Cần thẩm định kết quả trưng cầu ý dân về Quy hoạch Thủ đô

Thứ năm, 29 Tháng 4 2010 09:39 Tuần Việt Nam
In

Triển lãm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 chuẩn bị đóng cửa, cần có đánh giá, thẩm định độc lập các ý kiến đóng góp của nhân dân.

Đây không phải lần đầu tiên triển lãm và lấy ý kiến nhân dân, nhưng với một đồ án lớn như vậy , có tầm quan trọng đến cuộc sống trực tiếp hàng chục triệu cư dân TP tương lai, Thủ đô đất nước trăm triệu dân, có không gian định hướng phát triển trong tầm nhìn nửa thế kỷ - Do vậy cần đặt ra vài câu hỏi:

Thứ nhất là với vài ngàn ý kiến đã thu thập, có đủ để đánh giá nhân dân có hay không đồng tình với nội dung Đồ án, hay từng nội dung của dự án.

Thứ hai là với thời gian 10 ngày, vài chục tấm pa nô liệu đã đủ thời lượng thông tin để đánh giá một Đồ án phức tạp, đa mục tiêu, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực hay không?

Thứ ba là cần cơ quan nào đánh giá, thẩm định độc lập các ý kiến đóng góp của nhân dân vào đồ án, cơ chế tiếp thu, phân loại / tổ hợp các ý kiến để thể hiện vào các nội dung thay đổi hiệu chỉnh của đồ án.

Ý kiến phong phú tham góp vào Đồ án

Xem qua một vài ý kiến đăng tải trên các báo, có thể thấy có rất nhiều thuận lợi:

Thứ nhất là ý thức trách nhiệm công dân rất cao, các ý kiến rất độc lập và rất công tâm, rất thiện chí,  chỉ mong muốn làm sao để chất lượng đồ án tăng và tính khả thi cao.

Thứ hai là chất lượng cao của các ý kiến. Thể hiện sự tìm hiểu kỹ các vấn đề, đề xuất những giải pháp cụ thể thể hiện sự am hiểu các lĩnh vực mà ý kiến góp ý đề cập.

Thứ ba là tính đa dạng các lứa tuổi, chuyên môn các lĩnh vực từ kinh tế, tự nhiên, xã hội, thủy văn đến văn hóa. Tính đa chiều trong cùng lĩnh vực vấn đề thảo luận khía cạnh phong phú. Thậm chí có vấn đề được xem xét ở các giai đoạn khác nhau để làm sáng tỏ.

Có thể thấy đây là kho tư liệu giá trị, làm giàu lên nhiều cho nội dung Đồ án, vốn do một số ít người thực hiện trong khoảng thời gian hạn chế.

Sáng kiến thu nhận nhiều ý kiến hơn nữa

Trong ý kiến của người  dân cũng mong có đủ thời gian nhận diện để có góp ý sâu sắc thêm cho đồ án. Không khó gì thỏa mãn nguyện vọng chính đáng này: Một, toàn bộ pano triển lãm chuyển về tầng 1 của VIAP ( hiện đang để trống) là ổn.

Hai, toàn bộ tệp dữ liệu triển lãm chuyển lên mạng, đằng nào cũng công khai rồi (chất lượng ảnh rõ, ảnh trên Web của Bộ XD có 1 bức rất mờ). Không chỉ cư dân Hà Nội mà các công dân VN ở đâu cũng có điều kiện tiếp cận cho ý kiến xây dựng.

Ba, các nhóm chuyên gia căn cứ vào tư liệu và các ý kiến công khai của dân (như các thảo luận về giao thông, môi trường, sân golf... các báo điện tử đã làm) để tổng hợp đóng góp cho Đồ án, các chuyên gia thực hiện cũng có cơ hội làm rõ các vấn đề với công chúng.

Các chuyên gia khác cũng có điều kiện đánh giá Đồ án đã tiếp thu các ý kiến thuyết phục để hiệu chỉnh hay không. Làm việc này đạt hiệu quả cao và nâng cao một bước văn hóa lấy ý kiến nhân dân, cũng là diễn đàn để giúp các Đại biểu Quốc hội tập hợp ý kiến đưa vào nội dung thảo luận trong kỳ họp tới.

Cuối cùng đề xuất giới báo chí phải là cầu nối giữa nhân dân và cơ quan thực hiện Đồ án, đứng ra đảm đương công việc này.

Trần Anh 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: