Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Nhìn lại kiến trúc "mới" của VN: Phiên bản mờ nhạt của kiến trúc thế giới!

Nhìn lại kiến trúc "mới" của VN: Phiên bản mờ nhạt của kiến trúc thế giới!

Viết email In

Đại hội 8 - Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 21-24/4/ 2010 tại Hà Nội. Hơn 1.000 kiến trúc sư (KTS) trên cả nước sẽ cùng nhau đánh giá lại tình sáng tạo kiến trúc những năm qua…

Tình trạng “chấp chới”

Kiến trúc Việt Nam đã có một thời kỳ “bùng nổ”. Tuy nhiên, khi niềm hứng khởi chóng qua, cho đến giờ nhìn lại, hầu như ai cũng thấy, sự “bùng nổ”, náo nức kia chỉ là chuyện phong trào, chuyện xã hội mang tính nhất thời. Nó mới chỉ là sản phẩm tự phát của một bối cảnh xã hội đổi mới, chứ chưa phải là sản phẩm của một hay những cách thức tư duy mới. Giờ đây, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, các KTS có thể hoàn toàn “tự do” sáng tác. Nhưng xét đến cùng, “tự do” cũng là một thách thức, mà dường như các KTS Việt Nam, vẫn chưa được chuẩn bị kỹ về mọi mặt để có thể vượt qua. Hơn 20 năm sau đổi mới, kiến trúc Việt Nam vẫn chưa đóng góp được gì nhiều vào việc định ra những tiêu chuẩn, những giá trị mới để định hình một hệ thẩm mỹ thích nghi với thời đại, để đồng hóa được hai khái niệm kiến trúc Việt Nam thời “đổi mới” với kiến trúc “mới” Việt Nam.

  • Ảnh bên : Sự lộn xộn trong bức tranh kiến trúc. (Ảnh: sưu tầm)

Bỏ qua những hiện tượng không lành mạnh trong các hoạt động sáng tác kiến trúc gần đây với những mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật, thì ngay ở phần “nghiêm chỉnh” nhất, kiến trúc “mới” Việt Nam, vẫn đang “chấp chới” giữa các khuynh hướng kiến trúc ngoại nhập của phương Tây với nghệ thuật dân gian. Nói “chấp chới”, bởi không thấy gốc rễ, không có dấu hiệu của sự chuyển hóa thích ứng, sự thống nhất mang tính nội tại.

Chỉ cần đặt những cuốn giải thưởng kiến trúc Việt Nam bên cạnh bất cứ cuốn sách nào điểm lại nghệ thuật kiến trúc phương Tây thế kỷ 20 và chỉ cần xem phần hình ảnh minh họa, ai cũng dễ dàng nhận thấy, kiến trúc “mới” Việt Nam cứ như một phiên bản mờ nhạt của kiến trúc thế giới. Tất cả những cái được gọi là “biểu hiện”, là “trừu tượng”, “phi cấu tạo”... mà các KTS đang tự hào cho là “mới” và áp dụng vào thực tế, chỉ tô đậm thêm cho tính chất ngoại vi của kiến trúc “mới” Việt Nam mà thôi... Đi sau quá xa là một, nhưng quan trọng hơn, là kém thực chất: cách vẽ mới đã không mang ý nghĩa của một cách nhìn mới và đi kèm với nó là của khoa học công nghệ và vật liệu mới, nên tuy làm theo những hình thức rất mới của thiên hạ nhưng khi diễn giải, chúng ta vẫn chưa có nhiều sự khai phá, tự thể hiện, mà thường là đi theo, lặp lại...

Còn trong những nỗ lực để tìm về với truyền thống, để khai thác những hình ảnh biểu trưng của cái được gọi là “văn hóa làng”, “văn hóa tâm linh”... thì hầu hết các tác phẩm mới chỉ dừng lại ở mức làm thỏa mãn sự hiếu kì văn hóa của một số người, của khách nước ngoài nói chung, chứ chưa làm nên giá trị và vị thế cho kiến trúc Việt Nam xét trên phương diện nghệ thuật...

Thường chỉ quan tâm đến những giá trị cũ

Đến lúc này, dường như, đã có thể nói về một sự đứt đoạn trong các quan hệ văn hóa kiến trúc.

Phần lớn các KTS vẫn chỉ chạy theo nhu cầu của thị trường, còn với số đông công chúng những chủ đầu tư tạo nên thị trường thì nghệ thuật là thứ “kính nhi viễn chi”, biết là hay đấy nhưng không hiểu, không biết nên không tiếp cận, hoặc chỉ tiếp cận một cách sơ sài, cẩu thả; về phía các cơ quan quản lý, dường như cũng mới chỉ quan tâm đến khía cạnh pháp lý, những tiêu chuẩn về an toàn nói chung... chứ chưa thật sự quan tâm đến chất lượng nghệ thuật và thẩm mỹ của kiến trúc, giới phê bình kiến trúc thì hầu như không tồn tại...

Trong thực tế, cách tiếp cận kiến trúc của chúng ta, từ trước đến nay về thực chất vẫn còn nhiều bất cập. Điều này có nhiều biểu hiện như: Trong khâu đào tạo và đầu tư cho sáng tác, chúng ta quan tâm đến yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật, thời gian và số môn ngoài nghệ thuật vẫn chiếm một tỷ trọng quá lớn trong chương trình đào tạo KTS và ở nhiều nơi cách hiểu về kiến trúc cũng không hơn một công trình xây dựng thuần túy. Trong định hướng sáng tác, chúng ta có khuynh hướng quay về các giá trị truyền thống, để làm sao cho công chúng hiểu, chấp nhận tác phẩm nhiều hơn là đề cao cái mới, cái tiền phong.

Trong hoạt động phong trào, chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa quần chúng nhiều hơn là ý nghĩa nâng cao chất lượng chuyên môn, học thuật. Việc đánh giá và bình chọn tác phẩm rất ít, nếu có lại thường chỉ quan tâm đến những gía trị cũ, ít nhiều đã ổn định, thích cái vừa phải, chừng mực, và thuận mắt hơn là khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo mới về mặt hình thức nghệ thuật...

ThS.KTS Lê Hữu Trúc

>> Xây dựng văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo