Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Góc nhìn Khi ODA là dự án dân sinh

Khi ODA là dự án dân sinh

Viết email In

Những dự án tài trợ vốn với quy mô nhỏ, nhưng hướng đến cộng đồng là người nghèo ở nông thôn của các nhà tài trợ cho Việt Nam đã mang lại hiệu quả. Chuyến đi thực địa một dự án giảm nghèo trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam vào tuần qua đã cho thấy đồng vốn ODA quan trọng đối với người nghèo như thế nào.

Dự án của ước mơ

Dưới cái nắng gần 38 độ C, không quan tâm đến những người khách lạ về tham dự lễ khánh thành nhà máy nước ở gần nhà, anh Nguyễn Văn Bền, ở ấp Phú Hữu, huyện An Biên vẫn trần mình dưới cái nắng gay gắt, múc từng thùng nước dưới con kênh sau nhà, đổ vào lu nước.

  • Ảnh bên : Chị Dương Thị Mỹ Hạnh, xã Đông Thái, huyện An Biên, mong muốn mở một quán nước giải khát, khi dự án nước sạch đi vào hoạt động. (Ảnh: Sơn Nghĩa)

Tia nước lọc yếu ớt chảy qua lớp sỏi và cát trong lu nước vẫn không bớt được mùi bùn của con kênh. Vơ lấy mảnh xơ dừa chà lên thành lu nước bám đầy bùn đỏ - màu của nước phèn sau nhiều ngày lọc nước kênh, không nghỉ tay, anh Bền nói: “Nước lọc này để sắp nhỏ nấu sôi uống và cũng để dùng nấu ăn trong ngày”.

Sinh ra và lớn lên ở An Biên, cả gia đình ba thế hệ của anh Bền chỉ mong ước, cố gắng làm ăn dành dụm có tiền để khoan được một cái giếng, không dùng nước sông nữa. Ước mơ đó đã được anh thực hiện vào năm 2006, giếng được khoan sâu xuống lòng đất hơn 30 mét mới tìm thấy nguồn nước.

Ngày đầu tiên, cầm tay bơm, bơm những giọt nước ngọt vô xô, má tui đã ứa nước mắt...”. Anh Bền nhớ lại, khi đó cả cái xóm nhỏ của anh vui như ngày hội, những nhà chưa có tiền đóng giếng, đều dùng chung giếng của nhà anh. Cuộc sống khá hơn, người dân trong xã bắt đầu đóng giếng nhiều hơn để có nước sạch sinh hoạt.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, “hai năm nay, vào mùa khô, nước ngầm cạn kiệt, nhiều lúc bơm cả buổi nhưng nước vẫn không lên”, anh Bền xòe hai bàn tay chai sần, ám đầy màu vàng nước phèn, nói với chúng tôi. Mùa mưa, nước bơm có trở lại, nhưng độ phèn và mặn, ngày càng tăng lên, người dân đành phải bỏ giếng.

“Cả huyện đều trông chờ dự án sớm đi vào hoạt động, chứ không chỉ riêng mình tôi”, anh Bền hồ hởi nói về công trình nước sạch đầu tiên của huyện nhà. Anh tiếp, “tui đã quen với việc sử dụng nước đìa, nước dưới ao, nhưng tụi nhỏ cứ “ỏng eo, không chịu lớn” vì cái nguồn nước này”.

Nước phèn, quanh năm nhiễm mặn, người dân phải mua nước từ các xã lân cận để uống. Giá một lu nước, khoảng 100 lít được ghe chở tới xã đến 14.000 đồng. Bao năm qua người dân của vùng này phải trả với mức cao như vậy mới có nước để uống. Nước chưa chở kịp đến nơi, người dân phải dùng nước sông, nhất là trong những mùa mưa lũ.

Chị Dương Thị Mỹ Hạnh, xã Đông Thái, huyện An Biên, gần một tuần qua không dám dùng nước sông vì bị ám ảnh về nỗi lo dịch tả mà người nhà vừa mắc phải cộng thêm mỗi tối ti vi lại đưa tin về bệnh dịch tả ở Bến Tre. “Tui mua nước do ghe chở tới, cũng không biết có an toàn hay không? Nhưng dù sao cũng đỡ lo hơn là dùng nước sông trước nhà”.

Và lượng nước mua này chỉ dùng để nấu ăn và cho bốn đứa con uống, còn chị Hạnh và chồng vẫn dùng nước lọc từ sông. “Mình lớn rồi không sao, chỉ sợ tụi nhỏ có bề gì... Với lại, mua nước vào mùa khô rất đắt, chỉ mong dự án sớm chạy đường ống để có nước cho bà con xài”. Chị Hạnh bỏ lửng câu nói.

Gia đình chị Hạnh, anh Bền là hai trong số 24.500 hộ dân sẽ được hưởng lợi từ dự án cấp nước này. Dự án cấp nước và vệ sinh tỉnh Kiên Giang do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ để cấp nước cho các xã ở huyện An Biên và huyện Vĩnh Thuận. Tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 2 triệu đô la Mỹ, tương đương với 33,25 tỉ đồng, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ hơn 1,7 triệu đô la, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.

Dự án được xây dựng vào năm 2009 và chuẩn bị hoạt động trong năm nay. Mục tiêu của dự án nhằm giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, cải thiện hệ thống cấp nước và vệ sinh hiện có, nhằm thúc đẩy phát triển đời sống xã hội và kinh tế của người dân trong vùng.

Cần hướng đến người nghèo nhiều hơn

Những dự án tài trợ vốn ODA đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, tỷ lệ người nghèo giảm. Tại hội nghị giữa kỳ hồi tuần rồi, nhiều đại biểu cho rằng, các nhà tài trợ cần hướng đến người nghèo nhiều hơn. Phương cách hiệu quả nhất vẫn là thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, y tế, an sinh, xã hội… nhằm hướng đến việc giảm nghèo bền vững. Cụ thể, dự án cấp nước của tỉnh Kiên Giang không chỉ đơn thuần cung cấp nước sạch cho người dân, về lâu dài, những dự án này được đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Cùng quan điểm này, ông John Hendra, điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cũng cho rằng giải quyết vấn đề bất công và bất bình đẳng đòi hỏi các nhà tài trợ phải tăng cường đầu tư vào các dịch vụ xã hội. Những dự án này nhằm tối đa hóa năng lực của của người dân, giúp người nghèo giảm bị tổn thương trong xã hội và thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm xã hội.

Theo ông Motonori Tsuno, Trưởng văn phòng đại diện JICA tại việt Nam, những nỗ lực giảm nghèo ở Việt Nam cần phải được tiếp tục nhằm giải quyết 10% các hộ nghèo còn lại của Việt Nam. Việc giảm nghèo bền vững rất cần những dự án đầu tư liên quan đến an sinh xã hội, nhằm giải quyết những tác động về xã hội của phát triển kinh tế.

Việt Nam cũng đặt trọng tâm vào việc tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo trong kế hoạch phát triển kinh tế năm năm 2011-2015. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, mức độ cải thiện đời sống của các hộ nghèo còn chậm, số hộ nằm trong diện cận nghèo còn lớn.

Bên cạnh đó, nguy cơ tái nghèo là rất cao, khi người dân gặp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau. Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn. Miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tỷ lệ nghèo còn cao. “Vì vậy, chúng tôi mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương này”, Thứ trưởng Đàm đề nghị.

Đáng lo hơn, do chưa điều chỉnh được chuẩn nghèo kịp thời nên kết quả giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực chất. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến cuối năm 2008, cả nước còn khoảng 1 triệu hộ cận nghèo, với 3,8 triệu nhân khẩu. Thực tế, đây chính là những hộ nghèo nhưng không được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Hiện số người dễ bị tổn thương trong xã hội vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 28% dân số, trong đó có đến 9 triệu người nghèo.

Những dự án phát triển cộng đồng, an sinh xã hội, không những mang lại cho người dân lợi ích thiết thực mà còn cung cấp nhiều gợi ý cho việc thiết kế chương trình giảm nghèo trong tương lai. Quan trọng hơn, từ những công trình phúc lợi này, người dân sẽ chủ động hơn trong cuộc sống.

Trở lại dự án cấp nước nói trên, chị Hạnh mong muốn, khi có nước sạch sẽ mở một quán nước giải khát nhỏ còn anh Bền đã dành dụm được ít tiền để hùn vốn với bạn làm cơ sở sản xuất nước đá sạch. Ước mơ thoát nghèo của những người dân sẽ sớm thành hiện thực hơn từ những công trình này.

Sơn Nghĩa 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo