Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Đi tìm một mô hình chợ cho Hà Nội

Đi tìm một mô hình chợ cho Hà Nội

Viết email In

Ngày xưa bị đuổi mà thành chợ, ngày nay mời vẫn không ai vào – nghịch lý đó trở thành mối quan tâm của một dự án bảo tồn mô hình chợ truyền thống ở Hà Nội mang tên Thành phố sống tốt hơn.

Siêu thị không “giết” được chợ

Giải thích nguồn gốc cái tên “chợ Đuổi” ở Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc kể: “Thời Pháp thuộc, các chợ lớn cứ sẩm tối là đuổi hết người ra khỏi khuôn viên chợ để khoá cổng. Những người bị đuổi này liền tụ tập ở gần đó. Dân nghèo nhiều người lúc ấy mới đi làm về cũng tìm tới chợ Đuổi để mua hàng. Ban đầu họ họp ở đầu chợ (tức phố Tuệ Tĩnh nay) sau do thành phố mở mang, lính cấm dồn chợ về chỗ ngoại ô Vân Hồ”.

Chuyện của nhà nghiên cứu vẫn còn rất thời sự. Bởi chợ cóc, chợ xanh vẫn đang tồn tại khắp các ngõ phố Hà Nội. Nhưng sự khác biệt ở chỗ ngày xưa đuổi, nay các ông quản lý chợ mời mà dân cũng chẳng vào buôn bán… Nghịch lý đó trở thành mối quan tâm của một dự án nghiên cứu và hành động nhằm bảo tồn mô hình chợ truyền thống ở Hà Nội mang tên Thành phố sống tốt hơn.

  • Ảnh bên : Không gian mở, thậm chí gần hoặc trên đường là truyền thống của mô hình chợ tại đô thị Việt Nam (Ảnh: Ngọc Linh)

Dự án này được khởi xướng bởi tổ chức phi chính phủ HealthBridge (Canada), với mục đích can thiệp vào quá trình quy hoạch và phát triển các đô thị ở Việt Nam, nhằm đem lại cho người dân một cuộc sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Ngoài các mảng đề tài như không gian xanh, giao thông đô thị, quy hoạch đô thị… vấn đề nghiên cứu thực trạng và xây dựng giải pháp bảo tồn mô hình chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam, mà cụ thể là tại Hà Nội đang trong giai đoạn triển khai.

Chúng tôi thấy rằng chợ là một thực thể rất đặc biệt trong đô thị Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, nơi từng được gọi là Kẻ Chợ. Tuy nhiên, những mô hình chợ hiện đại như siêu thị hay việc các chợ chính bị đập đi và xây mới thành các trung tâm thương mại đang khiến mô hình này bị mất đi tại nhiều khu dân cư – cô Thanh Hà, cán bộ dự án cho biết – chính vì thế, một chiến lược phù hợp hơn cho hệ thống chợ ở Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khác là rất cần thiết”.

Tính chất hội tụ, tập trung và thiết yếu hàng ngày khiến chợ trở thành nơi giao tiếp của nhiều tầng lớp dân cư già trẻ, gái trai, giàu nghèo, mà nhiều nhất vẫn là phụ nữ đô thị. Theo các số liệu cuộc tổng điều tra dân số năm 1999, mặc dù mô hình siêu thị đã trở nên quen thuộc với các đô thị Việt Nam và đáp ứng nhu cầu một bộ phận có thu nhập cao, nhưng thực tế, chợ chính, chợ tạm, thậm chí chợ cóc, chợ xanh vẫn là những hình thức quen thuộc với người dân.

Siêu thị có chức năng của nó và nó không thể giết chết chợ. Nhưng vấn đề là khi xây chợ mới, người ta không tính đến những yếu tố văn hoá và thói quen, không có những điều tra xã hội học cần thiết để xem cái chợ mới có đáp ứng nhu cầu người bán cũng như kẻ mua không. Và vì thế, quy hoạch chợ tại Hà Nội đang gặp vấn đề”, đây là nhận xét của kiến trúc sư Tô Thị Minh Thông, một người nhiều năm nghiên cứu vấn đề quy hoạch hệ thống chợ tại Hà Nội.

Xây chợ phải chú ý đến “văn hoá đi chợ”

Năm 2000, thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án Quy hoạch cải tạo mạng lưới chợ Hà Nội tới năm 2020. Mục tiêu của dự án này là trước mắt xoá bỏ các chợ cóc, chợ xanh tự phát, các tụ điểm không hợp lý.

  • Ảnh bên : Phương án cải tạo chợ Hàng Da (nguồn : Ashui.com)

Và xa hơn là đến năm 2020 phải xây dựng được một mạng lưới chợ thống nhất cho toàn thành phố, chủ yếu là nội thành, từng bước cho ngoại thành. “Sự tồn tại của chợ cóc, chợ tạm rõ ràng là không văn minh. Nhưng anh muốn người ta vào chợ chính để mua bán thì anh phải xây cho nó đúng. Chợ với trung tâm thương mại là hai khái niệm với công năng sử dụng không giống nhau”, một chuyên gia quy hoạch phát biểu.

Trở lại với dự án Thành phố sống tốt hơn, những nghiên cứu xã hội học bước đầu cho thấy “văn hoá đi chợ” của người dân với cách xây dựng các chợ mới của thành phố Hà Nội chưa gặp nhau. 70% các hộ kinh doanh đặc biệt các mặt hàng như lương thực thực phẩm, đồ gia dụng cho rằng chợ chỉ nên được cải tạo cho đẹp và vệ sinh hơn. Còn việc đập đi xây lại là không nên. Với người bán hàng, chợ mới thường kèm theo khoản thuê cao hơn. Chỗ ngồi của các sạp hàng xáo trộn sẽ làm mất khách quen... Với người mua, 80% cho rằng những trung tâm thương mại thay thế cho chợ khiến họ rất khó mua hàng.

Mô hình chợ truyền thống nằm trên một mặt bằng khiến việc mua bán rất dễ dàng. Những vấn đề như gửi xe máy, leo cầu thang… ở chợ mới tưởng nhỏ nhưng gây ức chế tâm lý rất lớn cho người mua. Kết quả là khi người mua không đến chợ, người bán không có lý do gì để ở lại chợ. Họ lại ra đường!

Trong năm 2010, một cuộc hội thảo sẽ được tổ chức nhằm tạo sự tiếp xúc giữa các đối tượng như nhà quy hoạch, giới quản lý, các nhà văn hoá và các chuyên gia. Tại đây, các kết quả điều tra về thực trạng mạng lưới chợ tại Hà Nội của dự án Thành phố sống tốt hơn sẽ được giới thiệu và phân tích kỹ lưỡng, với hy vọng sẽ có những can thiệp tích cực cho vấn đề.

Dung P.

>> Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo