Khảo cổ học với phát triển đô thị: Đi tìm tiếng nói chung

Chủ nhật, 09 Tháng 5 2010 19:48 Hà Nội Mới
In

Không chỉ khi nhà thầu dự án đường Văn Cao - Hồ Tây tạm dừng thi công nút giao với đường Hoàng Hoa Thám vì có nhiều ý kiến từ các nhà khoa học, giới truyền thông, thì người ta mới nhắc đến câu chuyện khảo cổ học đô thị (KCHĐT) ở nước ta đang lâm vào cảnh "chữa cháy".

Đụng đâu cũng thấy... “cổ”

Lịch sử 1000 năm xây dựng Thăng Long - Hà Nội đã hàm chứa trong đó yếu tố mà những nhà nghiên cứu khảo cổ (KC) thích thú, nhất là tại đây nhiều triều đại đã coi là nơi kinh đô. Mặt khác, trước khi Lý Công Uẩn định đô năm 1010, thành Thăng Long đã kế thừa sự phát triển của nhiều tòa thành quy mô khác nhau trước đó, khởi đầu là năm Mậu Dần (618), khi Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa “đắp thành nhỏ bên trong vòng quanh 900 bước để chống giữ quân Trường Châu” (theo Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Khoa học xã hội, HN.1972). Dẫn chứng ấy để thấy rằng, bên dưới nhiều ngôi nhà, tuyến phố ngày nay sẽ có sự hiện diện của nhiều địa tầng văn hóa với mật độ dày đặc.

Theo các nhà khoa học, chỉ riêng khu vực Hoàng thành thời Lý - Trần - Lê đã chiếm trọn chu vi các đường phố: Ông Ích Khiêm - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Phùng Hưng - Điện Biên Phủ - Trần Phú. Bằng chứng rõ nhất cho nhận định này là các cuộc khai quật tại số 62-64 Trần Phú, 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ. Tại đây, các hiện vật phát lộ đã chứng minh một Việt Nam thuở xưa hào hùng, tráng lệ chứ không chỉ hiện hữu qua cổ sử. Ngoài ra, do là vị trí kinh đô nên nhiều địa bàn khác cũng phát hiện nhiều địa điểm KC có giá trị như đàn Nam Giao (tháp B Vincom hiện nay), đàn Xã Tắc (nút giao Xã Đàn - Khâm Thiên - Đê La Thành), đình Kim Liên... Cũng không phải ngẫu nhiên mà tuyến phố Bách Thảo, Hoàng Hoa Thám, đường Bưởi, Đê La Thành, một đoạn phố Giảng Võ ngày nay lại có cao độ cao hơn nhiều tuyến phố khác. Đây là kết quả lao động, xây đắp của nhiều thế hệ người dân đất Việt, nay được các nhà sử học cho rằng đó là vòng ngoài của thành Thăng Long xưa. Còn tại nút giao đường Hoàng Hoa Thám và đường Văn Cao - hồ Tây đang thi công, các nhà khoa học cho rằng ở đây có dấu tích của một đoạn thành cổ hiếm hoi còn lại, giống như Bản đồ Hồng Đức năm 1490 đã mô tả.

Không thể phủ nhận rằng, những năm gần đây Hà Nội đã dành nhiều tâm sức và tài chính cho hoạt động KC trên địa bàn, cụ thể là đã phân vùng khai quật cho các cơ sở đầu ngành của Việt Nam. Hầu như năm nào, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện KC học, Bảo tàng lịch sử Việt Nam cũng đưa ra những kết quả khả quan. Tuy nhiên, các cuộc khai quật, thám sát đó chưa được thực hiện quy mô do hạn chế về kinh phí cùng nhiều nguyên nhân khác.

Không chỉ Hà Nội “gặp khó”

TS Nguyễn Thị Hậu (Viện Nghiên cứu xã hội học TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sự hủy hoại theo thời gian của các di tích lịch sử, văn hóa trên quy mô ngày càng lớn, nhất là những quốc gia đang phát triển. Tại các thành phố, đô thị, di tích trên mặt đất cũng đang bị đặt trên “bàn cân” giữa bảo tồn và di dời giải tỏa cho quy hoạch một thành phố, đô thị hiện đại hơn...

Trong cuộc hội thảo được tổ chức gần đây về khu khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, hai chuyên gia đến từ Bỉ là Jean Plumier và J.M.Leotard đã chia sẻ những kinh nghiệm hết sức phong phú về bảo tồn di sản đô thị của châu Âu. Hai ông cho rằng, vấn đề Hà Nội (và mở rộng ra cả Việt Nam) đang gặp phải thì trước đây Bỉ và nhiều nước châu Âu khác cũng đã gặp.

Theo Jean Plumier và J.M.Leotard, KCHĐT ở Bỉ cũng bị áp lực trước sự phát triển quy hoạch của các thành phố. Quy hoạch đô thị thay đổi lại làm cho các kế hoạch khảo cổ phải thay đổi theo để phù hợp. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, Bỉ đã xây dựng được một số công viên khảo cổ bằng phương pháp bảo tồn di chỉ ngoài trời. Cách làm này rõ ràng hấp dẫn khách tham quan hơn và tránh được việc để quá nhiều hiện vật “chết” trong bảo tàng. Ngoài ra, Bỉ cũng giữ lại một phần di tích khảo cổ dưới mặt đất ngay trong khuôn viên khu nhà quốc hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người ta phải có đủ điều kiện để bảo tồn thường xuyên tại chỗ với những biện pháp phòng ngừa và cứu hộ di vật khỏi bị tàn phá vì các nguyên nhân về khí hậu, độ phóng xạ, sự chuyển động của trầm tích, độ ẩm, mức độ nước ngầm, độ nở của chất muối, sự hiện diện của các loại vi sinh vật...

Ai cũng biết rằng một khi các di sản trong lòng đất bị xâm hại thì cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ một đi không trở lại. Thủ đô đang trong quá trình phát triển mạnh ở việc lựa chọn giữa hiện đại với giữ lại hoàn toàn dấu ấn cũ theo lối có cái này thì không có cái kia là khó chấp nhận. Nhưng sự vận động của xã hội thì không dừng lại và sự đánh đổi di sản trong đô thị ngàn năm tuổi với những tòa nhà cao tầng dường như ở một vài nơi đang có biểu hiện chiếm “ưu thế”. Có ai đó cũng đưa ra lý do để dễ thông cảm hơn, khi giá đất đô thị của Hà Nội giờ còn “đắt hơn vàng”. Trong khi đó, tại Barcelona (Tây Ban Nha), Beirut (Li băng)... di tích KC học nhà tắm công cộng cũng được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đô thị. Sự so sánh “ta - tây” ở đây có thể không thỏa đáng vì từng quốc gia, tùy từng bối cảnh, đặc thù di tích mà có cách ứng xử phù hợp. Bài toán khó nằm chính ở điểm: Thế nào là phù hợp?

Đi tìm tiếng nói đồng thuận

Quay trở lại câu chuyện thi công nút giao đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao mới thấy cách làm như hiện nay đang có sự bất hợp lý. Ngay từ khi tuyến đường này được phê duyệt năm 2006, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng cảnh báo việc quy hoạch và thi công tuyến đường này có nguy cơ xóa sổ đoạn di tích thành Đại La. Sở VH-TT&DL Hà Nội có công văn gửi UBND TP thông báo dự án xây dựng này tới các quận Tây Hồ và Ba Đình, Sở Giao thông Vận tải không tham khảo ý kiến sở chức năng nên năm 2009 khi dự án được triển khai đã có nhiều ý kiến không đồng thuận. Rõ ràng, ý kiến của ngành chức năng đã rơi vào vòng im lặng.

Có thể, phía BQL dự án giao thông đô thị cho rằng khu vực trên chưa được xếp vào danh mục di tích lịch sử văn hóa để không cần xin phép. Tuy nhiên, tại khoản 3 điều 37 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: “Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về VH-TT&DL”. Có thể con đường đẹp đó vẫn sẽ hình thành đúng tiến độ mà không phải gặp khó nếu trước đó xin ý kiến các ngành chức năng.

Không nói đâu xa, trước khi xây trụ sở làm việc của các cơ quan giúp việc Quốc hội tại 62-64 Trần Phú (Hà Nội), công trình này phải dừng vài năm để khai quật với kết quả hiện vật thu được có giá trị không hề kém so với khu vực 18 Hoàng Diệu. Toàn bộ số di vật, trong đó có cả những bệ móng thành cổ rất bề thế đã được di dời sang Cổ Loa phục vụ cho công tác trưng bày sau này. Cách làm này được cho là “vẹn cả đôi đường”.

Trả lời báo giới, GS Phan Huy Lê cho rằng, nguyên nhân của tình trạng “khai quật chữa cháy” là do đến nay Thủ đô chưa xây dựng được một quy hoạch KC học. Quy hoạch này phải chỉ rõ những di tích mặt đất cần bảo tồn, kể cả những di tích đã được xếp hạng và những di tích chưa xếp hạng. Quy hoạch tính đến cả những khu vực có khả năng có di tích trong lòng đất cần quan tâm khi lập quy hoạch xây dựng cần thám sát, khai quật trước khi xây dựng công trình mới.

Ngày 7-5, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, công trình nút giao đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao đã có quyết định tạm dừng thi công để tiến hành nghiên cứu KC. Với việc vào cuộc, tuy hơi muộn của các nhà khảo cổ, hy vọng, những di vật còn sót lại từ đoạn tường thành sẽ đem tới nhiều thông tin khảo cổ quý giá. Việc cởi “nút thắt” này không chỉ có ý nghĩa với dự án đường Văn Cao - Hồ Tây mà còn với nhiều công trình dân sinh sau này rất cần sự đồng thuận từ các nhà khoa học, các nhà quản lý vì lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Đan Nhiễm

>> Phá Hoàng thành Thăng Long làm đường giao thông 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: