Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Mùa mưa 2010: Hà Nội có chìm trong biển nước?

Mùa mưa 2010: Hà Nội có chìm trong biển nước?

Viết email In

Không phải do lượng mưa lớn bất thường, cũng chẳng phải hạ tầng thoát nước quá thấp kém, Hà Nội có thể chìm trong nước do chính những công trình thoát nước bị xâm phạm nghiêm trọng.

Hầu hết nước mưa của Hà Nội đều được bơm ra sông Hồng thông qua trạm bơm Yên Sở (quận Hoàng Mai). Để nước về được trạm bơm, chúng được chảy về các hồ điều hoà A, B và qua kênh bao về hồ C. Tuy nhiên con kênh bao duy nhất được coi là huyết mạch giúp đưa nước về trạm bơm đang trong tình trạng bị băm nát.

  • Ảnh bên : Cả lưu vực rộng lớn thuộc quận Ba Đình, một phần quận Tây Hồ trông chờ vào con mương tạm này khi mưa lớn đổ xuống (Ảnh: Phùng Sưởng)

Huyết mạch bị tắc

Tại đoạn kênh nối hồ B với hồ C chỉ dài vài trăm mét nhưng đã có đến 3 điểm bị chặn dòng, co thắt. Trước hết là đoạn giáp đường Pháp Vân (phía thượng lưu dòng chảy). Con kênh vừa được kè đã bị cày xới. Hàng chục chiếc cọc cừ sắt được đóng xuống chắn ngang ¾ dòng kênh. Toàn bộ việc thoát nước được dồn lên ¼ dòng kênh (khoảng 4m) còn lại của con kênh.

Không ai có thể hình dung được đây là một con kênh duy nhất thoát nước cho Hà Nội. Ông Nguyễn Lê, Chủ tịch HĐQT Cty Thoát nước Hà Nội cho biết: Do kênh Yên Sở bị xâm phạm, gây tắc nghẽn khi mưa lớn xảy ra nước chảy về hồ điều hoà bị cản lại, nước dềnh lên tạo hiệu ứng dây chuyền xảy ra đó là toàn bộ hệ thống cống thoát của thành phố bị ngưng trệ. Hà Nội đối mặt với ngập toàn diện. Chủ đầu tư của những công trình xâm phạm kênh Yên Sở này là Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT).

Mới đây để tăng khả năng thoát nước, Công ty Thoát nước đã cho phá một phần bờ kênh phía phải. Tuy nhiên tiết diện dòng chảy không tăng lên được là bao do đụng phải đường gom đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tại khu vực này, những chiếc cọc cừ sắt đóng sâu xuống lòng kênh và chiếm trọn không gian trên đoạn kênh dài hàng chục mét. Trong khoảng không gian đó, người ta chất đủ thứ như bê tông, sắt, đất cát... Và vì thế nó như một bức tường thành bất khả xâm phạm và đủ sức để chặn lại sức mạnh của mọi dòng nước đổ về.

  • Ảnh bên : Kênh bao Yên Sở hầu như đã bị chặn lấp hoàn toàn. Hà Nội sẽ chìm trong biển nuớc nếu con kênh không được khơi thông dòng chảy

Phía hạ lưu đoạn kênh, một công trường thi công cống hộp kéo dài hàng chục mét đang diễn ra tấp nập. Để tạo bờ bao cho công trường, hàng ngàn bao tải cát đã được xếp kín mặt kênh. Trên đó hàng trăm tấn bê tông đúc sẵn được chồng lên. Đơn vị thi công ở đây cũng đã thu nhỏ và nắn dòng chảy một cách khéo léo. Hàng trăm m3 bùn đất xuống phần kênh còn lại.

Do bị co thắt và bồi lắng nên chênh lệch cốt nước giữa kênh Yên Sở và hồ điều hoà có khi lên đến 85cm. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra” -  một cán bộ Công ty Thoát nước lo lắng.

Kênh thoát bị thắt

Mương Thụy Khuê, dòng thoát nước duy nhất cho một lưu vực rộng lớn thuộc địa bàn quận Ba Đình và một phần quận Tây Hồ đang bị thắt nút. Nguyên nhân là tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây cắt ngang qua con mương. Để thi công con đường, một đoạn mương khoảng gần 100m được cống hóa. Để thi công cống hộp, một đoạn kênh tạm được rạch ra như một cánh cung.

Chỉ với một xê dịch nhỏ, dòng kênh tạm bị lấp bất cứ lúc nào. Vì thế một lưu vực rộng lớn Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái, Phan Huy Ích, Cửa Bắc, Yên Ninh, Châu Long, Thuỵ Khuê, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Nguyễn Tri Phương... sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng - ông Hoàng Thái Hà, Phó giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 cảnh báo.

Hiện công trình cống hộp đang ngổn ngang. Chỉ có điều con kênh tạm này chỉ có thiết diện trên 1m và đi giữa một núi phế thải xây dựng - hiện trường hậu giải phóng mặt bằng. Được biết, dự án này do Ban QLDA Giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

  • Ảnh bên : Cả lưu vực rộng lớn thuộc quận Ba Đình, một phần quận Tây Hồ trông chờ vào con mương tạm này khi mưa lớn đổ xuống (Ảnh: P.Sưởng)

Không chỉ quận Ba Đình, Tây Hồ đối mặt với úng ngập, tại điểm nóng quận Đống Đa nguy cơ úng ngập cũng đang rình rập. Trên tuyến mương Hào Nam - Láng hiện đang được cống hoá làm đường giao thông. Để đảm bảo vừa thi công vừa thoát nước, nhà thầu đã cho thi công một nửa mương trước.

Lẽ ra, nửa mương còn lại được nạo vét để thoát nước. Thế nhưng có thể vì “tiết kiệm” nên nửa mương còn lại bùn dềnh lên mấp mé bờ mương. Để có thể thoát nước ở mức thấp nhất có thể, nhà thầu đã dùng cọc gỗ đóng xuống lòng mương tạo thành một dòng dẫn nhỏ, (khoảng 1m) sau đó lót lưới nilon cho nước chảy.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội mương Hào Nam - Láng có vai trò quan trọng trong việc thoát nước cho lưu vực lâu nay thường xuyên xảy ra úng ngập như: khu vực Hoàng Cầu, Thái Hà, Thái Thịnh, Cát Linh, Giảng Võ. Không biết với dòng chảy bằng một bước sải ngang này, con mương có thể ứng phó với những trận mưa lớn thế nào?

Mùa mưa năm nay đã đến gần, theo thông lệ công tác chuẩn bị đối phó với mùa mưa cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, năm nay Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn đang rối bời bởi vi phạm hành lang thoát nước quá rõ nhưng Công ty cũng chẳng biết sẽ phải xử lý ra sao. 

PHÙNG SƯỞNG

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo