “hàng“ của mình.

Thử tưởng tượng, một ngày, Hà Nội không còn những phố tên Hàng, vậy thì còn đâu ba mươi sáu phố phường...

Cẩm Thơ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: